Mấy chục triệu lần bấm (hoặc click) là bao lâu?

Mấy chục triệu lần bấm (hoặc click) là bao lâu?
Photo by Paul Esch-Laurent from Unsplash

Khi nói đến bàn phím (cơ) hay chuột, những thông số liên quan đến tuổi thọ thường được tính theo số lần bấm hoặc click. Những con số này thực chất là tuổi thọ của switch. Ví dụ switch bàn phím này có tuổi thọ 100 triệu lần bấm. Switch chuột kia có tuổi thọ 80 triệu lần click. Vậy những con số này tương ứng với bao nhiêu năm sử dụng?

Hằng ngày mỗi người nhấn phím/click chuột bao nhiêu lần?

Việc các nhà sản xuất đưa ra thông số theo số lần bấm/click có thể hiểu được. Mỗi người sẽ có thói quen sử dụng khác nhau, không thể đưa ra một giá trị thời gian chung cho tất cả được. Thế nhưng, nếu không thể quy đổi ra một giá trị thời gian, những con số này cũng không mang lại nhiều ý nghĩa ngoại trừ việc so sánh loại này với loại kia.

Để quy đổi ra thời gian, cần phải biết trung bình mỗi ngày mỗi phím được bấm bao nhiêu lần. Đây là một chuyện không đơn giản. Mỗi người sẽ có công việc khác nhau, nên việc sử dụng bàn phím hay chuột cũng sẽ khác nhau. Ngay cả với cùng một người thì không phải ngày nào cũng giống ngày nào.

Sau một thời gian tìm hiểu từ rất nhiều nguồn khác nhau, tôi đã tìm ra được giá trị thông số này với một người làm văn phòng “điển hình”. Những người này chủ yếu làm việc trên những phần mềm như bộ Microsoft Office, các phần mềm nghiệp vụ, thỉnh thoảng giải trí bằng cách lướt web, sau giờ làm việc có chơi game.

Với những người “điển hình” như vậy, phím cách được bấm nhiều nhất, khoảng 1500 lần mỗi ngày. Còn với chuột, thì phím chuột trái được bấm là chủ yếu, khoảng 7600 lần mỗi ngày (gấp hơn 5 lần phím được bấm nhiều nhất trên bàn phím), chuột phải hầu như ít khi được sử dụng. Tôi cho rằng, rất nhiều người (trong đó có tôi) đang sử dụng bàn phím và chuột ở mức độ tương tự như thế này nên có thể lấy đó làm tham chiếu.

Những người dùng khác có thể có mức độ sử dụng khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù công việc của họ. Ví dụ, theo thông tin vỉa hè ở đâu đó, một pro gamer có thể thực hiện 50000 click mỗi ngày, lớn hơn rất nhiều con số 7600 kia. Việc bấm phím thì không thể thống kê được. Những người dùng này cũng sử dụng bàn phím theo cách đặc thù riêng, nhấn và giữ lâu hơn nhiều so với thao tác thông thường. Do đó áp dụng tuổi thọ tính theo số lần bấm đối với những người dùng đặc thù này cũng sẽ không còn chính xác.

Để biết được chính xác nhất, cần phải sử dụng những phần mềm theo dõi thao tác bàn phím, chuột trên máy tính. Hiện nay có rất nhiều phần mềm cho phép làm điều đó, chúng còn có thể thống kê thói quen sử dụng của mỗi người. Dựa vào những thông số đo đạc được, có thể ước lượng tương đối chính xác tuổi thọ (theo thời gian) của các thiết bị. Nhưng nên lưu ý rằng, những phần mềm như vậy có thể ghi lại thao tác từ người dùng giống với keylogger nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về bảo mật. Do đó cần phải xem xét kỹ trước khi sử dụng.

Tuổi thọ mấy chục triệu lần bấm tương ứng bao nhiêu năm?

Từ giá trị trung bình ở trên, tôi tạm thời ước lượng như sau:

  • Switch Corsair OPX là switch bàn phím có tuổi thọ cao nhất mà tôi biết, lên tới 150 triệu lần bấm, tương ứng với hơn 273 năm sử dụng. Đây là con số cực kỳ lớn.
  • Switch Cherry MX với công nghệ hyperglide, switch cơ - quang học (Optomechanical) của Razer có tuổi thọ 100 triệu lần bấm, tương ứng với khoảng 182 năm.
  • Switch điện dung của Topre và những switch cơ khác có tuổi thọ phổ biến là 50 triệu lần bấm, tương ứng với khoảng 91 năm. Đây vẫn là một con số lớn. Giả sử switch này được một người sử dụng để làm việc trong 40 năm (từ 20~60 tuổi) thì có thể truyền được đến đời thứ 3.
  • Những bàn phím membrane được cho là có tuổi thọ chỉ khoảng 1 triệu lần bấm, tương ứng với khoảng 22 tháng tuổi thọ.
  • Switch chuột Omron sản xuất ở Trung Quốc có tuổi thọ 10 triệu lần click, tương ứng với khoảng 3.6 năm.
  • Switch chuột Omron sản xuất ở Nhật có tuổi thọ 20 triệu lần click tương ứng với khoảng 7.2 năm.
  • Switch chuột Huano có tuổi thọ 50 triệu lần click, tương ứng với khoảng 18 năm.
  • Switch chuột Kailh GM 8.0 tuổi thọ 80 triệu lần click, tương ứng với khoảng 28.8 năm. Với chuột thì đây là giá trị rất lớn, tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến việc sẽ bấm một con chuột gần 30 năm 😂.

