Năm 2022 nhìn lại: một thời covid

Năm 2022 nhìn lại: một thời covid
Photo by JESHOOTS.COM from Unsplash

Năm 2022 sắp kết thúc, một năm mới sắp đến. Bài nhìn nhận trước tôi đã viết cách đây 4 năm (hơi lười 😭). Những năm vừa qua thật sự là những năm đáng nhớ với rất nhiều biến động, tự nhiên tôi thấy mình cần phải viết gì đó.

Năm 2019, cả nhà tôi quyết định sang Nhật. Tìm việc rồi phỏng vấn hơi mất thời gian nhưng mọi chuyện tương đối thuận lợi. Thế nhưng việc xin tư cách lưu trú rồi thị thực lại không thuận lợi như thế. Từ hè mà đến mùa đông vẫn chưa nhận được kết quả. Cuối cùng thì tận đầu năm 2020 tôi mới sang đến Nhật, và cả nhà đoàn tự sau đó 2 tháng.

Nhà tôi sang Nhật như vậy timing có thể nói là tương đối chuẩn. Vợ con tôi sang Nhật đã là những chuyến bay cuối cùng trước khi Nhật đóng cửa biên giới không cho nhập cảnh từ Việt Nam.

Công việc cũng như thu nhập vào những ngày đầu sang Nhật không thực sự như ý (thực ra cũng không có nhiều lựa chọn lắm 😢 nên không đòi hỏi hơn được), trong khi cuộc sống mới cần mua sắm quá nhiều thứ. Thời điểm đó chẳng có cách nào khác là phải tiết kiệm. Tôi vẫn nhớ cảm giác mỗi lần lĩnh lương cả nhà mới có thể đi siêu thị 業務スーパー để mua những loại bánh kẹo, đồ ăn vặt mình thích 1 lần.

Đến tận bây giờ, vợ chồng tôi vẫn nói với nhau rằng, có lẽ những năm tháng đầu tiên trên đất Nhật là khoảng thời gian khó khăn nhất của đời mình. Cũng may là khoảng thời gian đó không kéo dài lâu. Nó đã kết thúc sau khi tôi nhảy việc.

Cả nhà tôi sang Nhật đúng vào lúc dịch covid bùng lên trên toàn thế giới. Một cuộc sống mới, một môi trường mới vốn đã khó khăn lại gặp ngay dịch bệnh khiến mọi chuyện càng khó khăn hơn. Lúc bấy giờ thông tin về dịch bệnh rất hỗn loạn với đủ loại thuyết âm mưu và người ta lo sợ về những hậu quả của nó.

Dịch bệnh kéo dài, đã có những lúc người ta nói với nhau rằng, chỉ cần còn thở đã là một thành công. Vậy thì tôi và cả nhà mình đã đạt được thành công quá lớn. Dù đã trải qua rất nhiều đợt bùng dịch lớn nhỏ khác nhau nhưng cả nhà vẫn an toàn, đến giờ phút này vẫn miễn nhiễm với covid.

Dần dần, tuy tình hình dịch bệnh không có nhiều thay đổi, nhưng có vẻ như mọi người đã không quá lo lắng về dịch bệnh nữa rồi. Ai nhiễm thì cũng đã khỏi, thậm chí nhiễm 2-3 lần vẫn không sao. Đến bây giờ thì những thuyết âm mưu đã dần biến mất và covid sau này nếu còn tồn tại sẽ chỉ giống như dịch cúm mùa mà thôi.

Sau khi nhảy việc thì mọi thứ với tôi đều đang rất ổn, từ công việc, đồng nghiệp đến thu nhập. Tôi đã trở lại với công việc lập trình mà mình muốn làm, làm việc với công nghệ hiện đại và khách hàng thoải mái. Người ta cứ đồn đại công ty Nhật thế nọ, người Nhật thế kia chứ tất cả những điều đó không đúng tí nào với công ty tôi. Nhật cũng có this that, vấn đề là mình gặp this hay that mà thôi 😄.

Mà tôi nghĩ không phải Nhật hay Việt, ở đâu cũng thế thôi. Công ty lớn họ thích tuyển ứng viên khá giỏi vào làm. Và họ muốn những người đó làm việc hiệu quả và lâu dài nên môi trường làm việc đều tốt cả. Và quan trọng là công ty lớn mới có đủ tiềm lực về tài chính để có thể chi cho nhân viên những khoản chi phí về môi trường làm việc như thế. Bảo sao mà ai cũng thích làm cho những công ty top đầu 😁.

