Bí ẩn layout QWERTY

Bí ẩn layout QWERTY
Photo by ha11ok from Pixabay

QWERTY là layout bàn phím phổ biến nhất thế giới, xuất hiện mọi nơi từ bàn phím vật lý trên máy tính đến bàn phím ảo trên điện thoại di động. Tên của layout được đặt tên theo 6 chữ cái đầu tiên ở góc trên cùng, bên trái. Thế nhưng nguồn gốc của nó lại là một bí ẩn của lịch sử.

Điều bí ẩn không thể giải đáp

Hơn 150 năm trước, những cỗ máy đánh chữ đã thay đổi cách con người làm việc. Sang thế kỷ 20, điều này lại một lần nữa thay đổi với sự xuất hiện của máy tính số. Thế nhưng, dù công nghệ phát triển thế nào, chúng ta vẫn đang sử dụng layout QWERTY. Layout này phổ biến tới mức, nó được coi là layout tiêu chuẩn với hàng tỷ thiết bị sử dụng.

qwerty
Nguồn: Wikimedia Common

Điều bí ẩn ở đây là không ai biết tại sao các ký tự lại được sắp xếp như vậy. Tôi đã tìm đọc tương đối nhiều các bài viết về lịch sử layout bàn phím, nhưng tất cả vẫn ở mức suy đoán, giả thuyết mà thôi. Trong một báo cáo khoa học có tiêu đề The QWERTY Keyboard: A Review vào năm 1983, tác giả cũng đã viết:

There appears … to be no obvious reason for the placement of letters in the QWERTY layout, and doubts concerning its origin still remain.

Điều bí ẩn tôi muốn nói đến ở đây là lý do, nguồn gốc của việc sắp xếp các ký tự. Ai cũng biết người đã phát minh ra layout đó. Thế nhưng, những người đó không để lại một tài liệu, một bản ghi chú tóm tắt hay bất cứ thứ gì mô tả lại lý do họ sắp xếp layout. Tất cả họ đã qua đời từ thế kỷ trước nữa (thế kỷ XIX), giờ đây chắc chỉ có Chúa mới biết chính xác họ đã làm thế nào.

Câu chuyện về layout QWERTY

Đó là câu chuyện mà hầu hết mọi người đều đã biết. Năm 1867, một nhà phát minh kiêm nhà phát hành báo tên là Christopher Latham Sholes bắt đầu công việc chế tạo máy đánh chữ. Giúp đỡ cho ông còn có Carlos Glidden, Matthias Schwalbach, và Samuel W. Soulé.

Ông Sholes không phải là người đầu tiên phát minh ra máy đánh chữ. Nhưng máy đánh chữ của ông là sản phẩm đầu tiên thành công về mặt thương mại. Vào năm 1874, Sholes & Glidden Type-Writer. đã được thương mại hóa với sự giúp đỡ của một nhà kinh doanh – James Densmore.

Để đến được phiên bản hoàn thiện đó, nhiều bản prototype đã được thiết kế. Bản prototype đầu tiên có một bàn phím thiết kế giống như phím đàn piano, các chữ cái được xếp lần lượt theo bảng chữ cái.

Sholes patent
Nguồn: Smithsonian National Museum of American History

Trong khoảng những năm 1870-1871, với sự giúp đỡ của Matthias Schwalbach, bàn phím dạng piano của máy đánh chữ được chuyển thành bàn phím dạng 4 dòng. Nhưng lúc này các chữ cái vẫn được sắp xếp lần lượt theo bảng chữ cái.

Những gì diễn ra tiếp sau đó thực sự là bí ẩn. Không có một lời giải thích nào về những gì đã diễn ra. Tất cả những gì còn lại là Sholes, Densmore và Glidden đã làm việc cùng nhau và tạo ra mẫu máy đánh chữ đầu tiên vào năm 1871.

Sholes and Glidden Type-Writer
Nguồn: Wikimedia Commons

Vào năm 1872, Sholes và Densmore lại sắp xếp lại các ký tự trên bàn phím. Lúc này layout bàn phím là QWE.TY gần giống với layout chúng ta sử dụng ngày nay.

