Sơ lược về lịch sử bàn phím
Bàn phím (keyboard) là một phần tất yếu của máy tính. Bàn phím đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ trong suốt lịch sử của nó, dù thời gian không quá nhiều. Trải qua những cột mốc quan trọng này, bàn phím mở dần sang các trang sử mới để đưa chúng ta đến với thế hệ bàn phím hiện nay.
Thời kỳ bìa đục lỗ
Những thế hệ máy tính đầu tiên cũng thường không có bàn phím. Kể từ cỗ máy tính có thể lập trình đầu tiên ENIAC đến những năm 50, hầu hết máy tính là máy tính mainframe (chủ yếu được bán bởi IBM) và cách hoạt động của chúng theo kiểu xử lý loạt (batch process). Đầu vào và đầu ra của máy tính được lưu trữ bằng bìa đục lỗ (việc đọc ghi những tấm bìa đục lỗ này do một thiết bị khác đảm nhiệm).
Mặc dù máy tính thì chưa có bàn phím, nhưng “bàn phím” vẫn được sử dụng ở máy đục lỗ, ví dụ như máy IBM 026. Máy này dùng layout bàn phím QWERTY từ máy đánh chữ và có bổ sung thêm một số phím chức năng. Xét về mặt kỹ thuật, bàn phím của máy đục lỗ không liên quan nhiều đến bàn phím máy tính.
Teletype
Teletype (hay còn viết tắt là TTY, một thuật ngữ rất quen mà lại hơi lạ 😂) là một thiết bị liên lạc, dùng để gửi và nhận dữ liệu văn bản. Nó có một bàn phím (thiết kế lấy từ máy đánh chữ), một máy in để in dữ liệu và một máy đục lỗ (dùng băng giấy).
Máy đó đúng ra phải gọi là teletypewriter, teleprinter hay việt hóa gọi là máy viễn tín. Cái tên teletype ban đầu là thương hiệu riêng của công ty Teletype Corporation. Nhưng sản phẩm máy teleprinter của Teletype Corporation phổ biến đến mức, người ta dùng từ “teletype” như một danh từ chung để chỉ các thiết bị tương tự (giống một thời Việt Nam cũng gọi xe máy là xe Honda 😆).
Song song với máy tính xử lý loạt, từ giữa những năm 50, các kỹ sư cũng bắt đầu thử nghiệm các máy tính có khả năng tương tác, nghĩa là máy tính có thể nhận đầu vào trực tiếp và người dùng có thể nhận đầu ra theo thời gian “gần như thực”. Rất nhiều máy tính kiểu này, ví dụ Bendix G-15 (1956) và IBM 610 (1957) đã sử dụng máy đánh chữ điện (có cải tiến đôi chút) để tương tác với máy tính. Lúc này máy teletype không được chọn vì giá thành cao hơn.
Teletype đặc biệt phù hợp để sử dụng với máy tính là khi Teletype Corporation tung ra thị trường Model 33, cụ thể là phiên bản ASR hay thường được gọi là Teletype ASR 33 vào năm 1963. Khác với những thiết bị khác, Teletype ASR 33 có thể làm việc với dữ liệu dùng chuẩn mã hóa ASCII được Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) đưa ra trước đó để tiêu chuẩn hóa việc mã hóa dữ liệu của máy tính cũng như các thiết bị điện tử khác. ASCII cung cấp một chuẩn mã hóa chung để máy tính lưu trữ thông tin về các ký tự và chữ số. Nhiều máy tính của các hãng khác nhau giờ đây có thể trao đổi dữ liệu dễ dàng hơn.
Việc phát minh ra các hệ thống đa nhiệm, nhiều người dùng (thuật ngữ chuẩn là “time sharing system”) cho phép nhiều người dùng có thể dùng chung một máy tính tương tác cùng lúc. Điều này khiến cho những thiết bị đầu cuối không quá đắt đỏ như máy teletype là một lựa chọn hợp lý để dùng với máy tính. Việc chuyển đổi máy teletype để có thể sử dụng với máy tính tương đối dễ dàng (hiểu đơn giản là thay một đầu là máy teletype thành máy tính, còn đầu kia vẫn là teletype như cũ).