Đồng nghiệp của tôi chủ yếu là người Nhật, có rất ít người nước ngoài nhưng về cơ bản là thân thiện. Máy tính tôi được cấp vượt qua cả kỳ vọng của tôi, các công cụ kể cả trả phí cũng được cung cấp rất đầy đủ, tài khoản được quản lý rất bài bản. Công ty tôi cấp tài khoản Microsoft 365, và tôi thấy thích hơn dịch vụ Google Workspace mà những công ty cũ của tôi cấp 😂. Nói gì thì nói, bộ Office của Microsoft vẫn là thứ gì đó rất khác biệt.

Những khách hàng tôi đang làm việc cùng cũng đều là khách hàng chất lượng. Nội dung công việc về chuyên môn thì tôi không có gì để bàn (vì khách hàng cũng rất mạnh về IT 👍), quan trọng hơn là cách làm việc của họ mang lại sự thoải mái. Hoàn toàn không có chuyện ép tiến độ, thay đổi yêu cầu xoành xoạch hay mấy trò bựa như chối tội, đổ lỗi. Lúc đầu mới chuyển việc, tôi còn tư tưởng về những khách hàng cũ nên có phần hơi shock 👍.

Ngược lại, các công ty nhỏ lẻ thì hay lương thấp, bóc lột và làm việc chẳng có giờ giấc cũng như quy trình nào. Và đúng là công ty như sh*t thì khách hàng cũng như sh*t. Cũng dễ hiểu thôi, công ty nhỏ, ít danh tiếng thì khách hàng lớn nào dám thuê. Mà vì lợi nhuận, những công ty này cũng không có nhiều nhân viên chất lượng. Không có nhân viên chất lượng thì lấy đâu ra dịch vụ chất lượng mà cung cấp cho khách hàng lớn. Một vòng luẩn quẩn không biết bao giờ mới đến hồi kết.

Tôi thì chưa làm công ty product nào, nhưng sau đợt phỏng vấn chuyển việc thì tự nhiên có ấn tượng xấu với mấy công ty product Nhật mà không quá lớn (tầm 200 người trở xuống). Những công ty này thường không theo định hướng công ty công nghệ mà họ chỉ làm một vài sản phẩm rồi tập trung kinh doanh sản phẩm đó mà thôi. Công ty hàng trăm người nhưng đội ngũ kỹ sư phần mềm chỉ trên dưới 10 người.

Và công việc của đội ngũ kỹ sư này, theo cảm nhận của tôi qua các buổi phỏng vấn, là maintain sản phẩm đang có. Những công việc chính là tuning để tăng hiệu suất, tìm và sửa lỗi, sửa đổi tính năng theo yêu cầu của khách hàng. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều trường hợp chỉ có đập đi làm lại thì mới giải quyết được vấn đề, nhưng xét về tầm vóc công ty và đội ngũ kỹ sư như thế thì 99% là phải cố mà tìm cách khắc phục code hiện tại mà thôi.

Vì thế, nếu sau này nhảy việc thì việc làm cho một công ty product cũng cần phải suy nghĩ cẩn thận. Nếu không thể làm một công ty công nghệ lớn, thì tốt nhất là đi làm outsource hay sang hơn là công ty SI 😂. Thế nhưng hiện tại thì công ty cũng như công việc của tôi đang tốt nên lần nhảy việc sau chắc còn lâu lắm 😁.

Do dịch bệnh mà hình thức làm việc ở nhà (WFH – Work From Home hay việt hóa là LON – Làm Ở Nhà) đã được áp dụng. Tôi được biết là nhiều công ty đã quay trở lại với hình thức làm việc truyền thống (lên văn phòng) hoặc kết hợp cả hai hình thức nhưng công ty tôi vẫn cho làm việc ở nhà, có trợ cấp tiền điện nước dù không nhiều nhưng đã là tốt hơn nhiều công ty khác (và dự kiến sau này dù dịch bệnh kết thúc vẫn tiếp tục như vậy 👍).

Đến bây giờ tôi đã làm việc ở nhà gần 2 năm, và tôi thấy thích hình thức làm việc này. Không cần phải lên văn phòng, tôi tiết kiệm được gần 4 tiếng cuộc đời cho việc đi lại. Hơn nữa, tôi cũng không cần phải chen chúc trên tàu mỗi khi đi làm và lúc trở về. Tâm trạng vì thế sẽ thoải mái hơn, làm việc cũng hiệu quả hơn. Đó là chưa kể đến rất nhiều lợi ích khác như làm việc ở nhà tôi có thể tranh thủ làm việc này việc kia, ví dụ đưa con đi học, đón con về 😆.

