Computer Info

Chỉnh sửa lần cuối lúc 2024-01-27 10:15:40 (UTC).

Computer Info
Photo by Pew Nguyen from Pexels

Máy tính

Tôi chủ yếu sử dụng một chiếc MacBook Pro đời 2020 (dùng chip Intel) có touch bar. Đây là chiếc máy tính tôi được cấp để làm việc nhưng thỉnh thoảng giải trí cũng không vấn đề gì. Chip hơi cũ nhưng cấu hình vẫn thừa sức đáp ứng nhu cầu của tôi và công ty tôi.

Năm 2023, chip Intel gần như không còn xuất hiện trên các dòng máy Mac, nhưng nhiều phần mềm “nghiệp vụ” chưa chạy được trên chip Apple silicon nên công ty tôi vẫn hạn chế cấp những máy tính đời mới này.

Trước đó, tôi từng được cấp nhiều máy tính khác nhau:

  • Dell Inspiron
  • VAIO (không phải của SONY)
  • MacBook Pro đời 2017
  • MacBook Pro đời 2013
  • v.v…

Tôi cũng sở hữu cá nhân một chiếc MacBook Pro đời 2011, hơi cũ nhưng vẫn dùng tốt 👍. Chiếc máy này đã không còn nhận được cập nhật phần mềm từ Apple. Tôi đã cài một bản phân phối Linux cho nó. Dù vậy, tần suất tôi sử dụng chiếc máy này không nhiều.

Rất lâu trước đây, thời sinh viên, tôi sở hữu một chiếc SONY VAIO, chiếc máy đã cũ và đến năm 2023 đã chính thức hỏng. Nhân tiện đây, tôi mới để ý, hóa ra từ trước tới giờ mình toàn dùng laptop 😂.

Phụ kiện

MacBook Pro mà tôi đang dùng chỉ có cổng Thunderbolt 3 nên việc kết nối với các thiết bị khác hết sức thiếu thốn. Tôi đã xin công ty một chiếc USB hub, tuy không được gọn gàng lắm nhưng cũng ổn.

Nghe nói thiết kế của MacBook Pro này đã dần bị khai tử. Các máy tính đời mới hơn đã mang trở lại những cổng kết nối quan trọng như HDMI và khe cắm thẻ nhớ. Dù vậy, để kết nối chuột, bàn phím vẫn cần tới USB hub.

Tôi mua một chiếc bàn phím Filco Majestouch 2 (Cherry MX Black switch) để sử dụng, trước đó tôi dùng một chiếc Filco Majestouch Ninja (Cherry MX Blue switch) khoảng nửa năm. Bàn phím cơ cho tôi cảm giác gõ tốt hơn hẳn những bàn phím mà tôi đã từng sử dụng trước đây. Trước khi dùng bàn phím cơ, tôi chủ yếu dùng bàn phím đi kèm máy. Ngoài ra, tôi có mua một bàn phím membrane của Elecom.

Tôi đã từng nghe chuyện ông Richard Stallman bị đau tay vài năm vì dùng bàn phím quá nặng. Và tôi cũng lo lắng mình dùng Cherry MX Black sẽ có nguy cơ bị như vậy. Thế nhưng sau hơn 1 năm thì mọi việc vẫn ổn 😄. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy hơi mỏi tay nếu đánh máy nhiều, không biết do bàn phím hay do nguyên nhân nào khác. Hiện tượng này biến mất tương đối nhanh nên tôi thấy chưa cần phải lo lắng về nó.

Tôi sử dụng một con chuột văn phòng cơ bản của Logitech. Từ trước tới giờ tôi đều sử dụng những con chuột cơ bản như vậy. Dù trackpad của máy Mac rất tốt, nhưng tôi vẫn thích dùng chuột ngoài hơn. Tôi không nhớ đây là con chuột thứ bao nhiêu tôi mua. Nó là một con chuột không dây. Khác với bàn phím, chuột không dây tiện lợi hơn nhiều so với có dây. Tôi đã từng sử dụng nhiều loại chuột khác nhau, và cảm thấy dây chuột rất vướng víu. Vì vậy, bây giờ và cả sau này, tôi vẫn sẽ ưu tiên chuột không dây.