Công ty E. Remington & Sons (lúc này đang là nhà sản xuất máy khâu nổi tiếng) đã mua lại bản quyền thiết kế máy đánh chữ từ Sholes và Densmore vào năm 1873. Cũng chính E. Remington & Sons là nhà sản xuất Sholes & Glidden Type-Writer.

Sholes and Glidden qwerty
Nguồn: USPTO

Sholes & Glidden Type-Writer dần dần trở thành Remington Typewriter. Nhiều sự thay đổi về layout đã được thực hiện bởi Sholes và những kỹ sư của Remington là Jefferson Clough and William Jenne. Đáng chú ý nhất là sự đổi chỗ của dấu . và chữ R tạo nên layout QWERTY đầu tiên.

Năm 1882, mẫu máy đánh chữ Remington Standard No. 2 được công bố với sự thay đổi mạnh về layout QWERTY. Cỗ máy này cực kỳ thành công về mặt thương mại. Với sự xuất hiện của phiên bản này, các ký tự M; đã được đổi chỗ cho nhau, chữ cái XC cũng đã được đổi chỗ cho nhau. Đây chính là layout QWERTY nổi tiếng được dùng cho đến tận ngày nay.

Remington No. 2
Nguồn: Smithsonian National Museum of American History

Remington vẫn tiếp tục phát triển các mẫu máy đánh chữ mới. Một trong số chúng có phím “SHIFT KEY” để viết các ký tự đặc biệt.

Thuyết âm mưu về QWERTY

Không có một tài liệu nào mô tả lý do tại sao các ký tự được sắp xếp như vậy. Những bản prototype, những bản nháp của Sholes hay Densmore đều không đề cập đến chuyện đó.

Có nhiều giả thuyết được đồn đại về layout này. Một trong số những giả thuyết được nhiều người tin và truyền tai nhau nhất là layout QWERTY được thiết kế để “hãm” bớt tốc độ đánh máy của người sử dụng. Những phiên bản đầu tiên sắp xếp ký tự theo bảng chữ cái, và khi người ta đánh máy nhanh hơn, việc kẹt phím diễn ra thường xuyên hơn.

Layout QWERTY được thiết kế để giảm bớt tốc độ đánh máy lại, bằng cách phân tán các ký tự ra khắp nơi, khiến cho người đánh máy mất nhiều thời gian để tìm kiếm ký tự hơn. Layout này cũng khiến ngón tay di chuyển nhiều hơn gây tốn thời gian và giảm tốc độ đánh máy.

Một lý do khác giải thích cho việc này là, các ký tự thường xuyên được sử dụng cùng nhau được tách ra xa nhau sẽ hạn chế được việc kẹt phím. Đó là lý do chính và việc đánh máy chậm lại chỉ là một tác dụng phụ mà thôi. Dù giải thích theo nghĩa nào thì vẫn còn tồn tại những điểm chưa hợp lý.

Một điểm thú vị, toàn bộ các ký tự để gõ chữ TYPEWRITER đều được xếp vào hàng trên cùng.

Trong một cuốn cách tên là The Early History of the Typewriter viết từ năm 1918, tác giả Charles Weller, một trong những người đã sử dụng máy đánh chữ từ những phiên bản prototype, đã nói:

There were times when everything worked beautifully, and the speed that could be gotten out of it at such times was something marvelous.

Tốc độ của máy đánh chữ là điểm khiến nó trở nên nổi bật. Nên việc sắp xếp lại khiến tốc độ đánh máy chậm đi thì không hợp lý. Nếu tốc độ bị hạn chế thì tại sao người ta lại ưa chuộng máy đánh chữ đến thế. Hơn nữa, một khi đã quen với layout thì người ta nhanh chóng lấy lại tốc độ mà thôi. Ngày nay, có người đánh máy với tốc độ lên tới 293 từ/phút với bàn phím sử dụng layout QWERTY chứ không phải những layout được cho là phù hợp để đánh máy hơn như Dvorak hay Colemak.

Giải thích theo kiểu layout QWERTY dùng để hạn chế việc kẹt phím cũng không thực sự thuyết phục. Đúng là một số cụm ký tự thường đi chung như T và H đã bị tách ra. Nhưng một cụm khác cũng được thường xuyên đi chung là ER lại được xếp cạnh nhau. Có thể cố gượng ép rằng layout ban đầu là QWE.TY đã xếp chữ R ở vị trí khác. Nhưng rõ ràng, sau đó nó đã được đổi lại mà phím có kẹt đâu.