Con số mấy chục triệu lần bấm ở đâu ra?

Không nhà sản xuất nào công bố cách họ tính được ra con số 100 triệu hay 50 triệu lần bấm. Nhiều khi tôi thấy nghi ngờ liệu những con số này có thể tin được không. Cách duy nhất là đi tìm thông tin trên các diễn dàn, các trang mạng. Thỉnh thoảng sẽ có người làm việc cho những hãng sản xuất switch chia sẻ một vài thông tin giá trị.

Không phải hãng nào cũng giống hãng nào, nhưng về cơ bản là tương tự nhau. Việc kiểm tra, tính toán tuổi thọ của switch không thực hiện với toàn bộ switch được bán ra. Việc này chỉ được thực hiện trên một số bản mẫu, thường là bản prototype, trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt. Tuổi thọ được công bố sau đó được tính toán lại theo những công thức rất vi diệu và thường có giá trị nhỏ hơn giá trị kiểm tra được của bản prototype, vì thường sản xuất hàng loạt khó đảm bảo chất lượng đồng đều.

Những switch được sản xuất hàng loạt với cùng phương pháp, cùng chất liệu sau khi được kiểm tra đạt tiêu chuẩn sẽ mặc định có tuổi thọ giống với công bố mà không cần kiểm tra lại nữa (vì kiểm tra xong thì switch cũng “đi” luôn). Với những hãng sản xuất lâu đời, có danh tiếng thì điều này có thể tin tưởng được. Hãng có tâm thì mỗi lô sản xuất sẽ lấy ra một vài switch để kiểm tra lại. Còn với các hãng khác thì… hên xui.

Việc kiểm tra cũng được tiến hành trong phòng thí nghiệm chuyên dụng của hãng. Trong những phòng thí nghiệm này, nhiệt độ, độ ẩm, thậm chí áp suất không khí luôn trong điều kiện “lý tưởng”. Việc ra vào cũng được kiểm soát chặt chẽ, thổi bụi, khử trùng, v.v… đầy đủ.

Điều kiện “phòng thí nghiệm” đó sẽ không bao giờ có trong môi trường làm việc thực tế, môi trường mà switch bàn phím hay chuột được sử dụng. Bụi bẩn, độ ẩm, khói bụi, v.v… là những thứ phổ biến ở văn phòng làm việc bình thường, nhưng sẽ không bao giờ xuất hiện trong phòng thí nghiệm.

Dù cố gắng sạch sẽ đến mức nào, bụi bẩn sẽ luôn xuất hiện và làm giảm tuổi thọ của switch. Không hiếm trường hợp switch clicky bị mất âm thanh và trở thành tactile do bụi bẩn. Bụi bẩn cũng có thể khiến chúng không nhận tín hiệu, hoặc tín hiệu chập chờn dẫn đến double click. Nếu ai lười không vệ sinh bàn phím hay chuột thì tuổi thọ của chúng còn ngắn hơn nữa. Độ ẩm cao, nhất là với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, có thể làm oxy hóa các bộ phận của switch và khiến chúng hỏng sớm.

Việc kiểm tra tuổi thọ cũng được tiến hành bằng máy móc chứ không phải con người. Mà cũng làm gì có người nào bấm được hàng chục triệu lần để kiểm tra. Các hãng sẽ có những cỗ máy, hay gọi sang hơn là robot, tự động bấm switch với tốc độ vài triệu lần mỗi tuần. Nhờ đó, việc kiểm tra tuổi thọ có thể tiến hành chỉ trong vòng một tháng.

Máy móc thì không có cảm xúc, và các switch sẽ được bấm với cùng một lực, cùng một hành trình ngày này qua ngày khác. Nhưng con người thì không như vậy, điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến tuổi thọ của switch.

Mỗi người sẽ có lực bấm nặng nhẹ khác nhau, tùy vào tay mỗi người. Khi tâm trạng thay đổi, vui vẻ hay buồn bực, lực bấm cũng sẽ thay đổi. Rồi các phím ở vị trí khác nhau, lực bấm cũng khác nhau. Rất nhiều yếu tố khiến cho lực bấm tác động lên switch từ con người sẽ không thể giống như máy móc. Và có một sự thật rằng, bấm switch cả chuột hay bàn phím, càng cục súc sẽ càng khiến tuổi thọ của chúng ngắn lại.