Tôi mua một tấm lót chuột cỡ lớn trên mạng. Tấm lót chuột rẻ thôi, tất nhiên chất lượng đi kèm với giá. Không thể so sánh với những tấm lót chuột xịn sò đến từ những tên tuổi lớn, nhưng nó vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của tôi. Tôi kê cả bàn phím và chuột trên đó, việc di chuột rất thoải mái (chắc chắn là thoải mái hơn mấy quyển sách tôi kê ngày trước).

Tôi có một chiếc tai nghe SONY MDR-MA300 mua từ thời sinh viên để nghe nhạc. Hiện tại tôi không dùng nó thường xuyên mà chủ yếu dùng loa của máy tính. Thỉnh thoảng tôi sử dụng nó để nghe nhạc, hoặc họp hành mà không làm phiền người xung quanh.

Tôi cũng mua trên mạng một giá đỡ laptop và để máy tính trên đó. Cũng rẻ thôi, nhưng nó làm bằng nhôm và khá chắc chắn. Tôi không sử dụng màn hình ngoài, vì bàn của tôi đã chật rồi, không còn chỗ nào để kê màn hình nữa. Vì vậy, giá đỡ này giúp tôi bớt mỏi cổ hơn rất nhiều.

Một thứ không liên quan đến công nghệ lắm, đó là đèn bàn Tertial của Ikea. Để mua đèn màu trắng cho hợp tông, tôi đã phải chờ đợi một thời gian rất lâu mới có hàng. Tôi mua để phòng trường hợp cần sử dụng máy tính vào buổi tối. Nhưng cho đến bây giờ thì tần suất sử dụng nó không quá nhiều.

Hệ điều hành

Vì sử dụng MacBook Pro nên macOS là hệ điều hành tôi sử dụng nhiều nhất. Tôi thích macOS, nó vừa có một giao diện đẹp, hiệu năng tốt, lại có khả năng làm các công việc khác bằng dòng lệnh.

Từ những ngày đầu tiên tiếp xúc với máy tính, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với các phiên bản khác nhau của hệ điều hành Windows: Windows 95, Windows 98, Windows XP và cả Windows Server 2003, tất cả đều được cài đặt trên desktop. Tuy nhiên thời đó tôi chưa có máy tính, tôi chỉ được “dùng ké” máy tính của người khác. Chúng đã cho tôi những trải nghiệm đầu tiên với máy tính 😍.

Tôi nghe nhiều người kể về hệ điều hành DOS, tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tiếp xúc với một chiếc máy tính nào chạy hệ điều hành này.

Sau này, khi sở hữu máy tính của riêng mình, tôi được tiếp xúc với Windows Vista rồi Windows 7. Đây là những hệ điều hành tương đối dễ sử dụng và quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, tôi học IT lại không dùng Windows nhiều. Một điểm Windows thua kém những hệ điều hành khác, đó là render font chữ tiếng Nhật rất xấu. Tôi thường xuyên làm việc với tiếng Nhật và tôi không thích điều này 😂.

Tôi có khoảng hơn 1 năm dùng Windows 10 để làm việc. Tuy nhiên, tôi không quen thuộc với việc lập trình trên Windows. Nói chung Windows phù hợp với hầu hết người dùng, nhưng không hợp với tôi. Đó là những máy tính Windows cuối cùng mà tôi tiếp xúc. Hệ điều hành Windows 11 mới nhất tôi cũng chưa có cơ hội dùng lần nào.

Tôi được học cách sử dụng và lập trình trên Linux. Tôi đã tự cài đặt Ubuntu 9.10 trên máy tính cá nhân của mình. Đây là hệ điều hành Linux đầu tiên tôi sử dụng một cách thường xuyên. Hệ điều hành Linux là một hệ điều hành tốt đối với những người làm về IT như tôi.

Nhưng từ trải nghiệm cá nhân, thực sự nó không phải là thứ dành cho tất cả mọi người. Tôi đã sử dụng Ubuntu, bản phân phối được cho là dễ dùng nhất rồi mà vẫn cảm thấy họ còn nhiều thứ phải làm. Kho phần mềm dành cho Linux quá thiếu thốn so với macOS hay Windows. Ngay cả việc cài đặt phần mềm thôi cũng là quá phức tạp với phần lớn người dùng.