Thậm chí, một nghiên cứu từ năm 1949 chỉ ra rằng, layout QWERTY trên máy đánh chữ có tỉ lệ kẹt phím lên tới 26%, trong khi nếu sắp xếp các ký tự một cách ngẫu nhiên, tỉ lệ này chỉ là 22%.

Gần đây, người ta đưa ra thêm các giả thuyết khác về nguồn gốc của layout này. Trong báo cáo khoa học của đại học Kyoto từ năm 2011, các nhà nghiên cứu cho rằng layout này được sắp xếp dựa công việc của các nhân viên điện tín. Theo đó, việc sắp xếp các ký tự này để các nhân viên điện tín dễ dàng chuyển đổi các ký tự sang mã Morse và ngược lại. Do đặc thù của mã Morse, một số cách sắp xếp ký tự nhất định có thể giúp tăng tốc độ chuyển đổi. Thế nhưng lý thuyết này vẫn dừng ở mức suy đoán, những bằng chứng lịch sử của nó hầu như không có.

Tóm lại, các nhà phát minh Sholes, Glidden và Densmore đầu tiên sắp xếp các phím theo thứ tự bảng chữ cái và sau đó đã thay đổi thành một bố cục phù hợp với họ mà không rõ lý do là gì. Nhiều dấu tích còn lại của layout này cho phép người ta suy đoán những giả thuyết khác nhau, nhưng những bí mật thực sự của QWERTY thì sẽ không bao giờ được biết tới nữa.

Layout QWERTY được mang lên máy tính

Cuối thể ký 19, máy đánh chữ đã rất phổ biến. Mặc dù đã có nhiều layout được đưa ra, nhưng QWERTY vẫn tồn tại và là layout phổ thông nhất vì mọi người đã làm quen với nó và không có lý do gì để học cách sử dụng một layout khác. Đặc biệt, sáng chế về layout bàn phím này không độc quyền cũng khiến nó dễ dàng được phổ biến.

Những năm 1920, hãng Teletype Corporation chế tạo máy teletype (aka teleprinter), họ đã sử dụng layout bàn phím của máy đánh chữ. Vào những năm 1960, người ta bắt đầu sử dụng máy teletype làm terminal cho máy tính. Nhờ đó, layout QWERTY của máy đánh chữ đã được đưa lên máy tính.

Mọi thứ bùng nổ sau khi IBM công bố mẫu bàn phím dùng layout QWERTY là 101-key IBM Enhanced Keyboard hay thường được gọi là IBM Model M. Mặc dù Model M là một dòng bàn phím của IBM với rất nhiều mẫu khác nhau, nhưng khi nhắc đến IBM Model M, hầu hết ai cũng nghĩ đến mẫu bàn phím tiêu chuẩn 101 phím. Layout của mẫu bàn phím này đã trở thành tiêu chuẩn của mọi bàn phím dành cho máy tính.

Layout QWERTY trên máy tính có nhiều bổ sung các phím chức năng, các phím modifier so với bàn phím trên máy đánh chữ. Cũng dễ hiểu thôi, máy đánh chữ chỉ gồm các phím dùng để tạo văn bản. Trong khi đó, bàn phím máy tính có thêm rất nhiều phím chức năng, phím modifier mà chỉ có thể hoạt động được với máy tính và màn hình.

Một số biến thể của QWERTY đã xuất hiện để phù hợp hơn với ngôn ngữ của người sử dụng. Ví dụ như layout QWERTZ thường được dùng ở Đức hoặc AZERTY được dùng ở Pháp. Tất cả đều là biến thể khác nhau của layout QWERTY gốc.

Kết luận

Việc phát minh ra layout QWERTY còn nhiều bí mật không thể giải đáp. Nhưng có một điều chắc chắn, những tác động của phát minh này sẽ không bao giờ ngừng, trừ khi con người không sử dụng bàn phím nữa, điều mà trong vài chục năm cho tới cả trăm năm nữa cũng khó xảy ra.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.