Facebook đang theo dõi tất cả chúng ta

Facebook đang theo dõi tất cả chúng ta
Photo by Thought Catalog from Unsplash

Facebook vừa có một scandal về thông tin cá nhân với Cambridge Analytica. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều quen thuộc với Facebook: chúng ta đăng ký, chúng ta post, chúng ta up ảnh, chúng ta sống một cuộc sống ảo trên đó. Và facebook cung cấp dịch vụ cho chúng ta một cách “miến phí”. Thực sự thì không có bữa ăn nào là miễn phí (There ain’t no such thing as a free lunch) và chúng ta có thể chưa hiểu hết được những gì Facebook đang làm.

Bạn đang sử dụng dịch vụ của Facebook, tất nhiên bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng cũng như chính sách riêng tư của họ. Tuy nhiên, ý kiến cá nhân của tôi là họ không nói cho chúng ta toàn bộ sự thật. Có nhiều cách để hạn chế bớt việc Facebook sử dụng dữ liệu của chúng ta, nhưng xét cho cùng, cách mang lại kết quả tốt nhất vẫn là xoá Facebook.

Tại sao Facebook lại thu thập dữ liệu cá nhân?

Đơn giản là họ cần phải sống. Họ cung cấp dịch vụ cho chúng ta mà không hề thu tiền, vậy họ lấy tiền đâu để duy trì dịch vụ. Đó là nhờ quảng cáo, trên trang web cũng như các ứng dụng trên smartphone của họ, họ chèn các quảng cáo vào đó. Tất nhiên, chèn quảng cáo vào sẽ được người muốn đăng quảng cáo đó trả tiền. Đây là con đường rất phổ biến mà nhiều dịch vụ miễn phí khác cũng đang làm.

Lúc trước thì họ chỉ chèn quảng cáo vào sidebar bên phải, gần đây thì họ chèn cả quảng cáo vào news feed. Để hấp dẫn các nhà quảng cáo hơn nữa, và cũng là để mở rộng làm ăn, họ thu thấp và xử lý dữ liệu của người dùng. Nhờ việc thu thập cùng với các công nghệ xử lý dữ liệu rất khủng, họ có thể biết được chúng ta cần gì, chúng ta muốn thông tin nào để hiển thị quảng cáo sao cho nó thật đúng lúc đúng chỗ. Nhờ đó mà sẽ có nhiều người muốn Facebook quảng cáo cho họ hơn, sản phẩm của họ sẽ được đưa đến đúng đối tượng hơn và tỉ lệ thành công sẽ tăng lên.

Ngoài ra thì dữ liệu thu thập được còn có thể được “bán” cho những đơn vị quảng cáo khác, những đơn vị mà tự họ không thể thu thập được dữ liệu nhiều như Facebook. Trong vụ Cambridge Analytica, Facebook tự bào chữa rằng họ cũng chỉ là nạn nhân, họ bị truy cập dữ liệu trái phép. Tôi thì chả tin như vậy, chả có truy cập trái phép nào lại có thể truy cập được nhiều dữ liệu như thế, và ngoài công ty bị phát hiện, còn bao nhiêu Cambridge Analytica ngoài kia nữa.

Facebook thu thập dữ liệu như thế nào?

Facebook đã dùng nhiều cách khác nhau, nói một cách thô thiển là dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu thập thông tin của chúng ta. Trong bài viết này chúng ta sẽ xem xét một vài phương pháp của họ. Thực sự thì thủ đoạn là vô biên, nên bài viết không đảm bảo là biết hết mọi phương pháp mà họ sử dụng. Có chăng, chỉ có nhân viên (cấp cao) của Facebook mới có thể hiểu hết những gì họ đang làm.

Tự người dùng cung cấp cho Facebook

Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng thực sự là chúng ta hằng ngày vẫn đang tự tay đưa cho Facebook những thông tin cá nhân của chính chúng ta. Khi sử dụng Facebook, như rất nhiều dịch vụ khác, họ cho chúng ta những “form” để điền thông tin tài khoản. Với người dùng chúng ta, thì đó là cách để hiển thị những thông tin về nhân thân cho người khác biết.

form

Nhưng thật chớ trêu, đó cũng là cách đơn giản nhất, cũng là cách dễ dàng nhất để thu thập thông tin cá nhân của người khác. Vì vậy là họ đưa ra rất nhiều form với đủ loại thông tin khác nhau, từ nơi sinh, nơi ở, nơi làm việc để sở thích, quan điểm chính trị, thành phần gia đình. Một nơi để sống ảo mà lại cần quá nhiều thông tin thật, có một thời gian, Facebook còn yêu cầu người dùng upload ảnh chụp chứng minh thư.