Hệ điều hành Linux rất mạnh mẽ, nhưng nó chỉ có thể thể hiện sức mạnh đối với những người có chút kiến thức, vì sẽ phải dùng dòng lệnh nhiều. Với pro thì việc này không vấn đề gì, nhưng với người dùng thông thường, đó là một thách thức lớn.

Chưa kể giao diện đồ họa của Linux thì không lấy gì làm đặc sắc cho lắm. Lúc đầu Ubuntu còn dùng GNOME tôi còn thấy đẹp, sau này chuyển sang Unity lại thấy xấu hơn. Người dùng thấy thế còn dùng gì nữa, ấn tượng ban đầu còn không có thì nói gì đến tìm hiểu.

Tôi có sử dụng Fedora và cả Red Hat Enterprise Linux (được cài đặt trên máy của trường) nhưng giao diện của chúng cũng chẳng tốt hơn là bao, thậm chí phối màu có phần đơn điệu hơn. Tôi có dùng thử Linux Mint một thời gian ngắn, nhưng cảm thấy giao diện của nó rất tốt, đủ đẹp để sử dụng mà vẫn mạnh mẽ như mọi bản phân phối khác.

Trên đây là câu chuyện của máy tính cá nhân. Trên môi trường máy chủ, Linux vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Giờ đây sử dụng MacOS thì thấy nó dung hoà được cả tính năng, hiệu năng và giao diện đồ hoạ. Tuy nhiên giá cả là một rào cản lớn. Thực sự tôi cũng có những phút cảm thấy hơi hối hận khi bỏ ra một số tiền lớn để mua MacBook Pro, trong khi có nhiều lựa chọn khác giá thành hợp lý hơn. Nhưng đến nay máy tính đó vẫn chạy, nên tính khấu hao thì lại thành rẻ hơn.

Phần mềm

Công việc chính của tôi là lập trình, editor và terminal là những phần mềm tôi sử dụng nhiều nhất. Từ khi học IT đến khi đi làm rồi đến tận bây giờ, tôi đều lập trình trên môi trường Unix-like. Tôi dùng editor để viết mã nguồn, sau đó dịch và thực thi chương trình bằng dòng lệnh. Các công cụ khác phục vụ công việc như git tôi cũng dùng dòng lệnh. Vì vậy, tôi thấy thoải mái khi làm việc trên macOS hoặc Linux hơn so với Windows. Đây hoàn toàn là chuyện của cá nhân tôi, những người khác sẽ có môi trường khác mà họ thấy thoải mái nhất.

Emacs là editor ưa thích của tôi. Tôi dùng nó để lập trình những bài toán nho nhỏ. Trong công việc và cả việc viết blog, tôi sử dụng vscode (Visual Studio Code). Đây là một editor hiện đại với nhiều tính năng thú vị. Nó cũng có thể dễ dàng mở rộng với nhiều extension có sẵn nữa. Tuy nó nặng hơn Emacs kha khá, nhưng với sức mạnh của phần cứng hiện nay, thì điều đó cũng chẳng có vấn đề gì.

Nghe đến công việc lập trình, nhiều người nghĩ rằng sẽ phải dùng bàn phím nhiều, nhưng thực ra tôi dùng chuột nhiều hơn. Hơn nữa, lập trình không phải gõ code 100% mà Copy-Cut-Paste diễn ra khá thường xuyên. Những lúc như vậy, vscode tiện hơn Emacs rất nhiều.

Terminal cũng được tích hợp sẵn trên vscode nên chỉ cần dùng editor này là tôi có thể làm mọi việc liên quan đến lập trình. Tôi đã từng thấy nhiều người dùng tmux hoặc screen để chia Terminal ra thành nhiều khung nhỏ chạy song song, chỗ thì viết code, chỗ thì chạy lệnh, chỗ thì xem log, trông rất ngầu. Giờ đây, với vscode tôi cũng dễ dàng làm được như thế 👍.

Trước đây, tôi sử dụng Atom khi nó mới ra để thay thế cho Sublime Text. Lúc đầu nhiều người có vẻ chê cười công nghệ của Atom (dùng electron đóng gói thì khác gì trang web, hiệu năng kém, nặng máy, v.v…) nhưng sử dụng rồi tôi mới thấy Atom tốt hơn Sublime Text nhiều. Sublime Text phải cài rất nhiều plugin (mà trình quản lý plugin không có sẵn, phải cài bằng tay) mới được như Atom, giao diện cũng xấu hơn mà còn lỗi khi gõ tiếng Việt hay tiếng Nhật.