Tôi có chế độ quản lý theo khối lượng công việc, không phải theo thời gian. Không có yêu cầu một ngày phải làm đủ 8 tiếng (nhưng làm thừa ra cũng không được tính OT 😂) nên thỉnh thoảng tôi có chạy ra ngoài làm việc này việc kia cũng không vấn đề gì 👍. Nói chung là tôi hài lòng với công việc và công ty hiện tại.

Sau gần 3 năm sang Nhật thì hiện tại cuộc sống của cả nhà tôi đã dần vào ổn định. Sau những khó khăn ban đầu thì bây giờ mọi thứ đang đúng như những gì chúng tôi tưởng tượng trước khi sang.

Ngày sang Nhật con tôi mới 2 tuổi, chưa nói được câu tiếng Nhật nào (nhưng tiếng Việt thì ổn 😆). Tôi đã có dự định sẽ gửi con đi lớp (nhà trẻ) để làm quen với môi trường mới nhưng vì dịch bệnh mà việc này phải trì hoãn. Đến khi con tôi 3 tuổi, thì tôi đăng ký cho con đi học mẫu giáo. Giờ đây thì tôi thấy cả nhà tôi sang Nhật như vậy là vừa phải, sang muộn quá việc học hành sẽ rất phức tạp, sớm quá thì bé lại quá nhỏ 🙃.

Việc đăng ký cho con đi học này cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tôi nghe nhiều người nói về sự khó khăn khi xin cho con đi học. Vì đông quá mà phải cạnh tranh và khả năng con mình không được nhận cũng cao. Thế nhưng mọi chuyện với tôi không quá khó khăn như thế.

Sau khi đi xem một số trường gần nhà, tôi (và cả nhà tôi) đã quyết định chọn trường (mà tôi cho là) tốt nhất. Vừa hay đây cũng là trường gần nhà nhất. Con tôi thì đơn giản lắm, trường nào váy áo đẹp hơn là thích 😄.

Thủ tục thì có rất nhiều bước, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau mới chính thức vào học. Mỗi tháng lại có một vài buổi đến trường để hoàn thành thủ tục, trong đó có cả phỏng vấn con cũng như bố mẹ. Tôi đã rất lo sẽ không được nhận, vì con tôi chẳng biết câu tiếng Nhật nào, thế nhưng cuối cùng thì mọi chuyện cũng đâu vào đấy.

Giờ đây con tôi đã học gần 2 năm ở ngôi trường đó. Nhìn sự trưởng thành của con thì tôi tin là chúng tôi đã chọn đúng (và cũng may mắn là con tôi đã được nhận). Tôi không rõ mất bao lâu để các cô nhận ra năng lực tiếng Nhật của con tôi, và sau đó các cô đã làm thế nào để dạy cháu. Thế nhưng sau 1 kỳ thì con tôi đã có thể nói chuyện với các bạn và đến bây giờ thì tôi thấy con còn giỏi hơn mình. Tất nhiên là tiếng Việt của con tôi không hề bị mai một và tôi thích thế ❤️.

Nhiều người nói rằng, trẻ con cũng dễ hòa nhập hơn người lớn, học tiếng Nhật cũng nhanh hơn nữa. Tôi thì thấy điều đó hoàn toàn đúng với trường hợp con mình. Ngay cả kỳ học đầu tiên, khi chưa thể nói chuyện được thì tôi đã thấy con tôi có thể chơi với các bạn một cách bình thường mà không gặp vấn đề gì quá lớn. Thậm chí bằng cách vi diệu nào đó, mà chỉ trong thời gian rất ngắn, hầu như cô nào trong trường cũng biết tên con tôi.

Với con tôi thì mỗi ngày đi học là một ngày vui 👍 và với tôi thế là quá ổn cho những năm mẫu giáo. Năm tới sẽ là năm cuối mẫu giáo và sau đó là cháu sẽ vào tiểu học. Sẽ còn rất nhiều điều cần làm tới thế nhưng tôi tin là con tôi sẽ làm được.