Với người dùng, càng nhiều thông tin hiển thị, chúng ta càng dễ thể hiện con người cá nhân, để cho những người không quen biết nhìn vào cũng hiểu được phần nào con người chúng ta. (Còn những người quen biết rồi họ hiểu sẵn rồi cần gì nhìn gì nữa.) Nhưng đây cũng là cách chúng ta đánh mất quyền riêng tư mà nhiều khi là trong vô thức.

Không chỉ có vậy, Facebook còn khéo léo đưa ra các câu hỏi đáp nhanh để chúng ta thể hiện tính cách cá nhân, cũng là cách để chúng ta đưa thông tin cá nhân cho họ.

question

Tôi phải khâm phục ai nghĩ ra được phương pháp này. Trả lời các câu hỏi giúp mọi người hiểu bạn hơn (và Facebook cũng hiểu bạn hơn).

Vậy là dùng những cách rất đơn giản mà hiệu quả, Facebook dễ dàng thu thập được kha khá thông tin cá nhân của chúng ta. Nhưng những gì họ thu thập không chỉ có vậy.

Facebook thu thập thông tin qua việc chúng ta sử dụng dịch vụ

Mọi hoạt động của chúng ta trên Facebook đều được lưu trữ, đương nhiên, không lưu trữ thì sao mà hiển thị được. Nhưng không chỉ đơn giản dùng để hiển thị, chúng cũng hoàn toàn được sử dụng để biết những mối quan tâm của chúng ta.

Facebook lưu trữ địa chỉ IP cũng như trình duyệt mà chúng ta dùng để truy cập ứng dụng của họ. Ngoài ra bất cứ hoạt động nào của chúng ta trên Facebook cũng đều được thu thập để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Bạn có để ý rằng, bạn chỉ like một trang bán quần áo online, ngay lập tức, những cửa hàng bán quần áo khác cũng xuất hiện nhan nhản hay không?

like page

Đó là bởi vì Facebook có khả năng xử lý dữ liệu rất chuẩn. Mỗi status, khi chúng ta like, love, angry một status của ai đó, chúng ta like trang nào, comment ở đâu, thậm chí chỉ cần chúng ta đọc một post nào đó thôi, tất cả những điều đó có thể nói nên tính cách của bạn, sở thích cá nhân của chúng ta, những thứ bạn quan tâm, v.v…

status

Nút like là một trong những công cụ rất hữu hiệu của Facebook, và giờ nó đã được nâng cấp lên thành Reaction. Vì vậy, mọi cảm xúc của bạn, không chỉ là thích hay không thích, mà còn yêu, ghét, những thứ phản ảnh con người bạn đều được ghi nhận hết.

reaction

Những gì được hiển thị chỉ là một phần rất nhỏ của những dữ liệu về chúng ta. Và những gì họ không hiển thị mới thật sự to lớn. Bạn nghĩ rằng, mấy cái máy tính thì hiểu được gì? Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, một cái máy tính có thể hiểu bạn còn hơn cả chính bạn nữa đó.

Facebook thu thập thông tin thông qua các ứng dụng trên smartphone

Ngày nay, việc sở hữu một chiếc smartphone không còn là việc quá xa lạ. Người giàu dùng flagship, người nghèo dùng máy bình dân, ai ai cũng có smartphone cho riêng mình. Chỉ riêng ở Việt Nam ta, theo báo cáo của Nielsen, smartphone đang tăng trường rất mạnh.

Không chỉ có vậy mà người dùng còn ngày càng dùng smartphone nhiều hơn. Ở Mỹ, trung bình một người dùng 5 tiếng smartphone mỗi ngày. Tiếc là Việt Nam không có số liệu này, nhưng tôi suy chính bản thân thôi và mọi người xung quanh cũng hiểu rằng, smartphone đang là phương tiện vui chơi giải trí chính thay cho máy tính từ rất lâu rồi.

Chính vì thế, smartphone (có thể cả tablet) là một nơi vô cùng lý tưởng để thu thập dữ liệu người dùng, bởi đơn giản là mọi hoạt động trên Internet của mọi người giờ đây đều thông qua chiếc smartphone cả. Và Facebook cũng không hề bỏ qua một cơ hội tốt như thế này.

Hãy nhìn permissions cho ứng dụng của Facebook trên Android bạn sẽ thấy, một ứng dụng mạng xã hội mà lại yêu cầu quá nhiều thứ từ người dùng.

facebook permissions

Ứng dụng Messenger của họ thậm chí còn cần nhiều quyền hơn nữa

messenger permissions

Vậy là hai ứng dụng chính của họ đã yêu cầu truy cập hầu như toàn bộ chiếc điện thoại của chúng ta không chừa một thứ gì. Và nhờ đó, nếu muốn theo dõi người dùng, thì nó có thể thu thập toàn bộ những gì nó muốn. Chúng ta đi đâu, chúng ta thường ở đâu ban ngày, ở đâu buổi tối, thích uống cà phê ở đâu, đi siêu thị nào, mua sắm ở trung tâm thương mại nào, hay những thông tin “mật” hơn như bạn liên lạc với ai, nói chuyện gì, v.v…, tất tần tật, Facebook đều có permission để truy cập hết.

