Lần đầu tiên nhảy việc ở Nhật

Lần đầu tiên nhảy việc ở Nhật
Photo by Clem Onojeghuo from Unsplash

Lần đầu tiên nhảy việc ở Nhật. Cũng khó khăn mà cũng vui 😊 Mình thì đi phỏng vấn người khác nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên mình trở thành ứng viên (chỉ tính khi ở Nhật). Thực ra, ở Việt Nam mình cũng chỉ từng là ứng viên một lần khi chuyển việc từ Việt Nam sang Nhật, nhưng lần đó toàn phỏng vấn các công ty Việt Nam làm offshore nên phong cách khác hẳn.

Lần này mình phỏng vấn làm engineer cho các công ty Nhật (thực ra có một vài công ty đa quốc gia nhưng tạch ngay nên không tính). Phải nói là một trải nghiệm rất khác lạ, rất mệt, tốn nhiều công sức nhưng kết quả cuối cùng thì vui thực sự.

Nguyên nhân

Mỗi người đều có những lý do riêng (và thường rất chính đáng 😁) để nghỉ ở một chỗ và chuyển sang chỗ mới. Với mình thì quyết định này đến từ rất nhiều yếu tố khác nhau, mỗi thứ tác động một ít.

Bản thân mình đi làm là vì niềm vui. Nhiều người hỏi mình, kể cả các sếp, mình đều nói như vậy. Thế nhưng có quá nhiều người hiểu sai (hoặc cố tình hiểu sai) ý nghĩa của câu này. Họ cố gắng diễn giải theo nghĩa đi làm cho vui, tức là chỉ cần đi làm là vui rồi. Một suy nghĩ hết sức ấu trĩ và sai lầm.

Với mình, đi làm vì niềm vui, thì điều kiện quan trọng nhất là công việc phải mang lại niềm vui cho mình. Niềm vui này đến từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết, bản thân công việc phải “vui”, hoặc chí ít là mình còn muốn làm nó. Công việc thế nào là vui thì rất khó để nói ra, mỗi người sẽ có những suy nghĩ của riêng mình, thậm chí mỗi công việc lại có một kiểu vui khác nhau.

Với mình thì công việc vui đơn giản là hôm nay đi về, ngày mai mình vẫn muốn tiếp tục công việc đó. Nếu không muốn tiếp tục nữa thì rõ ràng là không còn vui rồi, và cố làm tiếp thì cũng chỉ là làm đối phó, không thể có chất lượng được. Mà mình rất ghét kiểu làm việc như vậy, đã làm thì làm tử tế không thì thôi.

Khía cạnh tiếp theo đến từ đồng nghiệp, các sếp, văn phòng, hay nói chung chung là môi trường làm việc. Văn phòng của công ty là nơi mình muốn đến, đồng nghiệp làm cùng là những người mình muốn làm cùng, v.v… Văn phòng sáng sủa, tiện nghi, không gian sang trọng thì ai cũng muốn, nhưng không được thì ít ra cũng phải sạch sẽ, gọn gàng. Đồng nghiệp làm cùng phải là những người mình muốn làm cùng, những người mà mình thấy thế giới của họ cũng giống với thế giới của mình. Các sếp phải nhanh nhạy, chính sách rõ ràng và quyền lợi người lao động được ưu tiên. Nếu những yếu tố này không có được thì rõ ràng là không thể vui được rồi.

Khía cạnh cuối cùng, và cũng thường là yếu tố kém vui nhất, đó là đãi ngộ. Mình là người làm công ăn lương, không phải chủ doanh nghiệp, nên công sức bỏ ra thì mong muốn được trả lương tương ứng. Nhiều người (trong đó có mình) đều thích việc nhẹ lương cao, nhưng tìm được chỗ như thế khó hơn đi lên trời. Mình chấp nhận rằng việc nhẹ lương thấp hoặc việc năng lương cao đều ổn. Tất nhiên là mong muốn vế sau hơn, tức là năng lực mình có thể làm được nhiều hơn, thì cứ để mình làm, đổi lại mình nhận một mức lương cao, thu nhập tốt hơn.

Tất cả những yếu tố này tạo nên niềm vui trong công việc. Không còn vui nữa thì đi tìm chỗ khác vui hơn là điều tất yếu. Nếu như một yếu tố nào đó kém vui thì tổng thể sẽ kém vui, tất nhiên là ở mức nào đó thì có thể tạm chấp nhận được. Thế nhưng thật bất ngờ là mình đã gặp cả 3 yếu tố kém vui cùng lúc, khiến cho mình cảm thấy công việc cũ không còn vui tí nào nữa. Đó là lúc mình thấy cần phải tìm chỗ khác, một chỗ vui hơn (hoặc đơn giản là ít buồn hơn).

Nói ra thì lại thành nói xấu công ty cũ, cũng không hay ho gì. Chỉ có thể nói ngắn gọn, đó là không phải là nơi mình sẽ gắn bó lâu dài vì cảm thấy không có tương lai, tài năng không được trọng dụng (hơi tự mãn tí =))). Cảm giác mình được tuyển vào chỉ vì mình là người Việt Nam biết tiếng Nhật, lại biết cả IT chứ không phải vì mình là một kỹ sư IT giỏi.