Vì máy tính đa nhiệm phổ biến hơn vào những năm 60, các tổ chức sở hữu máy tính mainframe bắt đầu mua máy teletype thương mại dùng làm thiết bị đầu cuối cho máy tính. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng, các máy tính với công nghệ hiện đại này mới chỉ được dùng cho các cơ quan chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp rất lớn. Với hầu hết mọi người, bìa đục lỗ vẫn là phương thức phổ biến nhất. Đến tận những năm 70 và thậm chí là đầu những năm 80, bìa đục lỗ vẫn được sử dụng rất rộng rãi.
Về mặt kỹ thuật, máy teletype là một thiết bị cơ – điện tử (chủ yếu là cơ). Việc truyền dữ liệu giữa teletype và máy tính là truyền nối tiếp (serial) như hầu hết các kết nối trong máy tính khác. Có 2 current loop được sử dụng để truyền dữ liệu, một để “gửi” và một để “nhận”. Dây dẫn kết nối của máy teletype có thể dài hàng km. Vào thời điểm đó, điều này cũng là một ưu điểm vì máy mainframe thường được vận hành trong những căn phòng chuyên biệt, được đặt cách xa người sử dụng.
Theo chiều “gửi”, máy teletype hoàn toàn hoạt động dựa trên cơ khí. Các kết nối song song 8 bit sẽ đi đến một bộ phận gọi là distributor. Bộ phận này có một chổi quay được điều khiển bởi động cơ sẽ đóng hoặc ngắt current loop cho từng bit. Khi một phím được nhấn, nó sẽ tác động vào các dây dẫn tương ứng với từng bit và distributor sẽ quay chổi để gửi các bit xuống dây dẫn. Phím sẽ không nảy lên cho đến khi tín hiệu đã được gửi xong, sau đó phím tiếp theo có thể được nhấn và quá trình lại tiếp tục.
Ở chiều “nhận”, current loop được đưa đến một bộ solenoid, bộ này sẽ nâng codebar để di chuyển đầu kim thực hiện việc in và đục lỗ. Có hoạt động điện tử ở chiều này: một amplifier khuyếch đại dòng từ 20mA lên 500mA để điều khiển solenoid. Cơ chế tương đối phức tạp với việc phải điều khiển máy in cho từng ký tự, kể cả các ký tự điều khiển như “CRLF”.
Máy tính thường sử dụng giao thức kết nối RS-232 dựa trên điện áp. Dưới đây là hình ảnh mô tả tín hiệu của máy teletype với 1 bit mở đầu, 8 bit dữ liệu và 2 bit kết thúc. Kết nối giữa máy teletype và máy tính có tốc độ không cao, chỉ 110 bps. Ngày nay không thể tìm được thiết bị nào có kết nối với tốc độ thấp như thế. Tốc độ thấp nhất cũng phải vài kbps.
Cuối những năm 60 và đầu những năm 70, các máy tính minicomputer như PDP-8, PDP-11 hay Data General Nova đã hỗ trợ chuẩn mã hóa ASCII. Điều đó khiến cho Teletype Model 33 là một thiết bị lý tưởng để làm thiết bị đầu cuối với giá thành ở mức chấp nhận được.
Khi sử dụng máy teletype với máy tính, người dùng gõ phím, các ký tự sẽ được in ra giấy. Và khi máy tính trả kết quả cho người dùng, dữ liệu cũng được in ra giấy như máy teletype vốn hoạt động trước đây. Để hình dung cách mà người ta giao tiếp với máy tính thời bấy giờ, có thể tham khảo video này.