Tôi nghĩ mãi cũng không thể hiểu được một mạng xã hội lại cần nhiều thứ như thế để làm gì. Giúp cuộc sống của chúng ta tốt hơn chăng, đơn giản hoá mọi thứ bằng cách tích hợp hết chức năng của điện thoại vào ứng dụng của họ. Có thể điều này rất tiện lợi, nhưng tôi thì không thích mình bị phụ thuộc vào một đơn vị quá nhiều thứ như vậy. Facebook là một mạng xã hội, và tôi chỉ cần nó đúng như thế thôi.

Gần đây, Facebook bị phát hiện thu thập thông tin cuộc gọi và SMS của người dùng. Họ cho rằng, người dùng đã đồng ý cấp quyền cho họ thì họ được làm thế. Rõ là vớ vẩn, tôi cho anh vào nhà tôi, không có nghĩa là cho anh đi tìm hiểu tất cả mọi xó xỉnh trong nhà. Tìm hiểu rồi thì thôi, lại còn lưu lại để nghiên cứu dần thì làm sao mà chịu được. Anh nghiên cứu mình anh thì thôi, anh lại còn đi khoe với người khác về nhà thôi thì trời không dung đất không tha.

Không chỉ có thế, Facebook còn âm thầm lưu trữ video người dùng đã quay bằng ứng dụng nhưng không post, họ bảo đó là bug nhưng một công ty lớn như Facebook mà có thể để cho một bug chẳng có gì là khó phát hiện tồn tại lâu như vậy được sao?

Facebook thu thập thông tin qua các bên thứ ba

Với việc có hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, không lạ lẫm gì khi mà giờ đây mọi thứ đều được chia sẻ lên Facebook. Để tiện lợi hơn cho các website, Facebook cung cấp các plugin để có thể dễ dàng nhúng vào các trang web bên thứ ba.

Giờ đây, vào bất cứ trang nào, chúng ta dễ dàng bắt gặp những nút như thế này.

share

Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến những nút like và share dùng code nhúng mà Facebook cung cấp. Một số trang mà nhà phát triển rất có tâm nên chỉ thêm vào link để share thì không liên quan gì.

Ngoài ra, gần đây, Facebook còn mở rộng phạm vi hoạt động của mình với tính năng comment nhúng vào trang nữa. Với những trang web mà cần bình luận, nhưng lại không có thời gian để phát triển tính năng này thì nhúng khung bình luận của bên thứ ba như Facebook có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian. Hơn nữa, comment bằng plugin của Facebook không cần người dùng phải đăng ký (vì hầu như ai cũng có tài khoản Facebook rồi), nên thu hút bình luận hơn rất nhiều.

share

Để có những nút like và share trông “rất Facebook” cũng như khung bình luận ở trên, các trang web phải nhúng vào trang của mình đoạn code được Facebook chuẩn bị sẵn (rất tiện phải không).

<div id="fb-root"></div>
<script>(function(d, s, id) {
  var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0];
  if (d.getElementById(id)) return;
  js = d.createElement(s); js.id = id;
  js.src = 'https://connect.facebook.net/vi_VN/sdk.js#xfbml=1&version=v3.0';
  fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs);
}(document, 'script', 'facebook-jssdk'));</script>
...

Mục đích của đoạn code trên là gắn thêm một thẻ script để trang web tải về SDK của Facebook. SDK này dùng chung cho mọi plugin mà Facebook cung cấp. Mặc dù rất tiện lợi, nhưng việc này cũng là một cách “tiếp tay” cho Facebook thu thập thông tin của chúng ta.

SDK của Facebook ngoài việc giúp hiển thị các button theo đúng phong cách của Facebook, nó còn giúp đặt cookie của Facebook lên trang này (mục đích chính là để định danh người dùng), đồng thời gửi những thông tin của người dùng về cho Facebook. Thông tin ở đây bảo là thông tin cá nhân thì không đúng, nó đơn giản là những thông tin về trang web mà chúng ta vừa truy cập mà thôi. (Một phần nào đó thì những thông tin như vậy cũng rất “cá nhân”, vì tôi đọc trang gì là việc cá nhân của tôi, tôi không dùng Facebook để truy cập những trang đó mà Facebook vẫn biết thì cũng hơi chấm chấm chấm.)

impression

Từ thông tin này thì có thể biết được phần nào những mối quan tâm của chúng ta khi lướt web. Chúng ta thường đọc trang nào, chúng ta quan tâm nội dung gì, tất cả mọi thứ sẽ được Facebook thu thập và xử lý. Chả thế mà mỗi lần tôi đọc nhiều các blog về công nghệ một cái, là thấy Facebook quảng cáo mấy khoá học giảm giá của Udemy ngay.