Vợ tôi sang Nhật cũng đã đi học tiếng (dù ở Việt Nam đã học rồi nhưng không đủ) và giờ đã đi làm. Cuộc sống đang ở mức trung bình và chúng tôi mong muốn nó tốt hơn nữa. Nhưng để được như thế thì còn nhiều việc phải làm và chúng tôi sẽ sắp xếp làm dần dần.

Cuộc sống đã dần ổn định, tôi làm việc ở nhà, con tôi cũng dần trưởng thành, việc học cũng nhiều lên nên dần dần chúng tôi mua nhiều thứ hơn (một số thì đi xin được 😆). Mặc dù ban đầu (với kinh nghiệm từ quãng đời sinh viên sống ở Nhật) tôi nghĩ mình sẽ tối giản hết sức có thể. Thế nhưng yêu cầu của cuộc sống khiến chúng tôi phải trang bị hết thứ này đến thứ khác. Nhà thì đã chật hơn đáng kể so với năm đầu tiên tôi sang. Cuộc sống ở đây cũng tốt nên tôi chưa có nhu cầu chuyển đi một nơi khác.

Kể từ đầu năm năm 2022, kinh tế toàn thế giới cũng như nước Nhật gặp rất nhiều biến động. Lạm phát tăng, giá nhiên liệu tăng, mọi thứ đều tăng giá. Nhất là những tháng cuối năm này, sự ảnh hưởng của lạm phát đã rất rõ ràng. Mọi chi phí đều tăng lên, cuộc sống của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy chưa phải là quá khó khăn, nhưng tôi hy vọng sang năm công ty sẽ thay đổi bảng lương để phù hợp hơn với tình hình 😂.

Công việc của tôi đã quay trở lại với nghề lập trình mà tôi muốn làm. Công việc gần giống với những gì tôi đã làm sau khi ra trường, ngoại trừ không cần phải dịch tiếng Nhật sang tiếng Việt cho ai cả. Cũng nhờ thế mà tôi có cơ hội tập trung vào chuyên môn hơn. Thế nhưng dù trước giờ tôi vẫn làm việc với khách hàng Nhật thì giờ đây làm việc trong một công ty thuần Nhật vẫn rất khác. Mấy ngày đầu vào công ty tôi cảm giác mình bị bội thực tiếng Nhật, choáng váng hết cả đầu óc. May là bây giờ thì cũng đỡ hơn rồi 😵‍💫.

Cũng từ lúc sang Nhật mà tôi có cơ hội được học và thi một số chứng chỉ mà ở Việt Nam sẽ khá khó khăn (do không có trường thi như ở Nhật, thi online cũng được thôi nhưng yêu cầu setup phức tạp hơn). Một trong số đó là chứng chỉ AWS SAP. Thế nhưng, thi xong rồi thì tôi thấy chứng chỉ này không thần thánh như những gì mà đồng nghiệp cũ của tôi tâng nó lên mây.

Tôi không phủ nhận việc học và thi chứng chỉ sẽ mang lại những kiến thức nhất định. Với những người chưa nắm vững kiến thức cơ bản của IT thì đây cũng là một cơ hội để ôn lại rất tốt. Thế nhưng mục tiêu lấy được chứng chỉ quá lớn đã lấn át mọi thứ.

Nhiều người học và thi chứng chỉ theo kiểu học tủ thi tủ. Kiến thức về mạng, Linux, DB hay những kiến thức cơ bản khác về IT hổng rất nhiều. Mà tôi cũng không hiểu điều kỳ diệu nào đã khiến công ty cũ của tôi có thể hype chứng chỉ lên đến như thế, trong khi kiến thức thực sự thì lại được quan tâm rất hời hợt 👎 (công ty hiện tại của tôi lại ngược lại, may quá 😎).

Tôi thấy tác dụng lớn nhất của chứng chỉ này là thể hiện mình có hiểu biết tốt và sử dụng thành thạo dịch vụ của AWS. Và một tác dụng khác là làm đẹp profile công ty khi đi gặp khách hàng (có đủ chứng chỉ còn có thể trở thành AWS Partner gì đó). Việc vận hành một ứng dụng bằng AWS cần nhiều kiến thức hơn nhiều.

Không phải kiến thức nào của AWS cũng có thể áp dụng với các dịch vụ cloud khác, và không phải cứ có chứng chỉ là làm được việc. Tôi đã gặp không ít trường hợp dù đã có chứng chỉ trong tay mà bảo thiết lập cấu hình hay đơn giản là gõ mấy lệnh bash cũng không xong (dù lúc chém gió thì rất hay, không khác gì “talk is cheap”). Dễ hiểu thôi, chứng chỉ AWS chủ yếu xoay quanh việc sử dụng, cấu hình các dịch vụ của AWS chứ đi thi đâu có hỏi mấy kiến thức kia 😂.