Đồng thời, dịch covid làm bộ lộ nhiều mặt xấu của công ty (hay đúng hơn là của tầng lớp chủ doanh nghiệp), mà bình thường có lẽ sẽ không lộ ra hoặc có thì cũng lộ ra từ từ chứ không nhiều thứ cùng một lúc như vậy. Quá nhiều yếu tố kém vui đến cùng một lúc khiến cho động lực muốn nghỉ của mình càng mạnh, kết quả cuối cùng là mình đã có trải nghiệp nhảy việc lần đầu tiên ở Nhật 😜

Diễn biến

Chuẩn bị tâm lý

Trước hết cần hiểu rõ về các hình thức lao động ở Nhật. Riêng trong lĩnh vực IT mà mình làm việc, có rất nhiều hình thức khác nhau:

  • Nhân viên thời vụ thuê bên ngoài (業務準委任、派遣): Nhiều công ty gọi là partner hoặc coi như nhân viên thời vụ của họ luôn. Tuy nhiên hình thức này trên thực tế thì người lao động sẽ có có hợp đồng với một công ty khác và công ty đó sẽ cho thuê lại công ty mà bạn làm việc. Đây là hình thức không khác freelancer là mấy. Mình chưa bao giờ làm việc kiểu này cũng không có nhu cầu nên không tìm hiểu sâu, chỉ hiểu sơ sơ như vậy.
  • Nhân viên bán thời gian (パート、アルバイト、バイト): Đây là hình thức lao động bán thời gian, hiểu như kiểu làm thêm ở mình. Nhân viên đi làm thường sẽ tính lương giờ và được coi như nhân viên của công ty. Tuy nhiên các chế độ phúc lợi, đãi ngộ thường sẽ không đầy đủ. Hình thức này hợp với ai còn đang đi học và muốn làm thêm lúc rảnh rỗi. Các công ty tuyển dụng hình thức này ngoài ngành IT thì rất nhiều, nhưng trong ngành IT thì ít, chủ yếu là sinh viên đi làm kiểu này. Nhiều công ty có chế độ nâng cấp từ nhân từ nhân bán thời gian lên nhân viên toàn thời gian (tiếng Nhật gọi là 正社員登用制度), tuy nhiên sẽ hơi mất thời gian.
  • Nhân viên hợp đồng (契約社員): Đây là hình thức lao động toàn thời gian, tuy nhiên hợp đồng lao động là loại có kỳ hạn (có khi chỉ 3 tháng, tối đa là 1 năm). Tất nhiên là hết hợp đồng có thể gia hạn được, ngoài ra thì nhiều công ty cũng có chế độ nâng từ nhân viên hợp đồng lên chính thức, tuy nhiên là sẽ mất thời gian và thủ tục để đánh giá kết quả, năng lực cũng như nhu cầu từ công ty (có vẻ hơi khó vì nếu cần thì họ đã tuyển nhân viên chính thức từ đầu)
  • Nhân viên chính thức (正社員): Đây là hình thức lao đồng toàn thời gian, hợp đồng không kỳ hạn. Người lao động có thể yên tâm làm việc ở một chỗ đến hết tuổi lao động (không nhất thiết đến tuổi nghỉ hưu theo luật như ở mình đâu, như công ty mình đang làm có thể làm việc đến 70 tuổi =))). Nhân viên chính thức sẽ được nhận đãi ngộ và phúc lợi cao nhất của công ty, và theo mình biết thì nhân viên chính thức rất khó bị đuổi, nên ngược lại, tuyển dụng cho vị trí này cũng khó khăn hơn các hình thức khác rất nhiều.

Ngoài các hình thức lao động trên, còn một hình thức nữa, không hẳn là lao động, gọi là thực tập (インターン), tức là mình sẽ đến đó để học việc. Hình thức này hơi khác một chút so với nhân viên bán thời gian, tức là học việc là chính nên công việc không được đảm nhận nhiều, không có nhiều đãi ngộ, thậm chí không có lương (hoặc lương rất thấp). Đây là hình thức mà ai đang đi học muốn trải nghiệm môi trường thực tế, muốn được học việc ở những tập đoàn lớn, công ty thì thì ứng tuyển.

Riêng mình thì trước giờ làm việc đều là nhân viên chính thức, chưa bao giờ ký hợp đồng có kỳ hạn, nên lần này tìm việc mình cũng vẫn chỉ tìm vị trí như vậy thôi. Hơn nữa, trong đầu mình, thì những công ty chỉ tuyển nhân viên hợp đồng trở xuống là công ty không có tương lai, bản thân họ còn không muốn người lao động gắn bó lâu dài thì sao có thể là chỗ làm việc tốt được.

Mình cũng đã xác định là chuyển việc sẽ khó khăn, phần vì vị trí mình tuyển các công ty đều rất kỹ lưỡng trong việc chọn người, phần vì mình là người nước ngoài, tiếng Nhật cũng chỉ ở mức đủ dùng, giao tiếp ở mức thông thường, phần nữa là mình nhiều năm làm công việc BrSE nên với các công ty thuần Nhật thì một là họ không biết BrSE là làm gì, hai là họ biết thì họ cho rằng công việc của mình giống như một thằng phiên dịch, cả hai đều mang lại cảm giác không tốt đẹp gì.