Với bàn phím hay chuột, ít ai chỉ bấm đến điểm kích hoạt là dừng, mà thường sẽ bấm qua đó một chút. Những lúc mạnh tay thì việc bấm xuống hết cỡ (gọi là bottom-out) cũng không phải là hiếm. Theo nhiều thông tin vỉa hè, việc thường xuyên bottom-out có thể làm giảm tuổi thọ của switch. Thế nhưng, lúc kiểm tra prototype, thường robot sẽ được thiết lập để bấm một hành trình “lý tưởng” mà không ai có thể bấm giống như vậy trong thực tế.

Nói chung, điều kiện thực tế không thể giống với phòng thí nghiệm của các hãng được. Khi công bố số liệu về tuổi thọ, các hãng đã tính toán đến sai số của những yếu tố này hay chưa vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Các vấn đề khác liên quan đến tuổi thọ

  • Mỗi người sẽ có thói quen sử dụng bàn phím, chuột khác nhau. Nên tuổi thọ của những thiết bị này cũng sẽ khác nhau. Mọi ước lượng chỉ là tương đối.
  • Switch chuột hay bàn phím là thứ có thể thay thế được. Nên dù bị hỏng thì việc sửa chữa cũng không quá khó khăn.
  • Độ bền thực tế sẽ không bao giờ giống như công bố, ngay cả hãng sản xuất switch cũng chưa chắc chiếc nào cũng giống hệt chiếc nào. Cũng làm gì có ai làm việc trong môi trường “phòng thí nghiệm” như của hãng. Thế nhưng tôi khá may mắn vì chiếc bàn phím membrane tôi mua cách đây hơn 10 năm, sử dụng suốt từ thời sinh viên đến giờ vẫn còn sử dụng được. Trong khi lý thuyết thì tuổi thọ của nó không đến 2 năm.
  • Switch bàn phím cơ có độ bền quá cao nên chưa ai kiểm chứng được tuổi thọ trong điều kiện sử dụng thông thường cũng như điều gì sẽ xảy ra sau khi hết “date”. Những switch sản xuất từ những năm 80 hiện nay vẫn được săn đón và chúng còn có thể sử dụng rất lâu nữa.
  • Switch chuột thường có tuổi thọ kém hơn công bố. Vấn đề hay gặp nhất với switch chuột là double click. Có những con chuột bị lỗi sau chưa đến 1 năm sử dụng. Điều này cũng khó đánh giá vì không có thông tin về cách dùng chuột (dùng nhiều hay ít, click mạnh hay nhẹ) của những người gặp lỗi đó. Nhưng chắc chắn một điều, phòng thí nghiệm kiểm tra độ bền của switch chuột có điều kiện khác thực tế quá nhiều.
  • Bàn phím, chuột được cấu tạo từ nhiều thành phần. Switch chỉ là một phần trong số đó, thậm chí nó là thứ có tuổi thọ cao nhất. Bằng chứng là switch sản xuất từ những năm 80 vẫn còn sử dụng tốt, nhưng tôi chưa thấy bàn phím nào từ thời này vẫn còn được sử dụng.
  • Những linh kiện điện tử như tụ điện, diode cũng chỉ có tuổi thọ nhất định và thường là thấp hơn nhiều so với tuổi thọ của những bộ phận cơ khí như switch. Những bộ phận này còn cũng phải hoạt động liên tục trong thời gian dài, ít thì vài tiếng mỗi ngày, dài thì chạy liên tục 24/7. Bảng mạch, cảm biến cũng có thể “chết” do môi trường bụi bẩn, gỉ set, v.v…
  • Cá biệt, có những trường hợp bảng mạch chết chẳng biết nguyên nhân là gì (tôi đoán là do linh kiện lắp trên đó có chất lượng thấp và không đồng đều), người ta nói với nhau là do “nhân phẩm”. Tôi cũng đã từng bị lỗi cảm biến chuột sau vài năm sử dụng, trong khi switch chưa hề có dấu hiệu double click hay bất kỳ lỗi nào khác. Tôi thì không cho rằng nhân phẩm của mình có vấn đề gì cả, chỉ là một ví dụ cho thấy tuổi thọ của con chuột thấp hơn nhiều so với switch.
  • Cũng từ vấn đề trên, tuổi thọ thực sự của thiết bị phải được tính bằng tuổi thọ của bộ phận kém bền nhất. Đáng tiếc, tôi chưa thấy nhà sản xuất nào đưa ra những thông số kiểu như thế. Hầu hết đều lập lờ khái niệm, đánh đồng tuổi thọ switch với tuổi thọ của thiết bị. Nhiều bàn phím giá thấp bị lỗi mạch PCB chỉ sau vài tháng sử dụng (thời gian đó switch còn chưa burn-in xong).
  • Bụi bẩn, độ ẩm ảnh hưởng đến tuổi thọ của những thiết bị này. Vệ sinh chúng thường xuyên, giữ bàn làm việc sạch sẽ, gọn gàng cũng góp phần giúp thiết bị hoạt động được lâu hơn. Va chạm, ma sát cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ, ngay cả những bộ phận như vỏ case cũng có thể bị hỏng do va đập. Do đó Không quá cục súc khi sử dụng, nhẹ nhàng tình cảm cũng giúp thiết bị thọ hơn. Các cụ đã truyền lại câu “của bền tại người” có lý do cả.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.