Teletype ASR 33 có đặc điểm là chỉ có thể gửi và nhận các ký tự VIẾT HOA, nên nó không có phím CapsLock. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến việc sử dụng ký tự viết hoa rất phổ biến trong thời kỳ này, từ tên riêng như COBOL, FORTRAN đến cú pháp của những ngôn ngữ lập trình, bao gồm cả assembly. Hầu hết máy tính cũng được thiết kế để hoạt động với những terminal chỉ giao tiếp bằng ký tự viết hoa.
Năm 1970, Dennis Ritchie và Ken Thompson (hai người trong bức ảnh dưới đây) phát triển hệ điều hành UNIX trên máy PDP-11 sử dụng Teletype ASR 33 để giao tiếp với máy tính. Họ code trực tiếp bằng Teletype ASR 33 luôn, code trên giấy nhưng ở một level rất lạ 😎. Những thiết kế ban đầu của họ về một hệ điều hành chạy trên một cỗ máy tính sử dụng teletype làm thiết bị đầu cuối vẫn còn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay. Khái niệm tty
vẫn tồn tại trong các hệ điều hành họ UNIX cũng như Unix-like.
Mặc dù được sử dụng phổ biến trong một thời gian dài, teletype có rất nhiều khuyết điểm trong việc làm thiết bị đầu cuối cho máy tính. Nó rất ồn do cơ chế cơ khí, đặc biệt là tiếng va đập mỗi khi một ký tự được in. Hơn nữa tốc độ của nó cũng rất chậm, chỉ khoảng 10 ký tự mỗi giây. Ngoài ra, cách hoạt động này rất tốn giấy (không bảo vệ môi trường 😀) và khả năng hiển thị thông tin có nhiều hạn chế.
Terminal
Từ những năm 60, một vài nhà sản xuất phần cứng như IBM bắt đầu thử nghiệm công nghệ mới sử dụng màn hình CRT (đang được dùng cho ti vi) để hiển thị thông tin thay cho việc in ra giấy. Công nghệ mới này, lúc đầu được gọi là “glass teletype” sau đó là “video terminal” có tốc độ cao hơn, tương tác dễ dàng hơn. Cũng chẳng rõ từ bao giờ, máy tính và terminal đã sử dụng ký tự thường để giao tiếp.
Layout bàn phím từ máy teletype được mang lên video terminal. Hoạt động cơ khí được chuyển sang một công nghệ mới gọi là reed switch đi kèm với bảng mạch điện tử. Reed switch có hai miếng kim loại (gọi là lưỡi gà – reed) đặt trong một viên nang bằng thủy tinh. Dưới tác động của từ trường (khi nhấn phím), hai lưỡi gà này sẽ đóng/mở mạch điện và tạo ra tín hiệu.
Tuy nhiên, công nghệ hiện đại luôn đắt đỏ, chi phí của những thiết bị tiên tiến như vậy vẫn quá lớn so với máy teletype. Cho đến tận những năm 70, máy teletype vẫn là lựa chọn kinh tế hơn rất nhiều. Để so sánh cụ thể, thì năm 1974, hãng HP đã bán một video terminal có mã HP2600A với giá $4,250 trong khi Teletype ASR 33 có giá giao động trong khoảng $755~$1,220. Lưu ý rằng, đây là giá năm 1974, theo lạm phát thì $4,250 lúc đó tương đương với hơn $25,000 bây giờ.
Trong những năm 70, sự phát triển của công nghệ bán dẫn và mạch IC đã giúp giảm mạnh giá thành của video terminal. Vào năm 1980, một thiết bị như vậy có giá chỉ khoảng $800 (một số mẫu chất lượng cao, hoàn thiện tốt như DEC VT-100 có giá cao hơn, hoảng $1,550). Hầu hết các thiết bị này sử dụng layout bàn phím giống với máy teletype (các phím modifier vẫn chưa được cho xuống hàng dưới cùng cạnh dấu cách).