Sau đó thì tôi biết đến vscode, cũng dùng công nghệ tương tự như Atom nhưng đẹp hơn 😍, hoặc ít nhất lúc đầu thì tôi thấy như vậy. Sau vài bản update, Atom ngày càng nặng hơn, trong khi vscode lại tốt hơn. Thế là từ đó đến này tôi đã chuyển sang dùng vscode.

Atom đã bị khai tử vào tháng 12 năm 2022.

Hệ điều hành MacOS không có một trình quản lý package “chính hãng”, nên tôi sử dụng Homebrew. Đó là một trình quản lý rất tốt, sử dụng nó tiện lợi rất nhiều. Nếu không, các thao tác cài đặt cũng như cấu hình package phải làm bằng tay thì rất mất thời gian, nhất là khi cần update.

Với sự phát triển của Docker cũng như các công cụ đóng gói container khác, giờ đây việc sử dụng hệ điều hành gì không còn là vấn đề gì quá lớn. Container là một môi trường đóng gói độc lập, như một máy ảo chạy tách biệt khỏi hệ điều hành mà máy sử dụng, nên dù dùng Windows, Linux hay MacOS cũng không thành vấn đề nữa.

Đặc biệt là vscode đã hỗ trợ remote container, cho phép code và chạy trực tiếp trong container luôn, vừa tiện lợi, lại có được sự thống nhất cho tất cả mọi người. Thực ra các editor khác cũng làm được như thế, nhưng vì không hỗ trợ sẵn, nên người dùng phải làm thủ công hơn rất nhiều (mount code vào container, dùng terminal truy cập container để chạy lệnh) nên không tiện bằng.

Tôi hầu như không chơi game, nếu có thì cũng là game nhẹ nhàng, đơn giản trên điện thoại chứ không phải game máy tính. Trước đây tôi cũng từng chơi CS 1.1, 1.6 rồi CS:GO. Nhưng kể từ khi có con tôi không còn chơi nữa.

Tôi sử dụng tất cả các dạng phần mềm, từ trả phí đến miễn phí cũng như các phần mềm mã nguồn mở hay tự do, trừ shareware. Tôi đã sử dụng một số shareware như WinRAR hay Sublime Text, và tôi rất khó chịu khi thường xuyên gặp thông báo mời mua bản trả phí của chúng. Phần mềm có rất nhiều và tôi dễ dàng tìm được sự thay thế phù hợp.

Tôi không quá quan trọng việc sử dụng phần mềm tự do, mã nguồn mở hay trả tiền, hay phần mềm không tự do nhưng cũng không phải trả tiền. Cá nhân tôi cũng không thích tư tưởng có phần cực đoan về tự do phần mềm của FSF. Những tư tưởng đó mang hơi hướng chính trị nhiều sơn hơn công nghệ. Rõ ràng tôi vẫn hoàn toàn tự do sử dụng máy tính của mình, cài đặt và sử dụng phần mềm theo ý mình.

Tôi thích tư tưởng về phần mềm mã nguồn mở của OSI hơn, dù nhiều phần mềm mã nguồn mở cũng là phần mềm tự do, và ngược lại nhưng tư tưởng của hai tổ chức này không hoàn toàn giống nhau, và OSI cũng không cực đoan quá trong việc sử dụng phần mềm của người dùng.

Smartphone

Tôi có sử dụng smartphone, iPhone là loại duy nhất tôi sử dụng. Đây là smartphone đầu tiên mà tôi mua (mua khi sang Nhật). Lúc đó tôi không biết gì nhiều về smartphone, cứ nghĩ mua iPhone theo nhà mạng là rẻ. Tiếp xúc với iPhone rồi tôi thấy nó rất tốt, từ phần cứng đến phần mềm. Tôi không dùng nhiều smartphone khác nên không so sánh cụ thể được.

Dùng MacBook Pro, lại dùng iPhone, nhiều người nghĩ tôi là iFan. Tôi cũng chẳng biết điều đó đúng hay sai nữa. Tôi cũng có sử dụng Android, trên smartphone của những người mà tôi quen biết. Tôi thấy nó cũng không thua kém gì iOS, nhưng đã quen rồi nên tôi vẫn tiếp tục dùng iPhone cho tới tận bây giờ.