Thế nhưng thật không ngờ là quá trình thực tế còn khó khăn hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Có lẽ do trước giờ mình khá thuận lợi chăng. Khi mới ra trường gần như không phỏng vấn gì, chỉ cần nói chuyện bình thường là được nhận vào. Lần chuyển việc từ Việt Nam sang Nhật thì có khó khăn hơn chút nhưng cũng chỉ cần phỏng vấn 3 công ty là được. Thế nên lần này mình nghĩ là cũng chỉ khó khăn thêm một chút nữa thôi. Nhưng không ngờ là khó hơn rất nhiều.

Ngoài việc chia các hình thức lao động như trên, thì các hình thức tuyển dụng ở Nhật cũng được phân chia rõ ràng. Có 2 hình thức tuyển dụng chính:

  • Tuyển sinh viên mới tốt nghiệp (新卒採用): sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nên các doanh nghiệp xác định tuyển vào sẽ đào tạo.
  • Tuyển người đang đi làm nhảy công ty khác (中途採用): tuyển vào gần như là làm việc luôn.

Các hình thức tuyển dụng khác nhau cũng sẽ khác nhau rất nhiều về các thủ tục, các bước phỏng vấn cũng như các bước tiếp theo nếu gia nhập công ty. Riêng mình đã từng đi làm ở ở Việt Nam và Nhật nhiều năm nên chỉ ứng tuyển hình thức thứ hai.

Timing chuyển việc cũng rất quan trọng. Mùa nhảy việc ở Nhật là khoảng tháng 4 hằng năm. Đó là thời điểm sinh viên các trường đại học ra trường và bắt đầu đi làm. Sinh viên ra trường thì thực ra không ảnh hưởng gì đến việc người đang làm nhảy việc cả 😆 nhưng mà vì nhiều người nhảy thì sẽ có nhiều chỗ trống nên các công ty lại cần tuyển bổ sung. Nói chung mình không hiểu lắm về nguyên nhân, chỉ biết cả xã hội như vậy nên mình theo vậy thôi.

Để chuyển việc vào tháng 4 thuận lợi thì mọi việc chuẩn bị nên bắt đầu từ tháng 12 năm trước. Mình bắt đầu quá trình này hơi muộn nên cảm giác rất bất lợi, nhưng may mắn là cuối cùng thì mọi việc cũng êm xuôi. Bởi vì các công ty xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn và chốt rất lâu, có khi mất vài tháng nếu là công ty lớn, nên chuẩn bị trước 3-4 tháng là bình thường.

Mình bắt đầu quá trình hơi muộn, tận cuối tháng 2 mới bắt đầu chuẩn bị, vì thực ra lúc đầu cũng chưa có ý định nhảy việc. Cũng may là mình được một người bạn giới thiệu với một agent tốt, đồng thời quá trình phỏng vấn tuy rất khó khăn, tạch cũng nhiều nhưng cuối cùng thì cũng chốt được 1 offer 🤩

Viết CV

Bước đầu tiên, và cũng rất quan trọng là viết CV. Khác với nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam ta, thì ở Nhật, CV gần như đã có form sẵn, kể cả trong ngành IT vốn là một ngành du nhập nhiều yếu tố Âu Mỹ cởi mở hơn khá nhiều vẫn không thoát được.

CV ở Nhật thì có 2 văn bản. Đầu tiên là sơ yếu lý lịch (履歴書), đây là văn bản tóm tắt lý lịch của bản thân, gia đình, quá trình học và làm việc cơ bản. Nó cơ bản tới mức bạn chỉ cần ghi bạn làm ở công ty A, B, C còn trong công ty đó bạn làm gì thì bạn sẽ viết ở văn bản thứ 2.

Văn bản thứ 2 là quá trình làm việc (業務経歴書). Đây mới là nơi mà các nội dung công việc, các dự án mà bạn đã trải qua. Đều đã có form cả, nên việc viết các văn bản này không có gì khó khăn cả. Chỉ có ai mà đi làm nhiều năm, trải quá nhiều dự án quá không nhớ hết để ghi ra thì mới khó khăn thôi.

Mình thì nhảy việc ít, các dự án tương đối dài (trừ mấy dự án đầu tiên) nên viết CV tương đối đơn giản. Chỉ hơi mất thời gian nhớ lại xem trong từng dự án mình làm gì, động tay vào những công nghệ gì để viết ra thôi.

Ngoài ra, trong quá trình tìm việc thì mình có gặp một vài công ty tuyển dụng bằng tiếng Anh, nên cần viết cả CV tiếng Anh. CV tiếng Anh thì không có form sẵn như của Nhật nhưng mình đã có template LaTeX sẵn rồi, chỉ cần viết theo là được. Về cơ bản nội dung là bê từ CV tiếng Nhật sang nên không có khó khăn gì.

Tìm việc và ứng tuyển

Sau khi đã chuẩn bị CV xong thì bước tiếp theo đương nhiên là tìm việc và ứng tuyển rồi. Mình may mắn được một người bạn giới thiệu với một agent chất lượng, nên quá trình tìm việc và ứng tuyển diễn ra nhanh chóng và đơn giản. Thực ra mình được giới thiệu với 3 agent nhưng chỉ có 1 agent là chuyên về tuyển dụng IT thôi, 2 agent còn lại không chuyên IT nên khả năng tư vấn và tìm việc không chuẩn bằng.