Một vài ngoại lệ có thể kể đến VT-220 sử dụng bàn phím rời LK201 như hình dưới đây. Bàn phím này có nhiều thiết kế kinh điển, đặc biệt là cụm phím mũi tên kiểu “chữ T ngược”. Đây cũng là kiểu bố cục tiền đề của bàn phím hiện đại ngày nay (sau này IBM đã dựa vào bố cục này để thiết kế lên IBM Model M huyền thoại).
Video terminal có nhiều ưu điểm hơn hẳn máy teletype như hoạt động êm ái hơn, tốc độ cao hơn và phản hồi tốt hơn. Tốc độ và khả năng hiển thị của màn hình không bị giới hạn bởi các vấn đề cơ khí như việc in ra giấy. Giờ đây, với giá thành đã giảm, máy teletype dần nhanh chóng bị thay thế bởi video terminal. Không có nhiều thông tin về công nghệ bàn phím thời bấy giờ. Ngoài reed switch, một số công nghệ khác là beam spring (như hình dưới) và Honeywell Hall effect switch hoặc membrane (như mẫu LK201 ở trên).
Trong thời kỳ này, không thể không nhắc đến những chiếc bàn phím cực kỳ độc đáo được sử dụng trong ngành khoa học máy tính. Nổi bật nhất trong số đó là bàn phím space-cadet. Đây là bàn phím được sử dụng cho máy Lisp machine của MIT. Máy Lisp machine không sử dụng terminal mà tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như màn hình. Có thể coi chúng là những cỗ máy workstation thương mại đầu tiên.
Đúng như tên gọi (thiếu sinh quân vũ trụ??), bàn phím space-cadet là bàn phím đến từ vũ trụ chứ không phải bàn phím của hành tinh này. Nó có rất nhiều phím modifier khác nhau (⎈ Control, ◆ Meta, ❖ Super, ✦ Hyper) với một layout cực kỳ phức tạp. Những phím modifier trên bàn phím này là cảm hứng của các phím modifier trên bàn phím sau này.
Layout bàn phím này cũng là cảm hứng của phần mềm Emacs. Trước đây tôi cứ thắc mắc tại sao phím tắt của Emacs lại phức tạp đến thế. Giờ đây, sau khi biết đến bàn phím space-cadet, tôi cũng đoán được phần nào.
Máy tính giá đình và máy tính cá nhân
Vào cuối những năm 70, các nhà sản xuất máy tính như Apple, Radio Shack, và Commodore đã nhìn ra tiềm năng của bàn phím (cũng như màn hình) trong thị trường máy tính gia đình (một thị trường riêng, khác hẳn thị trường máy mainframe và minicomputer cho doanh nghiệp). Họ đã bắt tay sản xuất máy tính tích hợp sẵn màn hình và bàn phím chứ không cần đến video terminal tách rời nữa. Đây là những bước tiền đề để sau này, bàn phím máy tính đã trở thành thiết bị đầu vào tiêu chuẩn.
Một ví dụ tiêu biểu là máy tính cá nhân Apple II (một trong bộ ba 1977 Trinity) tích hợp sẵn các tính năng input/output vào máy tính. Việc tích hợp những tính năng vốn của terminal vào máy tính không đơn giản, vì máy tính sẽ phải thực hiện nhiều xử lý phức tạp hơn (nhận đầu vào, đầu ra, điều khiển màn hình để hiển thị, v.v…). Nhưng các máy tính gia đình đã làm được. Thậm chí, chúng cho phép người dùng có thể sử dụng màn hình ti vi (với một bộ chuyển đổi) làm màn hình.
Mẫu máy tính bán chạy nhất mọi thời đại, Commodore 64 (C64) được tung ra thị trường vào năm 1982. Mẫu máy tính này dùng layout bàn phím giống với hầu hết các video terminal. Không có nhiều phím modifier, dấu cách vẫn đứng một mình một hàng. Đặc biệt, máy tính C64 sử dụng phím ShiftLock chứ không phải CapsLock.