Lúc mới dùng iPhone, có lẽ tuổi trẻ nông nổi, tôi cảm thấy iOS tù túng vô cùng, đúng kiểu cho cái gì thì dùng cái đó, hầu như không tuỳ biến được gì. Thế nhưng, giờ đây, tôi cũng không còn quan trọng chuyện đó nữa, quen rồi thì thấy nó cũng được, cũng chẳng cần thay đổi gì nhiều. Mua máy mới thì chỉ cần đổi hình nền và nhạc chuông là đủ, đã qua rồi thời chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia của máy cho nó khác đi.

Hơn nữa, nhu cầu smartphone của tôi cũng không cao. Ban ngày làm việc chủ yếu dùng máy tính, buổi tối dành thời gian cho vợ con, nên thời gian dùng smartphone của tôi không nhiều. Tôi thật không hiểu sao có những người có thể on screen hàng chục tiếng mỗi ngày, chẳng lẽ cả ngày dùng smartphone hay sao, hay họ làm việc luôn trên smartphone.

Với tôi, một chiếc smartphone, hay kể cả máy tính bảng, dù mạnh cỡ nào cũng chưa thể thay thế cho máy tính được. Có lẽ do đặc thù công việc khác nhau nên không thể biết được những nghề khác họ làm việc như thế nào.

Internet

Tôi sử dụng Internet khá muộn, đất nước gia nhập Internet đã muộn rồi, nhưng phải hơn 10 năm sau đó tôi mới bắt đầu sử dụng Internet. Một phần do nơi tôi sống là một vùng quê nghèo, nên việc Internet về làng muộn hơn những nơi khác cũng là điều dễ hiểu. Mãi tới khi tôi học đại học, công nghệ 3G bùng nổ tôi mới sử dụng Internet thường xuyên.

Giờ đây, tôi sử dụng cả Internet cáp quang và Internet di động. Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, Internet đã khác rất xa so với những ngày đầu tiên mà tôi sử dụng, lại càng khác xa những ngày tôi biết đến nó. Thế nhưng các vấn đề mà nó mang tới cũng không ít.

Tôi có tư tương khá cực đoan về quyền riêng tư, vì vậy tôi kết nối và sử dụng Internet một cách cẩn thận. Tôi đã sử dụng tất cả các phương thức giúp bảo vệ quyền riêng tư của mình trên Internet. Tôi sử dụng dịch vụ ProtonVPN, đây là một dịch vụ có chất lượng với giá cả hợp lý. Nói thế thôi chứ thực ra tôi đang dùng bản miễn phí của nó 😂.

Tôi đã từng thử tắt JavaScript, block cookie khi duyệt web. Tuy điều này mang lại sự riêng tư nhưng nó làm giảm trải nghiệm người dùng rất nhiều. Phần lớn các trang web hiện nay đều là web application và phụ thuộc vào JavaScript để vận hành. Vì vậy, cuối cùng tôi thấy vẫn bật JavaScript, chỉ block 3rd party cookie và sử dụng content blocker sẽ là phương án hài hoà giữa quyền riêng tư và trải nghiệm.

Tôi dùng nhiều trình duyệt khác nhau, Firefox là trình duyệt tôi dùng nhiều nhất. Nhiều người thích Chrome nhưng tôi thì không. Tôi vẫn thích Firefox từ xưa tới giờ. Tính năng của Firefox không vấn đề gì (tôi thấy có phần còn tốt hơn) nhưng extension thì không phong phú bằng. Nhưng với tôi thì Firefox vẫn đáp ứng tốt nhu cầu. Tôi không thích Chrome cũng như các sản phẩm của Google nói chung.

Tôi không thích Google trong cách mà họ thu thập và xử lý thông tin cá nhân. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng công nghệ của họ rất phát triển và nhiều dịch vụ của họ thuộc loại top trên thế giới trong lĩnh vực đó (trừ một vài sản phẩm xịt như G+ chẳng hạn). Đặc biệt, máy tìm kiếm của Google luôn cho tôi kết quả đúng hơn nhiều các công cụ khác.