Làm việc với agent thì rất đơn giản thôi. Gặp họ rồi nói chuyện, nói hết tâm tư nguyện vọng cũng như các yêu cầu mà mình mong muốn cho công việc sắp tới. Họ sẽ giúp mình tìm công việc phù hợp, tất nhiên là phù hợp ở mức nào đó thôi, sau đó mình sẽ duyệt lại, OK thì họ sẽ ứng tuyển giúp mình. Quá trình liên lạc với công ty, sắp xếp phỏng vấn họ làm hết, sau này có offer, mình chấp nhận, thủ tục chuyển việc, gia nhập công ty họ cũng giúp mình hết (cũ dễ hiểu thôi, môi giới được mình thì họ được tiền mà). Mình chỉ cần thao tác trên trang web là được.

Đặc biệt, chuyện sắp xếp phỏng vấn là rất quan trọng. Nếu không cẩn thận thì có thể lịch phỏng vấn bị chồng lên nhau, chưa phỏng vấn xong công ty này đã đến lịch công ty khác thì rất nguy hiểm. Được cái, nếu làm việc với cùng 1 agent thì họ sẽ sắp xếp cho mình. Chỉ cần mình đưa thông tin ngày giờ nào mình có thể phỏng vấn được, việc sắp xếp cứ để họ lo. Vấn đề chỉ xảy ra nếu làm việc với nhiều agent cùng 1 lúc, và mình cũng tự đi tìm việc nữa. Khi đó mình phải tự sắp xếp các khoảng thời gian sao cho hợp lý.

Một điểm mình rất ấn tượng với agent Nhật, đó là họ có một số lượng các công ty và tin tuyển dụng cực kỳ lớn. Chỉ cần mình nói ra mong muốn, họ có thể được vài chục tới vài trăm tin ngay lập tức. Điều này khác hẳn với những người môi giới việc làm Việt Nam mà mình từng làm cùng trước đây, khi mỗi người chỉ có tập trung tuyển cho một số công ty nhất định. Thậm chí có trường hợp cùng một công ty môi giới mà có 2-3 người khác nhau cùng liên hệ với mình, kiểu việc ai người ấy làm.

Hơn nữa, các tin tuyển dụng của họ cũng rất chi tiết. Không chỉ mô tả chi tiết về công việc đang tuyển, yêu cầu kỹ năng, mà còn mô tả luôn các thông tin cơ bản của công ty, giờ giấc làm việc, văn phòng, chế độ đãi ngộ v.v… Điều này giúp mình có thể lựa chọn dễ dàng hơn rất nhiều.

Mình cũng có tự tìm việc, chủ yếu qua LinkedIn. Tuy nhiên thực ra là việc này không mang lại nhiều giá trị lắm. Khi upload CV và để trạng thái “open for work” thì có rất nhiều người liên hệ với mình (chủ yếu là từ các công ty offshore của Việt Nam), thỉnh thoảng thì có vài người môi giới việc làm muốn môi giới việc ở Hà Nội và Hồ Chí Minh mặc dù mình đã ghi rõ là tìm việc ở Tokyo.

Phần lớn những tin tuyển dụng kiểu này mình đều không có nhu cầu ứng tuyển. Đọc tin tuyển dụng xong đã không có cảm tình rồi, tin tuyển dụng toàn là mô tả công việc, yêu cầu kỹ năng mà không hề thấy có một dòng chế độ đãi ngộ nào, có gì inbox để biết thêm chi tiết (hay nhỉ, cần tuyển người mà bảo người ta liên hệ trước). Tức là người ta chỉ nói cái người ta cần, mà không hề nói cái người ta có thể đáp ứng. Mà những công ty chỉ biết yêu cầu thì có nét giống công ty cũ của mình và rất nhiều nơi khác mà mình biết, đó là những nơi mà nhiều người (từ sếp tới HR) vẫn còn cho rằng người khác đang đi “xin” việc.

Những công ty offshore này mong muốn tuyển mình với lý do không khác gì công ty cũ. Tức là họ cần một người Việt Nam biết tiếng Nhật, mà biết cả IT nữa, chứ không phải họ cần một kỹ sư IT giỏi. Công việc quanh đi quẩn lại cũng không khác gì cũ, mà đó lại là công việc mà không thấy vui.

Ngoài ra, thì mình rất dị ứng với những tin tuyển dụng mà quảng cáo kiểu như “công ty trẻ, năng động”. Công ty trẻ thì đúng rồi (mới thành lập được vài ba năm) nhưng người của công ty ấy già hết rồi, lãnh đạo toàn 4x, 5x tuổi cả thì trẻ ở chỗ nào, năng động ở chỗ nào.

Ngoài ra, mức lương cũng không phải điểm mạnh của các công ty Việt Nam. Mức lương các công ty Việt thường thấp hơn công ty Nhật, kể cả cùng là công ty outsource. Mức cao nhất họ có thể trả thậm chí mới chạm mức mong muốn thấp nhất của mình =)) Mà kinh nghiệm cho thấy, mức lương ghi thế thôi chứ trả được 2/3 con số đó là đã cao lắm rồi (đó là với điều kiện vào làm phải rất trâu bò).