Năm 1981, IBM PC, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của IBM cũng là ông tổ của mọi máy tính cá nhân hiện đại được công bố ra thị trường. Thiết kế của IBM PC với các khe cắm mở rộng thực sự là cuộc cách mạng trong ngành máy tính.
IBM PC đã thiết lập tiêu chuẩn phần cứng cũng như phần mềm cho toàn bộ thị trường máy tính cá nhân kể từ khi nó xuất hiện. Các sản phẩm clone, phần mềm, và thị trường thiết bị ngoại vi dành cho IBM PC là cha đẻ trực tiếp của ngành công nghiệp máy tính cá nhân ngày nay.
Sau sự xuất hiện của IBM PC, thị trường máy tính có nhiều biến động. Ranh giới giữa thị trường máy tính dành cho doanh nghiệp và gia đình dần biến mất. Các máy mainframe hay minicomputer cũng dần bị thay thế bởi máy tính cá nhân. Máy tính cá nhân được dùng ở mọi nơi, từ gia đình đến nơi làm việc, kể cả những công việc đặc thù cần bộ xử lý mạnh như dựng hình 3D, mô phỏng thiết kế, v.v…
Bàn phím IBM Model F đi kèm với máy tính của IBM rất dễ sử dụng và người dùng cá nhân lúc này đã không còn cần đến một thiết bị đầu cuối nào để giao tiếp với máy tính (máy mainframe thì vẫn cần 😂). Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, IBM Model F không nổi tiếng bằng hậu duệ của nó, IBM Model M.
Nếu như IBM PC là ông tổ của máy tính hiện đại thì IBM Model M có thể coi là ông tổ của bàn phím hiện đại. Bàn phím này sử dụng công nghệ buckling spring (over membrane), mang lại sự thoải mái cho người dùng với cảm giác gõ tốt, phản hồi xúc giác và độ chính xác cao. Lúc này layout bàn phím đã đạt đến cảnh giới chúng ta sử dụng ngày nay, ngoại trừ việc thiếu hụt phím Windows vì lúc đó máy tính sử dụng hệ điều hành DOS 😄.
Sau sự xuất hiện của IBM Model M, layout bàn phím máy tính gần như đã cố định theo layout của IBM. Thỉnh thoảng vẫn có đôi chút thay đổi, nhưng chỉ là việc sắp xếp lại vị trí các phím. Cụ thể là sự sắp xếp của hai nút CapsLock và Ctrl. Một vài mẫu bàn phím đổi chỗ hai nút này với nhau. Nhưng dần dần, việc đặt CapsLock ở cạnh phím A và Ctrl ở dưới cùng dòng với phím cách đã trở thành tiêu chuẩn. Ngày nay chỉ còn rất ít bàn phím đặt Ctrl lên bên cạnh phím A. Một vài ví dụ hiếm hoi là bàn phím HHKB (bàn phím này không có CapsLock) hoặc bàn phím layout JIS của Apple.
Bên cạnh máy tính cá nhân của IBM, hãng Apple cũng phát triển dòng máy tính riêng, máy Macintosh. Hầu hết các dòng máy tính của Apple sử dụng bàn phím cơ học với switch đến từ Alps. Điểm đặc biệt của bàn phím Apple là chúng luôn sử dụng layout rất nhỏ gọn.
Vào thời điểm này, màu be và xám là những màu sắc duy nhất của bàn phím (đã có lúc tôi nghĩ do lâu năm mà các bàn phím cũ có màu đó, hóa ra không phải 😄). Phải tận đến cuối nhưng năm 80, bàn phím màu đen mới xuất hiện.
Sự phát triển của bàn phím máy tính
Sau sự thành công quá lớn của máy tính cá nhân IBM và bàn phím IBM Model M, rất nhiều bàn phím với các công nghệ khác nhau đã được sản xuất.
