Screen Saver có giúp “save” màn hình?

Screen Saver có giúp “save” màn hình?
Photo by Dawit from Unsplash

Những hiệu ứng màu sắc lung linh, những chuyển động đẹp mắt, v.v… là những thứ rất thú vị mà tính năng screen saver mang lại. Thế nhưng, thực chất screen saver có tác dụng gì? Với cái tên như vậy, nó giúp “save” màn hình như thế nào?

Lịch sử của screen saver

Ngày nay, tính năng screen saver vẫn tồn tại trong hầu hết các hệ điều hành. Nó không mang lại nhiều giá trị, ngoài tính “trang trí” là chủ yếu. Thế nhưng, rất lâu trước đây, tính năng này thực sự cần thiết để “save” màn hình.

Thuở xa xưa, màn hình máy tính sử dụng công nghệ CRT (cathode ray tube) aka ống tia âm cực. Nguyên lý của màn hình CRT dựa trên một chùm tia electron được phát xạ giữa hai điện cực bên trong một ống chân không. Khi electron va chạm với phosphor trên màn hình sẽ gây ra hiện tượng lân quang, các điểm ảnh phát sáng và màn hình sẽ hiển thị được hình ảnh. Chùm tia electron được điều khiển bởi một mạch điện tử để quét toàn bộ bề mặt màn hình.

Cái tên phosphor rất dễ nhầm lẫn nhưng đây là chất lân quang, không phải là nguyên tố phốt-pho (tên tiếng Anh là phosphorus).

Vì nguyên lý hoạt động như vậy, màn hình CRT sẽ bị “burn in” sau một thời gian sử dụng. Hình ảnh được hiển thị trong một thời gian dài, phosphor bị chiếu xạ liên tục để phát sáng, sau đó nó không thể trở lại trạng thái ban đầu được nữa. Kết quả, màn hình sẽ có hiện tượng bị bóng mờ (ghost image), hình ảnh cũ vẫn hiển thị mờ mờ khi màn hình đã chuyển sang hiển thị hình ảnh mới.

Khi máy tính hoạt động, sẽ có một số thành phần không thay đổi nhiều. Ví dụ task bar của Windows, các nút phóng to/thu nhỏ/đóng cửa sổ ứng dụng. Những thứ này có thể khiến màn hình máy tính bị burn in nhanh hơn tốc độ thông thường.

Screen saver sẽ giúp màn hình phòng tránh hiện tượng trên. Khi màn hình không được sử dụng, tính năng này sẽ tự động được kích hoạt và hiển thị những hình ảnh thay đổi liên tục. Bằng cách đó, sẽ không có chuyện một hình ảnh được hiển thị liên tục trong thời gian dài trên màn hình. Nhờ vậy, screen saver sẽ “save” màn hình khỏi bị burn in. Tên của tính năng được đặt theo đúng chức năng của nó.

Screen saver còn cần thiết không?

Ngày nay, công nghệ màn hình CRT không còn được sử dụng nữa. Máy tính và màn hình cũng có nhiều tính năng hiện đại hơn trước kia. Nhưng những hệ điều hành mới nhất hiện nay như Windows 11 hay macOS Ventura vẫn duy trì tính năng screen saver. Như tôi đã nói ở trên, tính năng này hiện giờ không thực sự cần thiết mà mang tính trang trí là chủ yếu.

Màn hình máy tính hiện nay hầu hết đều sử dụng công nghệ LCD. Màn hình này không sử dụng phosphor. Do đó, màn hình LCD không bị burn in như bàn hình CRT. Không phải màn hình LCD thì không bị burn in, nhưng tỉ lệ này rất nhỏ. Màn hình LCD cũng có thể bị một hiện tượng tương tự là lưu ảnh nhưng chỉ tạm thời nên chưa đến mức gọi là burn in.

Bởi vì không còn bị burn in do hiển thị một hình ảnh quá lâu, tính năng screen saver ngày nay không còn thực sự “save” màn hình nữa. Nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng tính năng này, chủ yếu do thói quen cũng như mong muốn “trang trí” cho màn hình trong lúc không sử dụng.

Có người cho rằng screen saver có thể tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, screen saver khiến màn hình vẫn tiếp tục hoạt động và máy tính phải liên tục render các hình ảnh. Điều này sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

Các màn hình và máy tính hiện đại có nhiều tính năng để tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ màn hình mà trước đây không có. Một trong số đó là tính năng tự động tắt màn hình khi không sử dụng. Thay vì screen saver, tắt màn hình là biện pháp tiết kiệm năng lượng hơn nhiều. Với người dùng, khi không sử dụng máy tính, việc màn hình tắt hẳn hay bật screen saver không có nhiều khác biệt.

Màn hình OLED

Gần đây, màn hình OLED bắt đầu được sử dụng nhiều hơn cho máy tính. Và với công nghệ màn hình này, tính năng screen saver có vẻ lại có ích.

OLED (Organic Light Emitting Diode) là công nghệ màn hình sử dụng rất nhiều diode hữu cơ nhỏ để phát sáng khi có dòng điện. Nhờ đó, màu sắc, hình ảnh được hiển thị trên màn hình. Các diode hữu cơ này có thể bị “già” đi theo thời gian, khả năng thay đổi độ sáng của chúng giảm đi. Màn hình OLED sau một thời gian dài sử dụng cũng có thể bị burn in, tương tự như cách mà màn hình CRT bị burn in vậy.

Ngoài OLED, một công nghệ khác cũng có thể bị burn in là công nghệ plasma. Thế nhưng, tôi chưa thấy công nghệ plasma được ứng dụng cho màn hình máy tính.

Trong trường hợp sử dụng màn hình OLED, tính năng screen saver cũng có thể giúp màn hình phòng tránh hiện tương burn in. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những tính năng hiện đại hơn như tự động tắt màn hình cũng có thể làm được điều này. Không chỉ phòng tránh bị burn in, nó còn giúp tiết kiệm năng lượng. Rõ ràng, tính năng tự động tắt màn hình cho thấy nhiều ưu điểm hơn hẳn screen saver.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.