Facebook đã sử dụng phương thức này để thu thập dữ liệu trong nhiều năm (có lẽ là ngay sau khi tính năng được ra mắt năm 2010). Vào năm 2014, nó được nói rằng sẽ sớm được sử dụng để định hướng quảng cáo. Một blog của Facebook sau đó chính thức tuyên bố việc đó. Họ cũng nói rằng, người dùng có quyền opt-out việc quảng cáo dựa theo những dữ liệu đã thu thập được.

Tuy nhiên, điều đó là không đủ, vì việc thu thập dữ liệu vẫn không dừng lại. (Lựa chọn không dùng dữ liệu thu thập được để quảng cáo không có nghĩa là họ sẽ không thu thập nữa). Thực sự đây là một vấn đề khá lớn. Nhiều người thậm chí còn không nhận ra rằng, mỗi khi truy cập một trang có nút like Facebook sẽ ngay lập tức có được thông tin về hành động đó của bạn.

Không chỉ có Like và Comment, với sự phổ biến của mình, Facebook còn rất nhiều công cụ khác có thể thu thập được thông tin.

Login bằng Facebook là một tiện ích cho phép người dùng đăng nhập vào những ứng dụng bên thứ ba bằng chính tài khoản Facebook. Đây là một tiện ích rất được ưa chuộng, vì người dùng không cần phải đăng ký tài khoản trên các dịch vụ khác nhau.

Thế nhưng nhờ nó mà hoạt động của chúng ta trên dịch vụ kia cũng sẽ bị thu thập, đồng thời, tiện ích này có thể làm lộ thông tin Facebook thu thập được với bên thứ ba. Nên nhớ rằng, trong vụ Cambridge Analytica, đây chính là công cụ mà giảng viên Kogan khai thác đã khai thác.

Một công cụ khác là Facebook Analytics cho phép chủ sở hữu website biết được người dùng tương tác trên trang web của họ như thế nào. Công cụ này tương tự Google Analytics, đều là công cụ theo dõi người dùng cả. Nó có thể cho chủ website biết sự tương tác của người dùng trên trang của họ thì đương nhiên, những thông tin đó Facebook hoàn toàn nắm được.

Ngoài ra, Facebook còn rất nhiều công cụ khác nhau đề có thể thu thập thông tin người dùng. Thật sự thì với thiên la địa võng như vậy, rất khó để thoát khỏi sự theo dõi của Facebook.

Facebook thu thập thông tin qua WhatsApp và Instagram

WhatsAppInstagram là hai ứng dụng đã bị Facebook mua lại, nên không có gì khó hiểu nếu Facebook có thể truy cập nhiều thứ trong cơ sở dữ liệu của hai ứng dụng này, đặc biệt khi lượng người dùng của hai ứng dụng này không hề nhỏ.

Với WhatsApp, chúng ta không cần quá lo lắng về những tin nhắn chúng ta chat qua lại, vì chúng được mã hoá end-to-end, tức là ngay cả WhatsApp cũng không đọc được.

Tuy nhiên, các thông tin bạn dùng để đăng ký ứng dụng (như số điện thoại, tên, tuổi, v.v…) cũng như những người mà bạn thường xuyên liên lạc thì chắc chắn Facebook sẽ truy cập được. Tất nhiên là họ sẽ dùng những thông tin này, cùng với những thông tin mà chính Facebook thu thập được để hiểu bạn hơn. Càng nhiều thông tin, thì sự hiểu biết về bạn càng chính xác.

Instagram cũng là một mạng xã hội, nó là một trong số 10 mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Nên nó chính là một nguồn dữ liệu khổng lồ không thua kém gì Facebook cả. Tuy nhiên, đặc trưng của Instagram là một mạng xã hội hình ảnh, nên việc thu thập có hơi đặc thù một chút.

Tuy nhiên, công nghệ phát triển không ngừng, năng lực xử lý ảnh giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi

image process

Như các bạn đã thấy, Facebook đã có thể xử lý ảnh và đưa ra được nội dung của bức ảnh đó. Nội dung này nghe thì có vẻ vẫn đơn giản, nhưng hãy nhớ rằng, đó là chỉ là những thông tin được công bố, còn những thứ chưa được công bố thì không ai biết nó khủng cỡ nào.