Bàn phím cơ cổ điển
Trong những năm 80 và 90, các công ty sản xuất bàn phím chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các loại switch khác nhau. Ngoài công nghệ buckling spring, switch điện dung, switch cơ học cũng được sản xuất. Một nhà sản xuất khá nổi là Cherry mà đến tận bây giờ vẫn tiếp tục sản xuất.
Cherry đã tạo ra nhiều loại switch khác nhau được phân loại theo màu sắc của stem. Ngày nay, đây cũng là cách phổ biến để phân loại switch cơ học.
Ngoài Cherry, nhiều nhà sản xuất khác cũng tham gia vào thị trường. Những switch này cho cảm giác gõ tốt, độ chính xác cao. Có thể nói rằng, công nghệ bàn phím thời kỳ này vô cùng đa dạng. Dưới đây là hình ảnh các switch mà một người sưu tập được:
Sự thống trị của bàn phím membrane/rubber dome
Các nhà sản xuất tiếp tục tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất máy tính. Bàn phím là một trong những thiết bị được tìm cách cắt giảm đầu tiên. Và kết quả là bàn phím membrane đã chiếm lĩnh thị trường.
Bàn phím membrane không phải là một ý tưởng mới. Từ cuối những năm 60, bàn phím membrane đã được thử nghiệm, nhưng lúc đó cấu tạo của nó phức tạp hơn nhiều. Ngay cả bàn phím IBM Model M nổi tiếng cũng sử dụng membrane bên dưới buckling spring.
Đến cuối những năm 90, bàn phím rubber dome xuất hiện mới khiến bàn phím membrane trở nên phổ biến. Một biến thể khác của rubber dome là scissors thường được dùng cho laptop.
Các thuật ngữ rubber dome và membrane thường được dùng để chỉ cùng một loại bàn phím, bởi vì hai công nghệ này luôn được sử dụng cùng nhau. Nếu đúng ra thì phải gọi đầy đủ là rubber dome over membrane nhưng vì nó quá phổ biến, gọi công nghệ nào cũng đều hiểu rằng bàn phím sẽ dùng cả hai.
Có một số loại switch như Topre sử dụng rubber dome nhưng bên dưới không phải membrane mà là switch diện dung được phát minh bởi hãng. Nhưng trong trường hợp này, không ai gọi bàn phím dùng switch Topre là rubber dome cả.
Kể từ khi rubber dome xuất hiện, bàn phím loại này dần chiếm lĩnh thị trường. Nó êm ái hơn, nhẹ hơn, đặc biệt phù hợp để trang bị cho laptop và quan trọng nhất là nó đáp ứng được yêu cầu của những nhà sản xuất máy tính về một thiết bị có chi phí thấp.
Mặc dù không thể so với bàn phím cơ về cảm giác gõ, nhưng bàn phím membrane nhanh chóng được chấp nhận. Với đa số người dùng, thì chúng nhẹ hơn, hành trình ngắn hơn, ít tiếng ồn và độ bền vừa phải là một điều có thể chấp nhận được.
Trong những năm tiếp theo, bàn phím membrane là lựa chọn duy nhất dành cho người dùng phổ thông. Những công nghệ như buckling spring hay switch cơ học của Alps thậm chí không vượt qua được khủng hoảng và lụi dần. Hãng Cherry vẫn tiếp tục sản xuất bàn phím cơ, nhưng nó không còn được ưa chuộng. Bàn phím cơ trở thành một thứ gì đó của quá khứ và không còn phù hợp với thời đại. Đến tận bây giờ, bàn phím membrane vẫn là loại bàn phím phổ biến nhất trên thế giới.
Một số biến thể bàn phím membrane
Chiclet
Bàn phím chiclet là loại bàn phím máy tính mỏng và nhỏ gọn sử dụng công nghệ rubber dome. Tên gọi chiclet nghĩa là những bàn phím này không gây nhiều tiếng ồn trong quá trình thao tác. Nhiều công ty khác nhau đã sản xuất bàn phím chiclet và chủ yếu trang bị cho máy tính xách tay.
