Vấn đề về quyền riêng tư trên Internet

Vấn đề về quyền riêng tư trên Internet
Illustration by Gerd Altmann from Pixabay

Đã bao giờ bạn quan tâm đến quyền riêng tư, cách mà các dịch vụ trực tuyến sẽ bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư của bạn. Quyền riêng tư là quyền cơ bản của mỗi người, đã đến lúc chúng ta cần quan tâm hơn tới những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quyền riêng tư

Quyền riêng tư là một vấn đề rất lớn hiện nay. Quyền riêng tư có thể hiểu là chúng hoàn toàn kiểm soát việc tiết lộ những dữ liệu thuộc về cá nhân chúng ta. Chúng ta có quyền giữ thông tin cá nhân cho riêng mình, người khác chỉ được sử dụng những thông tin đó khi được đồng ý, và cũng chỉ được sử dụng trong phạm vi mà chúng ta đã đồng ý.

Pháp luật cũng đã có một số quy định rất rõ ràng về “bí mật đời tư”, như Hiến pháp năm 2013 có những quy định như sau:

Điều 21

  1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
  2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Những quy định trên vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ, đặc biệt là trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay. Thế nào là “bí mật đời tư”, phạm vi của nó đến đâu, đây cũng là một vấn đề chưa thực sự rõ ràng.

Ý kiến cá nhân của tôi, “bí mật đời tư” là những chuyện cá nhân, thuộc về một người nào đó mà người đó không muốn cho người khác biết. Họ có quyền nói những điều đó cho những người mà họ muốn cho, vào thời điểm mà họ thích. Những chuyện “bí mật” này không nhất định là những chuyện kín đáo, nó có thể là bất cứ chuyện gì, chỉ đơn giản là không muốn cho người khác biết mà thôi. Đó chính là những cơ sở của “quyền riêng tư”.

Thế nhưng những công hệ hiện đại xuất hiện cùng với Internet đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư của mỗi người. Việc truy cập Internet gần như là chuyện chúng ta làm hằng ngày, hằng giờ. Tuy nhiên, việc giữ được tính riêng tư trên Internet thì không hề dễ dàng. Nhiều người trên thế giới chọn phương án dễ cho chính mình là không nghĩ về nó nữa.

Không nghe, không hay, không biết, sống đơn giản cho đời thanh thản. Ý kiến cá nhân của tôi thì như vậy cũng không hẳn là tốt, quyền và lợi ích của bản thân, không thể phó mặc cho dòng đời như vậy được. Mình không tự bảo vệ chính mình thì hy vọng gì sẽ có người khác làm như vậy.

Cuộc đời cũng thật phũ phàng, dù có muốn bảo vệ chính bản thân mình, nhưng mọi chuyện cũng không đơn giản. Thợt trớ trêu rằng, trong cuộc sống hiện đại này, mỗi khi chúng ta dùng một dịch vụ gì “miễn phí”, thì nó cũng không hoàn toàn miễn phí. Bất cứ thứ gì chúng ta không phải trả tiền để sử dụng, khả năng cao chúng ta không phải là “khách hàng”, mà đã bị biến thành “món hàng”, một món hàng rất có giá trị.

Tất nhiên, bản thân con người chúng ta bằng xương bằng thịt không phải là một thứ tài sản có thể mang lại tiền bạc cho người khác. Ở đây, chính những thông tin liên quan đến chúng ta mới là thứ có giá trị.

Trong kỷ nguyên số, thông tin cá nhân trở thành mục tiêu thu thập, lưu trữ, phân tích và khai thác sử dụng của nhiều bên cho nhiều mục đích khác nhau.

Thông tin cá nhân – tài sản vô giá

Thông tin cá nhân của người dùng là kho báu trong thời đại ngày nay. Nó có thể được sử dụng để phân tích, điều chỉnh chiến lược nhằm tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.

Thử tưởng tượng mà xem, là một người bán hàng, nếu bạn biết thói quen mua sắm cũng như sở thích của khách hàng thì có lôi kéo các khách hàng tiềm năng, chào bán sản phẩm tương ứng với từng khách hàng và doanh thu sẽ tăng đáng kể. Bởi vì, sản phầm được chào bán đúng với thị hiếu thì khả năng bán được hàng là rất cao.

Tương tự như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể dựa trên thông tin cá nhân để tiếp thị những dịch vụ phù hợp. Các ngân hàng có thể kích thích khách hàng chi tiêu nhiều hơn nếu biết sở thích của người dùng.