Gần đây, Facebook được cho là sử dụng ảnh Instagram. Tôi thì không bất ngờ gì, có chăng chỉ là sự công bố một việc họ đã làm từ lâu mà thôi.

Facebook thu thập thông tin ngay cả những người không có tài khoản

Trong một bài viết, David Baser, giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook đã thừa nhận rằng, Facebook đang theo dõi người dùng, cả người có tài khoản và không có tài khoản Facebook.

When you visit a site or app that uses our services, we receive information even if you’re logged out or don’t have a Facebook account.

Whether it’s information from apps and websites, or information you share with other people on Facebook, we want to put you in control – and be transparent about what information Facebook has and how it is used.

Cách làm cụ thể của Facebook thì tôi không rõ, nhưng có lờ mờ hiểu được. Họ sẽ tạo một tài khoản “ảo” cho những người chưa đăng ký. Vài cùng với cách thu thập dữ liệu qua bên thứ ba như ở trên, những dữ liệu thu thập được sẽ được gán cho tài khoản ảo kia.

Việc thu thập qua bên thứ ba là bắt buộc vì với người không dùng Facebook thì không có cách nào để thu thập thông tin trực tiếp cả. Họ có thể xác định được cần phải gán vào tài khoản ảo nào (độ chính xác không đạt 100% nhưng cũng khá cao), do chúng ta sử dụng cùng một trình duyệt, trên cùng một máy tính để truy cập các trang web.

Ngoài ra, khi bạn bè chúng ta vẫn còn sử dụng Facebook, thì họ cũng có thể thu thập thông tin một cách gián tiếp được. Mỗi bức ảnh đăng lên, họ có thể xử lý để biết được có những ai trong bức ảnh, kể cả khi người đó không có tài khoản.

Khi có nhiều ảnh được đăng lên, thì dù người không có tài khoản, Facebook vẫn có thể biết được người đó đi chơi với những hội nào, thường đến địa điểm nào, thích tham gia hoạt động gì, v.v…

Tất nhiên, khi chúng ta không có tài khoản thì việc theo dõi sẽ bị hạn chế hơn do phải đi đường vòng. Nhưng thực sự Facebook cũng rất giỏi khi không bỏ sót bất cứ đối tượng nào.

Bị Facebook theo dõi thì có vấn đề gì?

Mức độ theo dõi người dùng của Facebook thì cực kỳ lớn như vậy, nhưng bạn bè tôi rất nhiều người vẫn rất thờ ơ. Tâm lý chung của họ là dữ liệu của mình có gì đâu mà sợ bị thu thập. Kể ra thì việc quan tâm đến quyền riêng tư như vậy thì hơi thấp.

Kể cả khi chúng ta chẳng làm gì sai, không vi phạm pháp luật, hoàn toàn phù hợp thuần phong mỹ tục thì không có nghĩa rằng chúng ta có thể bị theo dõi. Thử hỏi, giả sử bây giờ có người theo bạn 24/24, ghi chép lại hết tất cả những gì bạn làm lại, thì cuộc sống như vậy có thể sống được không? Hay vì kẻ theo dõi ở đây không phải là người thì có thể chấp nhận được?

Thế giới giờ đây càng ngày càng giống với thế giới trong 1984, khi việc theo dõi diễn ra thường xuyên và công khai. Chưa kể những thứ được ghi chép lại đó không phải chỉ để cho vui, mà còn được dùng vào đủ thứ trên đời.

Một tác dụng dễ thấy nhất là Facebook đưa ra các quảng cáo chính xác hơn, phù hợp với những gì chúng ta cần hơn. Đây là một điều tốt, tôi đang cần mua gì đó, mà Facebook đưa ra đúng thứ tôi cần, thì quá tiện, không có gì đáng phàn nàn.

Tuy nhiên, gần đây, mức độ quảng cáo của Facebook hơi cao. Thay vì chỉ quảng cáo ở sidebar như trước, giờ đây họ chèn đầy quảng cáo vào news feed. Mà trên đời, cái gì nhiều quá cũng không tốt, nhiều quảng cáo quá dễ gây phản cảm. Nhiều lúc tôi mua hàng xong rồi mà quảng cáo vẫn cứ hiện ra, không khó chịu nào như khó chịu nào.

Quảng cáo nhiều thì khó chịu chứ không thực sự gây hại gì. Nên tôi có thể tiếp tục chấp nhận cho họ theo dõi, nhưng với một điều kiện: những dữ liệu Facebook thu thập chỉ Facebook được sử dụng mà thôi.