Ergonomic
Ergonomic hay gọi sang hơn là bàn phím công thái học. Bàn phím công thái học đã xuất hiện từ khá lâu và vẫn đang tiếp tục được cải tiến. Đây là dạng bàn phím với kết cấu và form được thiết kế thuận theo tư thế để tay tự nhiên của người dùng, tạo cảm giác thoải mái.
Split
Đây là một dạng khác của bàn phím công thái học. Bàn phím loại này có cấu tạo là hai phần tách biệt (nối với nhau bằng dây). Nhờ vậy, người sử dụng bàn phím có thể dễ dàng điều chỉnh bàn phím phù hợp với cánh tay.
Bàn phím cơ trở lại
Từ đầu thể kỷ 21, với sự bùng nổ của Internet, mọi thứ có vẻ như lại thay đổi một lần nữa (bằng cách quay trở lại lịch sử). Sự phát triển của Internet đi kèm với nó lại sự phát triển của một hình thức giải trí mới: gaming. Giờ đây, người chơi game có thể chơi cùng nhau và tương tác rất dễ dàng mà không cần phải ở gần nhau. Những tựa game nhiều người chơi như Counter-Strike đã phát triển rất mạnh.
Khi thị trường game phát triển, đã bắt đầu xuất hiện những người chơi game chuyên nghiệp. Các cuộc thi giữa những người này dần trở nên phổ biến hơn. Thị trường thiết bị ngoại vi dành cho game là một thị trường mới nổi và một số hãng như Razer hay Logitech đã phát triển mạnh mẽ nhờ đó.
Những thiết bị tốt hơn, nhạy hơn có thể giúp người chơi giành chiến thắng trong những khoảnh khắc quan trọng. Và với bàn phím, người ta bắt đầu quay lại với bàn phím cơ, vốn đang bị bàn phím membrane lấn át hoàn toàn.
Bàn phím cơ gaming ban đầu sử dụng switch của Cherry vì hầu hết các hãng sản xuất bàn phím cơ khác đã phá sản. Nhưng sau đó, nhiều công ty đã nhảy vào lĩnh vực này. Không chỉ có vậy, việc bảo vệ bản quyền thiết kế switch của Cherry cũng đã hết hạn vào năm 2014. Sau đó là sự bùng nổ rất mạnh của các hãng switch khác nhau (chủ yếu là của Trung Quốc), dựa trên thiết kế của Cherry.
Một trong những rào cản để mọi người đến với bàn phím cơ là giá cả của chúng. Ngoài ra, người dùng cũng không có quá nhiều lựa chọn vào thời điểm ban đầu (do chỉ có Cherry sản xuất switch mà thôi). Thế nhưng việc bản quyền Cherry hết hạn đã thay đổi tất cả.
Những hãng như Gateron hay Kailh đã dựa trên thiết kế của Cherry để sản xuất switch của riêng họ với giá cả hợp lý hơn rất nhiều. Qua thời gian, sản phẩm của những nhãn hiệu này (ban đầu bị gắn mác Cherry clone) đã được hoàn thiện tốt hơn. Rất nhiều switch như Gateron Milky hay Gateron Ink đang được tin dùng khắp nơi trên thế giới.
Chuyện không dừng lại ở đó, bởi bàn phím đâu phải chỉ có switch. Khi giá thành của bàn phím cơ thấp hơn, nhiều người có thể tiếp cận hơn, người ta bắt đầu có nhưng nhu cầu khác nhau về bàn phím. Và đó là lúc bàn phím custom ra đời.
Đúng như tên gọi, bàn phím custom là bàn phím hoàn toàn tùy chỉnh theo ý người dùng (dựa trên những linh kiện có sẵn). Hầu hết tất cả mọi thứ, từ switch đến bảng mạch, hay kể cả thân vỏ cũng có thể custom được. Tuy nhiên, dạng bàn phím này không đến từ những hãng lớn. Nó thường đến từ những doanh nghiệp nhỏ hơn và được mua theo hình thức group buy.