Mình có tự tìm và ứng tuyển vào mấy công ty lớn lớn trên LinkedIn (kiểu Amazon) nhưng mà tạch luôn từ vòng gửi xe. Sau đó thì mình không có nhu cầu tự tìm việc nữa, phần gì không có giá trị gì, phần vì phải tập trung làm việc với agent cho hiệu quả.

Phỏng vấn

Quy trình tuyển dụng ở Nhật (hoặc ít nhất là những công ty mà mình đã ứng tuyển) rất lằng nhằng, công ty nào cũng phỏng vấn 2-3 vòng. Thậm chí có công ty 4 vòng (nhưng mình tạch sớm nên không được trải nghiệm hết cả 4 vòng). Về cơ bản thì các vòng phỏng vấn như sau:

  • Vòng 0 (trước khi phỏng vấn): nhiều công ty yêu cầu làm 1 bài test online, có thể là bài code hoặc kết hợp code và hỏi đáp kiến thức. Thậm có công ty bắt mình làm một trang web với yêu cầu rõ ràng được viết trong khoảng 4-5 trang giấy (mình reject luôn, cảm giác nó không cần người lắm). Kết quả vòng này sẽ ảnh hưởng đến việc đỗ hay trượt nhưng chỉ rất ít công ty đánh giá ngay bước này, thường họ chờ kết quả của một số vòng phỏng vấn sau kết hợp với bài thi mà đánh giá có trượt hay đỗ.
  • Vòng 1: phỏng vấn với HR. Ở vòng này thì người Nhật cũng phân biệt rất rõ hai hình thức nói chuyện là phỏng vấn (面接) và nói chuyện thông thường (面談 hoặc カジュアル面談). Tính chất buổi 面談 thì thoải mái hơn phỏng vấn một chút, hai bên nói chuyện trao đổi chứ chưa phải phỏng vấn nên sẽ không chuyên hỏi đáp. Tuy nhiên không phải nói chuyện mà không tạch, mình đã tạch không biết bao nhiêu công ty ở ngay bước này.
  • Vòng 2: phỏng vấn kỹ thuật. Ở vòng này thì thường sẽ phải phỏng vấn một kỹ sư của công ty. Người ta có thể hỏi rất nhiều câu hỏi liên quan đến kỹ thuật, thậm chí cả những kiến thức học từ đại học. Nhiều công ty thì kết hợp vòng này với vòng phỏng vấn HR thành một lần phỏng vấn luôn cho nhanh (có thể 1 người phỏng vấn luôn hoặc kỹ sư và HR phỏng vấn riêng). Ngoài ra để đánh giá kỹ thuật, nhiều công ty còn yêu cầu live stream làm bài test luôn (thường là bài code, ví dụ công ty mình vào làm (SHIFT), công ty ExaWizards).
  • Vòng 3: phỏng vấn với sếp. Đây là bước phỏng vấn với trưởng bộ phận (部長) dự định sẽ nhận mình vào làm. Đến bước này thì gần như là đỗ rồi, chỉ còn nói chuyện qua về tình hình công việc, định hướng nghề nghiệp bản thân và công ty. Tất nhiên là vẫn có thể tạch nếu hai bên không khớp nhau. Không phải công ty nào cũng có bước này, riêng công ty mình vào làm thì bước này không gọi là phỏng vấn mà là bước最終面談 để nói chuyện offer (内定), tức là đến bước này đã chắc chắn có 内定 rồi, chỉ còn nói chuyện để hai bên hiểu nhau và mình chấp nhận 内定 của họ nữa thôi.
  • Vòng 4: (nghe nói) là phỏng vấn với giám đốc. Vì chỉ có 1 công ty có bước này, mà mình chưa đến được nên chỉ dừng ở mức nghe nói mà thôi.

Về cách thức, do ảnh hưởng của dịch nên tất cả các công ty mình ứng tuyển đều phỏng vấn online. Trang phục mình mặc bình thường thôi, lúc đầu còn lạnh thì mặc áo khoác, áo gió, sau nóng hơn thì áo polo (quần mặc gì cũng được vì phỏng vấn chỉ nhìn từ cổ trở lên :D). Cũng lo nhiều công ty khó tính lại đánh giá nhưng mình kệ. Cứ mặc thoải mái, nếu vì thế mà tạch thì đó cũng không phải công ty mà mình nên làm việc nên không có gì phải tiếc.

Thế nhưng thật bất ngờ là tất cả các công ty mà mình phỏng vấn đều đang cho nhân viên làm việc ở nhà, và bất ngờ hơn nữa là khi làm việc ở nhà thì những người phỏng vấn mình cũng toàn mặc thoải mái như mình cả. Thế mới thấy, suy nghĩ trước giờ của mình về việc phải suit up của người Nhật cũng không hoàn toàn đúng.

Mình phỏng vấn rất nhiều, tầm 15 công ty tất cả. Có ngày phỏng vấn 3-4 công ty liền. Một điểm mình thấy rất hay, đó là các công ty đều có 1 bước đó là tự giới thiệu. Dù thông tin ít nhiều đều mang tính quảng cáo, nhưng mình thấy đây là một điểm tốt. Ứng viên phải giới thiệu mình, khoe trình độ của mình với công ty, thì ngược lại, công ty phải thể hiện mình là một nơi lý tưởng để ứng viên làm việc. Xét cho cùng thì làm việc cũng là một dạng hợp tác, tôi hợp với ông thì ông cũng phải hợp với tôi thì mới hợp tác được chứ.