Thế nhưng, rõ ràng là Facebook không giữ những dữ liệu đó cho riêng mình. Những ông lớn trong ngành công nghệ như Google và Amazon cũng không ngừng thu thập thông tin của người dùng. Thậm chí Google còn thu thập thông tin người dùng nhiều hơn cả Facebook, vì họ có nhiều dịch vụ hơn. Và tôi thấy những bằng chứng cho thấy họ đang trao đổi thông tin với nhau.

Đơn giản, bạn có thể thử tìm một món đồ nào đó trên Amazon, thì khi vào Facebook hoặc bất cứ trang nào dùng quảng cáo Google thì những thứ liên quan đến món đồ đó sẽ hiện ra. Như vậy là họ đang trao đổi dữ liệu chứ không thể có cách nào khác mà Facebook và Google có thể biết được những thông tin đó.

Bảo Facebook bán dữ liệu thì có thể không đúng, chỉ đơn giản là hợp tác làm ăn đôi bên cùng có lợi mà thôi. Điều nguy hiểm nhất là những dữ liệu này rơi vào tay kẻ xấu. Khi Facebook trao đổi (hoặc có thể là bán) những thông tin thu thập được, ngay cả chính họ cũng không thể biết được những thông tin đó sẽ được dùng vào việc gì.

Như vậy, bản thân Facebook không làm, nhưng lại gián tiếp tạo cơ hội cho người khác làm điều xấu thì cũng có thể coi là đồng phạm. Giống như trong cuộc bầu cử Mỹ, hàng triệu cử tri Mỹ đã bị Cambridge Analytica được định hướng phiếu bầu vậy nhờ những thông tin của Facebook.

Đơn giản thế này, nếu một kẻ nào đó biết những gì chúng ta quan tâm, sở thích cũng như thói quen của chúng ta. Hắn có thể đọc thông tin này, bỏ bớt thông tin kia. Vì hắn nắm được thông tin về chúng ta, nên hắn biết cách làm việc này sao cho hiệu quả.

Và với người dùng, dần dần, chúng ta chỉ đọc được những thông tin được định hướng mà tưởng rằng thế giới chỉ có như vậy. Lâu ngày, chúng ta sẽ ở trong tình trạng ếch ngồi đáy giếng mà cứ tưởng đã hiểu hết về thế giới.

Định hướng thông tin chỉ là một phần quá nhỏ của việc sử dụng thông tin. Trên dark net, thông tin cá nhân được rao bán hằng ngày. Tại sao nhiều người quan tâm đến thông tin người khác như vậy. Vì có được thông tin sẽ có được tất cả.

Thử nghĩ mà xem, một kẻ nào đó mà biết được thói quen của bạn, gia đình bạn có những ai, biết bạn đi làm lúc nào, khi nào về, v.v… hắn ta muốn trộm cắp hay thậm chí bắt cóc tống tiền thì thật quá dễ.

Ngay cả khi hắn chưa biết đủ thông tin, thì dựa vào những gì hắn có được về sở thích của bạn, hắn có thể tiếp cận bạn (rất dễ dàng do đã biết sở thích), nói chuyện làm quen, rồi thân hơn hắn sẽ moi móc những thông tin hắn cần từ bạn…

Ôi, thật không thể tưởng tượng hết được, những thông tin như vậy có thể nguy hiểm đến mức nào.

Làm thế nào ngăn Facebook theo dõi bạn

Như đã nói ở trên, Facebook có thể theo dõi chúng ta ngay cả khi chúng ta không đăng ký cũng như sử dụng Facebook. Vì vậy cách triệt để nhất để thoát khỏi Facebook là chúng ta hoàn toàn không sử dụng Internet. Tuy nhiên, ngày nay thì làm sao mà chúng ta có thể sống mà thiếu Internet được. Một nghịch lý hơi khó hiểu đó là lúc mạng có vấn đề thì tôi thấy rất khó chịu, bắt buộc phải sửa càng sớm càng tốt. Nhưng khi có rồi thì cũng chẳng dùng bao nhiêu. Khổ thế đấy.

Từ bỏ Internet là không thể, nhưng chúng ta có thể chọn cách dễ dàng hơn là từ bỏ Facebook (cùng các ứng dụng bị mua lại là WhatsApp và Instagram). Giới trẻ Bắc Mỹ đang có xu hướng chuyển sang Snapchat, nhưng có vẻ làn sóng này vẫn chưa lan đến Việt Nam. Vì vậy ở Việt Nam, việc từ bỏ không phải là điều dễ dàng vì Facebook vẫn đang có những ảnh hưởng cực kỳ sâu rộng trong cuộc sống của chúng ta.

Chuyển sang dịch vụ khác cũng không giúp chúng ta thoát khỏi sự theo dõi. Nhưng mỗi dịch vụ sẽ có mức độ theo dõi và thu thập thông tin người dùng khác nhau. Nếu bạn cảm thấy dịch vụ nào theo dõi ở mức chấp nhận được thì có thể sử dụng.