Có thể nói thông tin cá nhân, theo nhiều cách khác nhau, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho người biết khai thác nó. Vì vậy, thu thập và sử dụng thông tin cá nhân ngày càng phức tạp, tinh vi với nhiều hình thức, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Thậm chí, thông tin cá nhân còn trở thành món hàng được đem trao đổi, mua bán tràn lan.

Việc sử dụng Internet mở ra cơ hội cho mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn, thế giới phẳng hơn. Thế nhưng để có những tiện ích đó, người dùng buộc phải hy sinh tính riêng tư của mình. Để sử dụng dịch vụ, chúng ta phải chia sẻ thông tin cá nhân của mình.

Các nhà cung cấp dịch vụ luôn yêu cầu chúng ta phải cung cấp thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, email, thậm chí cả số điện thoại, căn cước nhằm xác định danh tính, phân biệt người dùng này với người dùng khác. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin như vậy rất nguy hiểm, bởi không thể đảm bảo những dữ liệu này sẽ không bị rò rỉ, bị kẻ xấu lợi dụng và khai thác.

Ngoài ra, việc phát triển Internet còn kéo theo nhiều mô hình kinh doanh mới, nhiều công nghệ, kỹ thuật mới. Các phương thức giám sát, thu thập thông tin mới cũng xuất hiện, đe doạ quyền riêng tư của mỗi người.

Big data – nguy cơ tiềm ẩn

Big data – một thuật ngữ được định nghĩa và phổ cập từ những năm 90 của thế kỷ trước bởi nhà khoa học máy tính John Mashey – đem lại lợi ích trong rất nhiều lĩnh vực, từ khoa học đến thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà nạn ăn cắp, lạm dung dữ liệu cá nhân cũng trở nên nặng nề hơn.

Big data được hiểu là một thế hệ công nghệ và kiến trúc mới, được thiết kế nhằm trích xuất lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên dữ liệu rất lớn, bằng cách thu thập, phân tích và khai thác. Dữ liệu trong big data vô cùng lớn và phức tạp, do đó yêu cầu các phương thức lưu trữ và phân tích chuyên biệt mới có hiệu quả.

Big data được xem như mỏ vàng, tất nhiên là đối với ai có khả năng khai thác nó, như đã nói ở phần trước. Với giá trị quá lớn mà nó mang lại, hầu như không một ai bỏ qua cơ hội thu thập, lưu trữ và xử lý những thông tin này. Mỗi người chúng ta, khi trở thành một phần trong mạng Internet, tức là chúng ta đã cung cấp những thông tin cá nhân của mình cho các đối tượng thu thập dữ liệu, không theo cách này thì cách khác.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà big data đem tới cho cuộc sống, cho phép con người hiểu biết nhiều hơn về thế giới và sáng tạo ra rất nhiều công cụ, dịch vụ tốt hơn để phục vụ con người. Thế nhưng việc khai thác dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ người dùng Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với quyền riêng tư của mỗi người.

Ví dụ Amazon hay Google có thể hiểu được thói quen, sở thích, cũng như hành vi mua sắm của người dùng. Các dịch vụ mạng xã hội như Facebook lưu trữ toàn bộ các thông tin về cuộc sống của chúng ta, cũng như các mối quan hệ mà chúng ta có. Với công nghệ xử lý lượng dữ liệu cực lớn, việc thu thập, lưu trữ và sử dụng các thông tin cá nhân của người dùng có thể đem lại những lợi ích kinh tế rất lớn cho các công ty công nghệ đó.

Thế nhưng, cùng với đó, quyền riêng tư của người dùng cũng đang bị xâm phạm, nhiều lúc là trắng trợn. Song song với việc tận thu dữ liệu bằng đủ các phương thức khác nhau, thì việc lưu trữ và xử lý chúng cũng quan trọng không kém. Lượng dữ liệu quá lớn khiến cho những công ty công nghệ hàng đầu thế giới cũng chưa thể khai thác hết được. Vì vậy, việc bắt tay, chia sẻ và hợp tác với các công ty chuyên về phân tích dữ liệu cũng là một điều hiển nhiên. Có trời mới biết được, dữ liệu cá nhân của chúng ta được thu thập bởi Google hay Facebook, hay bất cứ ai khác, đang được xử lý bởi Google, Facebook hay đối tác X, Y, Z của họ. Vụ scandal của Facebook và Cambridge Analytica cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Một nguy cơ nữa mà big data mang lại cho người dùng là việc lưu trữ những dữ liệu cá nhân. Big data yêu cầu phải lưu trữ và xử lý một lượng cực lớn dữ liệu, điều đó yêu cầu một phương thức lưu trữ mới, khi mà các phương thức truyền thống không còn phù hợp nữa. Cloud computing là một lựa chọn tốt trong trường hợp này, và thực sự nó đang được nhiều công ty dữ liệu lựa chọn.