Tôi có gắng dính líu đến Google ít nhất có thể, cố gắng hạn chế những thứ Google thu thập từ tôi (dù đã bớt đi nhiều so với mọi người). Trước đây, hai công ty cũ của tôi đều dùng GSuite nên dù không muốn tôi vẫn phải dùng khá nhiều dịch vụ của Google, từ Gmail đến các trình soạn thảo văn bản, trình chiếu của Google. Nhưng giờ đây, công ty mới đã sử dụng gói Microsoft 365, dùng bộ Office 365 ngon hơn công cụ của Google rất nhiều. Kể từ khi Bing tích hợp AI, tôi dùng Bing Search là chính.

Dùng Microsoft 365 nên tôi sử dụng luôn Microsoft Edge làm trình duyệt phục vụ công việc, còn Firefox thì dùng cho cá nhân. Giờ đây Edge đã sử dụng nhân Chromium nên tương thích tốt với tất cả các trang web (không như IE hồi trước), hơn nữa hiệu suất của nó cũng rất cao (không biết tối ưu kiểu gì 😆).

Trên điện thoại tôi vẫn sử dụng Safari, nó đi kèm với iOS nhưng là một trình duyệt tốt, không như IE của Windows. Thực ra, trên iPhone cũng không có lựa chọn. Các trình duyệt đều dùng nhân WebKit nên về cơ bản là giống nhau. Hơn nữa, dùng điện thoại tôi cũng chỉ có nhu cầu lướt web đọc một vài trang tin tức, diễn dàn và mạng xã hội mà thôi. Toàn các thao tác bình thường không cần đến trình duyệt cao siêu nào cả, nên Safari đến bây giờ vẫn đáp ứng được tốt nhu cầu của tôi.

Tôi sử dụng dịch vụ mạng xã hội khá nhiều. Mạng xã hội tôi sử dụng nhiều nhất là X (Twitter) (_naa_4f), đó là nơi tôi follow những người bạn của tôi, đồng thời là nơi cập nhật tin tức nhanh chóng.

Các mạng xã hội khác như Instagram hay Facebook tôi cũng dùng nhưng chúng cũng có vấn đề liên quan đến quyền riêng tư nên tôi không muốn sử dụng nó nhiều. Bạn bè của tôi vẫn còn sử dụng Facebook chứ không chuyển sang các mạng xã hội khác, dù nhiều người đã không còn hoạt động thường xuyên nữa. Thế nhưng Facebook vẫn là nơi duy nhất có thể kết nối với họ.

Ngoài mạng xã hội, tôi cũng có tham gia diễn đàn vOz. Đây là nơi duy nhất tôi đăng ký tài khoản, dùng chính nickname của mình luôn.

Hiện nay các diễn đàn đã thoái trào, nhiều người đã chuyển sang Facebook. Thế nhưng tôi thấy rằng Facebook Group không thể nào thay thế cho diễn đàn được, đặc biệt là việc sắp xếp, tìm kiếm các chủ đề. Nhưng biết thế nào được, các diễn đàn cứ dần vắng dần, các chủ đề ngày càng ít hơn và càng kém hấp dẫn hơn. Âu cũng là xu thế chung của thế giới.

Ngoài diễn đàn trên, tôi có truy cập các diễn đàn và mạng xã hội khác nữa, nhưng những trang web đó không hoàn toàn là một diễn đàn, mà giờ đây đã trở thành một trang tin điện tử, tổng hợp tin tức hoặc giải trí. Tôi truy cập vào các trang web đó để đọc tin mà thôi. Thỉnh thoảng tôi cũng có đọc comment của các thành viên trên đó, nhưng về cơ bản chúng không có nhiều ý nghĩa lắm.

Tôi sử dụng dịch vụ lưu trữ mã nguồn của Github là chính và cũng dùng Bitbucket. Mỗi dịch vụ đều có những ưu điểm riêng, nên thật khó để so sánh chúng. Vì vậy, tôi chọn phương án dùng cả hai để trải nghiệm. Mỗi repository, tôi đều lưu trữ đồng thời trên cả hai dịch vụ. Tuy nhiên, Github có nhiều repository mã nguồn mở hơn, việc sử dụng cũng quen thuộc hơn nên tôi dùng GitHub là chính.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.

Welcome

manhhomienbienthuy

Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!

Bài viết mới

Chuyên mục

Lưu trữ theo năm

Thông tin liên hệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.