Không thể từ bỏ, chúng ta đành phải tìm cách “sống chung với lũ” mà thôi. Chúng ta có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế việc mình bị theo dõi hằng ngày trên Internet, khiến cuộc sống của chúng ta riêng tư hơn.

Không thể từ bỏ Facebook thì trước hết hãy từ bỏ việc sử dụng các app của nó trên điện thoại. Thay vào đó hãy sử dụng trình duyệt để truy cập Facebook. Như vậy thì dù chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng, nhưng Facebook sẽ thu thập được ít thông tin hơn, đồng thời giúp máy nhẹ nhàng, ít hao pin hơn. Các app của Facebook (cả Facebook và Messenger) đều rất nặng, người dùng Android có thể sử dụng phiên bản Lite hoặc các bản mod nhẹ nhàng hơn nhưng người dùng iOS thì không có lựa chọn đó.

Việc từ bỏ app trên điện thoại cũng không phải là dễ dàng, vì trang mobile của Facebook thiếu rất nhiều tính năng của app. May là các tính năng cơ bản vẫn đủ dùng.

Đặc biệt trên điện thoại Messenger bắt buộc phải dùng app chứ không thể dùng được trên nền web. (Chả khác nào ép người dùng bắt buộc phải cài app, mà app thì theo dõi rất ác.) Tuy nhiên, chúng ta có thể cố gắng giảm phụ thuộc vào các dịch vụ của Facebook bằng cách sử dụng ứng dụng khác thay thế. Telegram là một lựa chọn tốt, vừa giữ tin nhắn của chúng ta riêng tư hơn, không bị ai đọc được mà lại rất nhẹ nhàng.

Tiếp tục sử dụng Facebook thì không thể hoàn toàn không bị theo dõi. Nhưng chúng ta có thể giới hạn việc này, chỉ cho Facebook thu thập thông tin khi chúng ta sử dụng Facebook mà thôi.

Chúng ta có thể sử dụng chế độ duyệt web riêng tư (private browsing hoặc incognito browsing). Các trình duyệt chúng ta sử dụng đều có sẵn chế độ này. Duyệt web riêng tư không giúp chúng ta phòng chống việc theo dõi, nhưng vì các dữ liệu duyệt web không được lưu lại, nên không thể định danh được chúng ta. Vì vậy với Facebook, mỗi lần thu thập dữ liệu của chúng ta sẽ là dữ liệu của một người khác nhau.

Nâng cao hơn một chút, chúng ta có thể sử dụng các trình duyệt được thiết kế chuyên biệt cho duyệt web riêng tư như Tor cho máy tính và Firefox Focus cho điện thoại.

Cách làm này sẽ giảm bớt mức độ theo dõi, nhưng lại có một bất tiện là mỗi khi chúng ta truy cập trang web nào đó lại phải đăng nhập lại, vì không có dữ liệu nào được ghi lại cả.

Chúng ta có thể tạm thời khắc phục bằng cách sử dụng song song cả chế độ duyệt web riêng tư và chế độ duyệt web thông thường, hoặc sử dụng nhiều trình duyệt cùng một lúc. (Trên máy tính thì dùng nhiều trình duyệt vô tư, nhưng nếu điện thoại thì hơi bất tiện khi phải chuyển app qua lại.) Chế độ thông thường dùng để duyệt Facebook và các trang cần login khác (số lượng các trang này thường là không nhiều), chế độ riêng tư dùng cho các trang còn lại.

Như vậy, để tiện lợi hơn, chúng ta phải chấp nhận bị theo dõi thêm một chút. Nhưng vẫn có cách để giảm thiếu mức độ, dễ nhất là chúng bật chế độ “Do not track” (DNT) của trình duyệt lên. Bật chế độ này, mỗi khi truy cập trang nào đó, chúng ta sẽ gửi kèm yêu cầu là “đừng theo dõi tôi”. Tuy nhiên, bảo họ là một chuyện, họ đáp ứng yêu cầu hay không lại là chuyện khác. Mà phần lớn các trang web chả coi do not track ra gì đâu mà.

Một thứ rất cần thiết trong việc theo dõi người dùng là cookie. Cookie là nơi lưu trữ những thông tin cần thiết để định danh chúng ta. Có 2 loại cookie: 1st-party là cookie được set bởi trang web mà chúng ta truy cập, 3rd-party là cookie được set bởi các trang khác. Safari là trình duyệt mặc định không cho phép 3rd-party, ngoài ra các trình duyệt khác đều cho phép điều này.