Các công nghệ được sử dụng trong cloud computing cho phép lưu trữ, và thực hiện các tính toán mới khối lượng rất lớn mà chi phí rất hợp lý. Thế nhưng, việc lưu trữ và xử lý dữ liệu trên “mây” như vậy đồng nghĩa với việc rất nhiều dữ liệu nhạy cảm của người dùng đang được “gửi” ở một bên thứ ba, rất nguy hiểm. Lúc này, quyền riêng tư của mỗi người phụ thuộc vào năng lực cũng như trách nhiệm mà mỗi công ty có được, khi xây dựng các lớp bảo mật cho dữ liệu của họ. Các công ty này bảo mật rất nhiều, nhưng vẫn chưa đủ, và nhiều khi, đó cũng không phải là ưu tiên hàng đầu của họ. (Khai thác dữ liệu là quan trọng nhất, bảo mật cứ từ từ sau khi làm xong vài việc khác.)

Vì vậy, việc bảo mật dữ liệu cá nhân đã, đang và sẽ là những thách thức rất lớn với mỗi cá nhân khi tham gia và Internet.

Bảo vệ thông tin cá nhân

Khi bạn cung cấp thông tin cá nhân, có thể nhà cung cấp dịch vụ đó không kinh doanh trên thông tin cá nhân của bạn (vì họ kinh doanh dịch vụ là chính), nhưng thông tin của chúng ta phụ thuộc hết vào năng lực bảo mật của họ.

“Đạo cao một thước, ma cao một trượng”, dù có được bảo mật kỹ thế nào, thì vẫn luôn có những cracker tìm cách thâm nhập hệ thống và lấy đi thông tin cá nhân của người dùng.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ thâm nhập, đánh cắp thông tin người dùng. Trong lịch sử đã từng ghi nhận trường hợp thông tin của 3 tỷ người dùng Yahoo bị đánh cắp trong sự cố năm 2013. Hay gần đây, hồi đầu năm, thông tin của 1 tỷ người dùng Aadhaar cũng đã bị đánh cắp.

Những sự cố như vậy rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng. Điều đó cũng phản ánh thực tế rằng, thông tin cá nhân của chúng ta rất khó có thể an toàn trên thế giới mạng.

Việc các công ty bị xâm nhập, đánh cắp thông tin xảy ra thường xuyên trên thế giới. Nếu theo dõi những tin tức này thường xuyên, bạn sẽ thấy, việc rò rỉ thông tin hàng triệu người dùng diễn ra gần như hằng ngày. Các vụ tấn công đình đảm kể trên là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện đó.

Ngoài ra, chúng ta còn phải sống chung mới tin nhắn rác, email rác và hàng loạt các cuộc gọi mời chào mua bán, chứng tỏ thông tin cá nhân của chúng ta đang bị trao đổi, mua bán. Bất cứ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân cùa việc khai thác thông tin cá nhân, thậm chí có thể thiệt hại lớn vì điều đó.

Đó còn là chưa kể đến những tổ chức chuyên theo dõi, thu thập, xử lý thông tin cá nhân. Ví dụ cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (National Security Agency – NSA) có hẳn một chương trình nhắm giám sát người dùng Internet Như vậy, bất kỳ ai trong chúng ta cũng khó thoát khỏi sự rình rập kiểm soát của nhiều phía, đặc biệt là khi họ có trong tay quyền lực cùng với nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Một rủi ro khác có thể xảy ra, đó là mất điện thoại, hay các thiết bị cá nhân khác. Hiện nay, smartphone đã trở thành vật dụng quan trọng với nhiều người, trên đó lưu trữ gần như tất cả mọi thứ. Một khi rơi vào tay kẻ xấu, rất có thể (nhiều) bí mật của bạn sẽ không còn là bí mật nữa.

Bảo mật thông tin thế nào đây? Bảo mật đến mức nào là đủ? Đó là những thắc mắc rất khó trả lời, nhất là khi truy cập Internet, người dùng gặp phải thiên la địa võng đủ các thủ đoạn để thu thập thông tin.

Nhưng có một điều chắc chắn: một khi bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và tìm mọi cách để bảo vệ nó, thì thiệt hại sẽ được giảm đi đáng kể. Nhưng sự cố, nếu xảy ra, cũng chỉ ảnh hưởng ở mức độ nhỏ mà thôi.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.

Welcome

manhhomienbienthuy

Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Chuyên mục

Lưu trữ theo năm

Thông tin liên hệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.