Switch quang học
Thực ra switch quang học không phải mới xuất hiện gần đây. Nó đã xuất hiện từ những năm 90 để cạnh tranh với switch cơ học truyền thống. Switch quang học có ưu điểm lớn nhất là thời gian phản hồi cực nhanh, vốn cực kỳ quan trọng với những gamer chuyên nghiệp. Nhưng công nghệ thời điểm đó khiến switch quang học không cạnh tranh được với các công nghệ khác.
Thời gian gần đây, với sự phát triển của bàn phím gaming, những nhà sản xuất như Razer lại đang nghiên cứu và sản xuất switch quang học của riêng mình và trang bị chúng cho những mẫu bàn phím gaming cao cấp. Hiện tại switch được đánh giá là chưa thể mang lại cảm giác gõ tốt như switch cơ nhưng chúng vẫn đang tiếp tục được cải tiến.
Sự thay đổi về ngoại hình và kết nối
Những bàn phím máy tính đầu tiên thường lấy cảm hứng từ máy đánh chữ với hành trình dài (4.75mm) và keycap rất cao (12.7mm). Theo thời gian, hành trình và độ cao keycap được rút gọn lại. Ngày nay có những bàn phím cực mỏng với keycap và hành trình chỉ trên dưới 1mm.
Keycap cũng là một phần quan trọng của bàn phím. Những mẫu bàn phím đầu tiên thường sử dụng công nghệ double-shot để đúc ký tự. Những công nghệ in ấn khác dễ bị bay màu, mờ chữ nên không được thị trường chấp nhận. Sau đó, những công nghệ như in laser hoặc dye-sub bền hơn đã được sử dụng rộng rãi.
Bàn phím cũng đã không còn là một thiết bị nhập liệu đơn thuần. Rất nhiều thứ mới lạ được tích hợp vào bàn phím như đèn nền RGB thay đổi theo nhạc, các phím macro có thể lập trình, tính năng N-key rollover, v.v… Hay như gần đây, khi mà layout bàn phím đã ổn định, người ta thêm vào những thứ mới như núm xoay, màn hình, v.v…
Việc kết nối bàn phím đến máy tính cũng rất đa dạng, từ việc sử dụng cổng RSR-232 (giống như video terminal) đến kết nối AT của IBM. Hãng Apple với dòng sản phẩm iMac sử dụng Apple Desktop Bus để kết nối. Dần dần những kiểu kết nối này được thay thế bởi những kết nối đã được tiêu chuẩn hóa như PS/2 và sau đó là USB.
Kết nối không dây cũng xuất hiện và ngày càng được ưa chuộng. Có nhiều cách để bàn phím giao tiếp với máy tính thông qua các giao thức không dây. Sử dụng bluetooth, một công nghệ đã được tiêu chuẩn hóa là đơn giản nhất. Rất nhiều máy tính đã được tích hợp sẵn thiết bị thu phát bluetooth. Một phương thức khác sử dụng sóng radio hoặc hồng ngoại kết hợp với receiver.
Tương lai
Rất khó để đoán định tương lai của bàn phím máy tính. Có thể nó sẽ được hoàn thiện tốt hơn với những công nghệ hiện đại. Hiện nay đã có nhiều công nghệ được nghiên cứu như bàn phím dẻo, bàn phím laser nhưng chúng chưa thực sự được sử dụng rộng rãi.
Hoặc một công nghệ mới nào đó có thể sẽ thay đổi cuộc chơi. Ví dụ việc truyền dữ liệu trực tiếp từ não sang máy tính cũng đang được thử nghiệm. Nếu thành công, công nghệ này có thể loại bỏ hoàn toàn bàn phím và cả màn hình.
Welcome
Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!
Bài viết liên quan
Bài viết mới
Chuyên mục
Lưu trữ theo năm
Thông tin liên hệ
Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.