Sau đó là màn giới thiệu bản thân (自己紹介). Nhiều tips trên mạng bảo đây là phần quan trọng để mình thể hiện bản thân ngay từ đầu. Thực tế trải nghiệm bản thân mình thấy, đây là bước chả có ý nghĩa gì. Nhiều người phỏng vấn chưa kịp đọc CV thì khoảng 1-2 phút giới thiệu bản thân này là lúc để họ xem qua CV của mình mà thôi. Có người thì đọc rồi, mà cũng nghe chăm chú, tuy nhiên thông tin thì gần như trong CV có hết rồi nên mình thấy phần này không mang lại thông tin gì thêm, ngoại trừ chứng tỏ ứng viên nói được tiếng Nhật.

Có mấy câu hỏi về động lực tìm việc, môi trường mong muốn, v.v… thì hầu như công ty nào cũng hỏi. Có ngày mình nói cùng 1 nội dung 2-3 lần. Nhiều công ty thì hỏi kỹ hơn là tại sao lại muốn vào công ty họ, vào rồi thì đóng góp gì. Thỉnh thoảng có thằng hỏi hơi hãm là sao lại học trường này, sao lại sang Nhật học, sao về rồi giờ lại quay lại. Nhiều tips khuyên nên tìm hiểu trước về công ty, xem họ làm gì rồi họ cần gì thì mình nói theo như vậy, khả năng được nhận sẽ cao hơn. Tuy nhiên mình không đồng tình với quan điểm đó.

Mình đi tìm việc, là muốn tìm một nơi phù hợp với mình. Nên mình cứ nói đúng như những gì mình suy nghĩ, nếu không khớp với công ty thì thôi, tạch cũng không tiếc. Mình không phải đang thất nghiệp, cần tìm việc cho bằng được mà phải lươn lẹo như thế. Hơn nữa, mình cũng đi phỏng vấn nhiều rồi, mấy cái tips trên mạng nhiều người cũng áp dụng, nghe rất giả tạo và mình biết 100% là chỉ toàn chém gió, đâm ra mình lại có ấn tượng xấu với những người như vậy.

Riêng về các câu hỏi kỹ thuật, thì mỗi công ty một khác. Đặc biệt là các công ty product, họ hay tập trung hỏi vào đúng mảng mà họ cần. Có công ty thì chỉ tập trung vào năng lực tuning SQL, performance, có công ty thì tập trung vào nghiệp vụ SEO, v.v… Có công ty thì hỏi rất kỹ những kiến thức đi học ngày trước, từ cơ sở dữ liệu, thuật toán, cấu trúc dữ liệu. Có công ty lại không tập trung vào kỹ thuật mà chủ yếu hỏi về nghiệp vụ mà công ty đang làm, ví dụ xây dựng, luật, game.

Một điểm mình hơi bất ngờ, đó là khi đi phỏng vấn mình đã có bằng AWS, thế nhưng có vẻ như không một công ty nào quan tâm, trong khi cái bằng đó ở công ty cũ rất VIP 😂 Nhiều công ty bỏ qua luôn, không đả động gì đến, có công ty thì nói rõ là họ đã có kỹ sư chuyên infra rồi, họ chỉ tuyển người lập trình nữa thôi. Có thằng hãm còn hỏi làm lập trình sao lại học cái đó, học cái đó có tác dụng gì 🤔

Đặc biệt, công ty ExaWizards phỏng vấn tiếng Anh với một thanh niên Ấn Độ. Vừa code live stream vừa phải giải thích cách làm, vừa phải tính toán độ phức tạp của thuật toán. Mình chỉ hơi ức chế là thanh niên ấy cứ cãi với mình là độ phức tạp của việc insert 1 phần tử vào một mảng sắp xếp sẵn (sorted array) phải là O(n * n) chứ không phải là O(n log n). Tiếng Anh mình hơi kém không cãi lại được kết quả là tạch 😅

Cuối phần phỏng vấn bao giờ cũng là phần câu hỏi ngược, các công ty hỏi xem mình có muốn hỏi gì họ không. Phần này được nhiều người đồn thổi là có thể đảo ngược tình thế, thế nhưng mình thấy thực tế nó không đúng như vậy. Phần lớn các câu hỏi của mình chỉ được trả lời qua loa, một vài câu hỏi về kỹ thuật đang dùng còn không được trả lời (nguyên nhân là do thông tin nội bộ, chỉ chia sẻ với nhân viên). Có lẽ người ta đã cho mình tạch từ lâu nên lúc này chỉ trả lời cho có thôi.

Tạch, lại phỏng vấn

Phỏng vấn nhiều mà tạch cũng nhiều. Mình apply vào khoảng 26 công ty tổng cộng, trong đó có 15 công ty chấp nhận phỏng vấn. Về tỉ lệ thì đúng như agent nói với mình. Thế nhưng, mình phỏng vấn xong tạch liên tục, có công ty tạch ngay bước 面談, có công ty phỏng vấn xong kỹ thuật thì tạch.

Trượt phỏng vấn xong thì các công ty cũng đều có phản hồi. Có công ty thì chỉ nói chung chung là không hợp, có công ty có tâm hơn thì nhận xét chi tiết hơn chút.