Ngoài ra, thực tế sẽ có rất nhiều tình huống không có trong kịch bản được học. Hơn nữa, dịch vụ của AWS không phải lúc nào cũng là tốt nhất (dù theo chứng chỉ thì AWS sẽ giải quyết được mọi bài toán), và người dùng thực tế có thể kết hợp dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau để cho mang lại hiệu quả cao nhất. Những lúc như thế, việc có chứng chỉ hay không đâu còn quan trọng, có “kiến thức” mới là thứ quyết định 👍.

Trong tương lai có lẽ tôi vẫn sẽ tiếp tục học và thi chứng chỉ. Thế nhưng tôi sẽ hạn chế những chứng chỉ kiểu như AWS, một chứng chỉ về năng lực sử dụng dịch vụ do chính nhà cung cấp dịch vụ tổ chức thi và cấp. Dù sao đi nữa, chứng chỉ là thứ chứng minh tốt nhất và dễ dàng nhất về năng lực. Quá trình luyện thi cũng là cơ hội học hỏi thêm kiến thức.

Chứng chỉ vẫn có những giá trị nhất định, quan trọng là mình nhìn nhận giá trị đó sao cho đúng. Thi được chứng chỉ rồi nghĩ bản thân đã giỏi (nhất là chứng chỉ về lĩnh vực A mà nghĩ mình biết luôn cả B C D) thì hơi bị ảo tưởng. Nhưng không thi chứng chỉ (hoặc thi mà không đỗ) rồi tự bào chữa rằng kiến thức mới là quan trọng thì tôi thấy cũng giống con cáo và chùm nho mà thôi 😀.

Kể từ khi sang Nhật thì tôi không còn làm việc với Ruby và Ruby on Rails nữa. Giờ đây ngôn ngữ tôi làm việc nhiều nhất là TypeScript (combo Node.js + React). Tôi không học TypeScript một cách bài bản nhưng hiện tại thì vẫn làm được việc nên không lo lắm 😂. Cũng nhờ thế mà tôi mới biết mình đã lạc hậu quá lâu, cũng may mà vẫn còn kịp.

Tuy nói thế nhưng công việc chính của tôi là frontend (React). Node.js cũng làm nhưng không nhiều, chủ yếu là những xử lý đơn giản (các phần xử lý khó hơn được code bằng Java do team khác đảm nhiệm). React bây giờ đã khác nhiều so với khi tôi mới biết với nó, và tôi phải mất một chút thời gian để làm quen lại.

Hiện tại thì dự án tôi dùng styled-system và styled-component, so với đống code SCSS trước đây hay được dùng trong dự án Rails thì ngon hơn rất nhiều 👍. Tôi không còn phải lo đặt tên class sao cho phù hợp, không còn phải lo về việc CSS ở trang này sẽ ảnh hưởng đến các trang khác cũng như việc maintain code CSS cũng dễ dàng hơn. Sẽ không có tình trạng có những đoạn CSS không biết để làm gì nhưng cũng không ai dám xóa nữa 😎.

Công việc frontend của tôi không phải là quá nhàm chán. Những gì tôi làm không đơn giản chỉ là làm các trang web bằng HTML mà công việc của tôi là viết một ứng dụng web bằng React. Về mặt xử lý hay logic không thể so được với backend nhưng những gì tôi đang làm cũng ở mức tương đối. Và công việc như vậy với tôi là vừa phải, vì tôi còn muốn dành thời gian cho những việc khác.

Gần đây trình duyệt đã làm khổ bao nhiêu thế hệ lập trình viên là Internet Explorer đã bị khai tử. Trình duyệt thay thế của nó là Edge đã dùng nhân Chromium. Đây là tin vui với tôi cũng như rất nhiều lập trình viên khác. Dù dự án của tôi vẫn cần hỗ trợ IE, nhưng chỉ ở mức tối thiểu (đảm bảo trang web có thể mở lên và hoạt động được là được). Sau khi bị khai tử thì giờ đây chẳng ai còn nghĩ đến nó nữa thì phải 😁.