Nguyên nhân thất bại nhiều nhất là do tiếng Nhật không đủ (không đủ thật, vì nhiều câu hỏi dù mình biết rất rõ nhưng không thể nói bằng tiếng Nhật được), nhiều công ty còn nói rõ hơn là thỉnh thoảng còn hiểu sai câu hỏi, trả lời không đúng ý đồ, mặc dù nghĩ đi nghĩ lại thì mình vẫn chưa biết mình sai ở đâu.

Một nguyên nhân thất bại nữa là do kỹ thuật. Có công ty đã từng thuê gia công phần mềm, họ biết nghề BrSE và nghi ngờ năng lực của mình (vì cho rằng BrSE làm phiên dịch là chính). Bực nhất là nghi ngờ như thế mà lúc phỏng vấn không nói luôn đi, mình sẽ đáp lại là mang kỹ sư giỏi nhất của chúng mày ra đây code thi với tao 🤔

Có một vài công ty thì bi hài hơn chút. Đó là họ không hề có kỹ sư, vừa vào phỏng vấn đã nói luôn là công ty không có bộ phận phát triển, thuê gia công hết. Có công ty còn khoe luôn là thuê gia công ở Hà Nội. Thế mà đăng tuyển kỹ sư như thật.

Phỏng vấn nhiều mà tạch cũng nhiều, lúc đầu mình rất shock, vì chưa bao giờ gặp tình huống như vậy. Lần trước phỏng vấn từ Việt Nam sang Nhật cũng bị dìm hàng nhiều, nhưng chỉ cần phỏng vấn 3 công ty là mình đã có thể chốt được rồi. Đằng này, mình còn không có cơ hội chốt, vì tạch hết. Mà mình để ý, ông nào phỏng vấn mà cứ ngồi gật gù, kiểu rất chăm chú nghe và đồng tình thì kết quả lại là tạch.

Nhiều lúc thấy chán, chẳng lẽ mình tự đánh giá mình cao quá, mức lương mình đòi quá cao (theo tư vấn của agent thì nhảy việc tăng lương 10-15% là bình thường, cao hơn thì rất khó trong khi mình đòi tăng hẳn 30%). Thế nhưng, may mắn trong lúc khó khăn mình nhận được sự động viên của gia đình và bạn bè. Và dần dần mình cũng tự biết an ủi mình rằng, mấy công ty đó muốn tuyển người Nhật, mấy công ty đó không đủ tiền trả, v.v… Tất nhiên là thông tin tự an ủi thôi không có kiểm chứng. Và quan trọng hơn nữa, là mình nhất định phải tìm được công ty khớp với mình, chưa tìm được thì tìm đến bao giờ được thì thôi. Bởi vì những nguyên nhân khiến mình muốn nghỉ việc ở công ty cũ, rất có thể lại xuất hiện ở công ty mới, nếu mình quá vội.

Nhưng nhờ tự an ủi đó + động viên của mọi người, mà mình có động lực tiếp tục phỏng vấn. Tạch công ty này thì phỏng vấn công ty khác. Thậm chí hôm nay vừa sắp lịch phỏng vấn với công ty này thì nhận tin tạch công ty kia, nhưng không sao cả. Được cái mình làm việc kiểu single thread, có cái bất lợi nhưng lúc này lại là điểm cộng. Trong lúc phỏng vấn thì mình chỉ có thể tập trung phỏng vấn được thôi, không có khả năng nghĩ đến những chuyện khác, nên về cơ bản chuyện tạch công ty này công ty kia không ảnh hưởng gì cả.

Nhận 内定

Phỏng vấn nhiều, 15 công ty qua Agent và 1 công ty tự ứng tuyển, thế nhưng kết quả là tạch gần hết, cuối cùng chỉ còn lại 2 công ty. Trong đó 1 công ty đưa offer (内定) trước (chính là công ty hiện tại) và 1 công ty ở trạng thái chờ trả lời.

Thực ra công ty hiện tại của mình quá trình phỏng vấn diễn ra rất nhanh, phỏng vấn vòng 1 thì 1 tuần sau phỏng vấn vòng 2 (live stream test) và thêm 1 tuần nữa thì có offer. Tuy nhiên từ lúc ứng tuyển đến lúc phỏng vấn vòng 1 thì hơi lâu (gần 3 tuần).

Trước khi đến bước này thì thực ra còn 1 bước nhỏ nữa là reference check. Mình cần nhờ hai người đã từng làm chung trong vòng 5 năm để họ hỏi thăm tình hình làm việc trước đây. Mình có nhờ hai sư huynh đã từng làm cùng mình ở công ty cũ Nhật (hồi còn Việt Nam), may là có người nhờ được. Mình thấy hơi lại ở chỗ này, chẳng lẽ các công ty Nhật thì như thế là bình thường. Chứ mình nghĩ khi mình muốn nghỉ việc mà lại hỏi người ở công ty đang làm (nhất là mấy sếp) thì khó mà họ sẽ nói tốt cho mình.

Bước này thì đơn giản thôi, may mình có người nhờ vả được. Xong xuôi hết thì đến bước 内定, họ hẹn một buổi nói chuyện (gọi là 最終面談) để nói chuyện thêm (không quên ghi chú rõ ràng là nhất định sẽ có offer, chỉ là nói chuyện thêm thôi).

Buổi nói chuyện đó có hai phần: phần đầu là nói chuyện với các kỹ sư hiện tại của họ, mục đích là để mình hỏi thêm tình hình công việc, môi trường các thứ. Vì đều là kỹ sư nên thông tin sẽ tin cậy hơn, và nhờ đó mình sẽ chấp nhận offer. Hôm đó mình nhớ có gặp kỹ sư trưởng, trưởng nhóm và 3 kỹ sư khác (1 người Hàn, 2 người châu Âu, sau này mình biết là 1 người Pháp và 1 người Hy Lạp).

Phần thứ hai là nói về offer, các khoản thu nhập, chế độ đãi ngộ, giờ giấc làm việc, một số quy định cơ bản. Họ dành hẳn một khoảng thời gian để giải thích từng phần, và nếu cần thì mình có thể hỏi thêm. Cuối cùng là một thời gian ngắn gặp trưởng bộ phận (部長) nơi mình sắp làm việc để nói qua về định hướng. Sếp có khen mình code giỏi nhưng vẽ kiến trúc hệ thống thì kém 🤣

Cuối cùng thì họ gửi toàn bộ các file cho mình qua agent, và hẹn trả lời trong vòng 1 tuần (công ty này làm gì cũng trong vòng 1 tuần, chỉ có chấp nhận phỏng vấn thì lâu). Chờ đợi công ty còn lại mãi không có tin tức gì, một là offer này quá tốt, hai là công ty kia quá chần chừ chứng tỏ không cần mình lắm, nên cuối cùng mình đã chấp nhận offer này.

Kết quả

Sau một thời gian miệt mài (từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3) phỏng vấn, tạch cũng nhiều thì tổng hợp lại thì mình đã ứng tuyển 27 công ty, 16 công ty chấp nhận phỏng vấn, tạch 14 công ty khác nhau, nhận 1 offer và 1 công ty đang suy nghĩ. Và mình đã chấp nhận offer đó.

Một điểm mình không ngờ, đó là lần đầu tiên mình nhận được offer còn cao hơn cả mức mong muốn. Trước giờ mình cứ nghĩ rằng, khi mình nói ra mức mong muốn thì thường sẽ bị mặc cả để giảm đi với nhiều cách dìm hàng khác nhau (mà mình đã trải nghiệm 1 lần). Tuy nhiên, với công ty này thì mình đã quyết tâm là sẽ không giảm giá, nguyên nhân là do mình đã trải qua 1 bài test online, 1 bài test trực tiếp của họ và những bài test này rất khủng (khủng nhất là full tiếng Nhật, riêng đọc đề đã lòi mắt).

Thế nhưng cuối cùng thì họ đã offer cao hơn hẳn mức mong muốn của mình, gấp rưỡi mức offer của công ty cũ luôn. Hai offer này có khác nhau đôi chút về khoản trợ cấp làm ngoài giờ cố định (固定残業手当) nên thực tế thì tỉ lệ có sai lệch đôi chút.

Một điểm hay nữa, là dù họ offer mình sẽ vào công ty ngày 1/6, tuy nhiên mình mong muốn sẽ gia nhập sớm hơn 1 tháng (1/5). Mình không biết agent và họ trao đổi với nhau thế nào, nhưng họ rất nhanh chóng chấp nhận ngày 1/5.

Quá trình nghỉ việc ở công ty cũ và gia nhập công ty mới về cơ bản không có khó khăn gì. Chỉ duy nhất 1 việc, liên quan đến tư cách lưu trú của mình, liệu có phải đăng ký lại hay không, hay chỉ cần báo thay đổi là được. Người nước ngoài chỉ được làm việc theo tư cách lưu trú nên hơi phức tạp chút. Mình có hỏi nhân sự công ty mới nhưng có vẻ họ không biết nhiều về vấn đề này (hơi lại khi mà họ có nhiều người nước ngoài đang làm việc). Thế nhưng cuối cùng thì chỉ cần update thông tin online là được.

Một số câu hỏi thường gặp

Câu hỏi chung

  • Tự giới thiệu bản thân
  • Động lực nghỉ việc và tìm việc mới
  • Công việc mong muốn
  • Môi trường làm việc mong muốn
  • Career path
  • Bạn mong muốn gì từ công ty
  • Bạn đóng góp được gì cho công ty
  • Điểm mạnh, điểm yếu bản thân
  • Cảm tưởng khi xem trang web giới thiệu dịch vụ
  • 3 từ để mô tả bạn
  • Đồng nghiệp, cấp trên đánh giá thế nào về bạn

Câu hỏi kỹ thuật

  • Kỹ thuật tự tin nhất
  • Điểm mạnh, điểm yếu của các ngôn ngữ, framework đã từng làm qua
  • Kiến thức về lập trình hướng đối tượng
  • Kiến thức về database, RDS, NoSQL
  • Lập trình multi-thread, multi-process
  • Quan điểm review code
  • Quan điểm thiết kế class, thiết kế chương trình, phân chia module
  • Vấn đề khó nhất đã từng gặp và cách giải quyết
  • Cách thiết kế database
  • Cách tuning performance, cách tìm ra chỗ tắc cổ chai
  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.

Welcome

manhhomienbienthuy

Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Chuyên mục

Lưu trữ theo năm

Thông tin liên hệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.