Do đó mà dự án của tôi sử dụng FlexBox thoải mái mà không phải quá lo về vấn đề tương thích. Kể từ khi FlexBox xuất hiện thì công việc frontend đã đơn giản hơn rất nhiều. Những thứ căn chỉnh trước đây không thể làm được bằng CSS thì giờ đây có thể giải quyết dễ dàng bằng FlexBox.

Khách hàng lần này của tôi là một công ty công nghệ lớn, và phong cách làm việc của họ khác hẳn với những khách hàng trước đây mà tôi đã từng làm. Lúc đầu tôi thấy phong cách của họ rất phiền hà, vì cơ cấu công ty rất phức tạp và làm việc gì cũng phải trải qua một quá trình nhiều bước.

Thế nhưng làm lâu dài tôi mới nhận ra, những thứ đó là cần thiết, họ đã xây dựng quy trình trong nhiều năm để đảm bảo công việc diễn ra trơn tru. Đặc biệt là mọi thứ đều được mô tả trong tài liệu rõ ràng, rành mạch. Những việc này sẽ tốn nhiều nhân lực và chi phí, nhưng họ là công ty lớn thì không phải xoắn, quan trọng là nó mang lại hiệu quả 👍.

Một điều trớ trêu là họ anti-AWS, nói rằng dịch vụ của AWS không đủ tin cậy và họ dùng dịch vụ cloud của Google để thay thế. Mặc dù vậy, dịch vụ cloud chỉ để dùng build môi trường dev với dữ liệu giả lập. Các môi trường quan trọng và phức tạp hơn, khách hàng có data center và server riêng, tự vận hành và quản lý.

Làm việc với họ tôi cũng học được nhiều điều, dù công việc của tôi là lập trình, cũng ít có cơ hội làm việc trực tiếp với server. Thế nhưng, ít ra tôi cũng biết đến nhiều khái niệm mà trước giờ chưa từng biết đến. Đúng là thế giới này quả thực rộng lớn vô cùng 😂.

Dự án hiện tại tôi đã làm hơn một năm, và vẫn đang có kế hoạch cho những giai đoạn tiếp theo. Tôi không biết dự án kéo dài đến bao giờ, nhưng hiện tại thì tôi cảm thấy chưa có nhu cầu chuyển sang một dự án mới.

Kể từ lúc nhảy việc thì tôi cũng chăm chỉ viết blog hơn. So với năm 2020 khi mới sang Nhật chỉ viết được 3 bài thì năm nay đã khá hơn rất nhiều. Mặc dù không còn áp lực phải viết bài mỗi tháng như trước đây nữa, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen viết blog. Và thành quả năm 2022 vừa rồi thì vượt qua mong đợi của tôi. Tháng nào tôi cũng có ít nhất một bài viết 👍.

Tuy nhiên, chủ đề về lập trình vẫn chiếm đa số, trong khi ý tưởng ban đầu của tôi về blog này hơi khác một chút. Sang năm tôi sẽ cố gắng giữ được sự chăm chỉ này, với chủ đề đa dạng hơn 😆. Tôi đã có trong đầu khá nhiều chủ để, nhưng phải sắp xếp thời gian dần dần thôi.

Tôi đã dành thời gian đọc lại một lượt những bài viết của mình trong năm nay. Nói thật là tôi không hài lòng với cách hành văn của chính mình. Nó không giống tôi viết blog, nó giống tôi viết bài trên FaceBook để câu view, câu like hơn. Vì vậy, tôi tự thấy mình cần phải thay đổi, và thực sự là tôi đã sửa lại một loạt bài viết 😂.

Hiện tại công việc cũng như kiến thức của tôi đang rất ổn định, và có lẽ tôi sắp đạt đến giới hạn của bản thân mình, nên trong thời gian sắp tới, những kiến thức mới về lập trình sẽ không còn nhiều như trước nữa. Vì vậy, những bài viết thuần về lập trình sẽ ít dần đi.

Khép lại năm 2022 với quá nhiều thứ để nói. Thế mà đến đây tôi lại không nghĩ ra gì nữa. Có lẽ quá nhiều thứ khiến tôi rối tung cả lên, nhưng sau khi bình tĩnh suy nghĩ và sắp xếp lại thì mọi thứ cũng không kinh khủng như thế. Nội dung bài viết cũng đã tương đối đầy đủ, nên tôi sẽ dừng ở đây thôi 😂.

HAPPY NEW YEAR 🎇 🎆

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.

Welcome

manhhomienbienthuy

Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Chuyên mục

Lưu trữ theo năm

Thông tin liên hệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.