Mà 3rd-party cookie thường chẳng phải là thứ chúng ta cần khi duyệt web, nó chính là thứ dùng để theo dõi chúng ta mà thôi. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi thiết lập mặc định của các trình duyệt một chút để block 3rd-party cookie lại.

Mạnh hơn nữa là block toàn bộ cookie và chỉ cho phép đặt cookie ở trang nào cần thiết mà thôi. Việc thiết lập này rất dễ dàng do các trình duyệt đều cho phép thay đổi thiết lập cho từng trang (ngoại trừ Safari, tôi chưa tìm được cách làm cho trình duyệt này)

cookie

Lưu ý rằng, setting này chỉ giúp chúng ta chặn bớt cookie mà thôi. Nếu chúng ta vẫn sử dụng Facebook, thì khi truy cập Facebook, nó đã thiết lập cookie rồi. Khi truy cập các trang web khác, cookie này vẫn có thể được sử dụng dù chúng ta đã chặn cookie của bên thứ ba. Nhưng ít nhất, việc này giúp chúng ta chặn bớt cookie của nhiều thứ theo dõi khác, nên chúng ta vẫn nên chặn nó lại.

Ngoài ra, trình duyệt Firefox có chế độ phòng tránh việc theo dõi, chúng ta cũng nên bật nó lên.

privacy

Cơ chế theo dõi, thường là do bên thứ ba thực hiện, rất đơn giản, khi chúng ta truy cập một trang nào đó, sẽ có truy vấn khác đến máy chủ để lưu lại hành động vừa rồi của chúng ta. Tuỳ mục đích mà truy vấn này có thể chứa các thông tin như URL, thời gian, loại trình duyệt, các thông tin định danh người dùng, v.v… Vì vậy, việc phòng tránh theo dõi chỉ đơn giản là ngăn chặn những truy vấn này. Tuy nhiên, các truy vấn này có muôn hình vạn trạng khác nhau nên việc phòng tránh cũng cần cập nhật thường xuyên mới đem lại hiệu quả tốt.

Ví dụ Facebook sử dụng cấu hình của Disconnect.me để ngăn chặn những truy vấn kiểu này. Tuy nhiên, điều đó là vẫn chưa đủ, chúng ta cần thêm một số công cụ hỗ trợ khác.

Một công cụ khá thông dụng mà hiệu quả rất cao trong trường hợp này là các trình chặn quảng cáo. Trình chặn quảng cáo thường là một extension cho trình duyệt, giúp trình có tính năng chặn truy vấn như mô tả ở trên (nó chặn các truy vấn theo cấu hình của nó chứ không chỉ chặn quảng cáo). Firefox là một trường hợp cá biệt có tích hợp sẵn, với phần lớn các trình duyệt, chúng ta cần cài đặt extension mới được.

Tôi thì không đưa ra một trình chặn quảng cáo nào khuyên dùng cả. Mọi người có những lựa chọn của riêng mình tuỳ theo sở thích như AdBlock, AdBlock Plus, AdGuard, Ghostery, uBlock Origin, uMatrix, v.v… Chúng đều rất tốt, bạn có thể sử dụng bất cứ loại nào tuỳ theo sở thích của mình.

Tuy nhiên, một điều lưu ý là chúng ta cần cài đặt extension chính chủ, kẻo bị lừa cài phải malware thì khổ. Thực sự thì có hơn 20 triệu người đã bị lừa rồi đó, nên mọi người hãy cẩn thận chút.

Các trình chặn quảng cáo này đều hoạt động theo các filter nên rất dễ dàng tuỳ biến theo nhu cầu của từng cá nhân. Ngoài việc chặn các truy vấn, nó còn có thể ẩn bớt một số thành phần gây ngứa mắt trong các trang web, nên lợi ích của nó là vô cùng tuyệt vời.

Trên mạng có sẵn rất nhiều các list filter, các bạn có thể chọn và sử dụng cho phù hợp. Một số list filter mà tôi thấy chúng ta nên dùng để duyệt web riêng tư hơn:

Một vấn đề nho nhỏ ở đây, là dù trình duyệt trên máy tính có thể cài đặt extension rất dễ dàng, thì trên điện thoại, mọi việc lại hơi khó khăn hơn một chút. Trình duyệt cực kỳ phổ biến là Google Chrome hoàn toàn không có cơ chế content block, cũng không hề cho phép cài extension.

Safari trên iOS cũng không cho cài extension nhưng lại có cơ chế content block (với các máy 64bit), nên chúng ta có thể cài các một số app có tác dụng tương tự như extension trên máy tính như AdGuard, AdBlock, AdBlock Plus, v.v…

Còn với người dùng Android (người dùng iOS cũng có thể nếu muốn), chúng ta phải chuyển sang sử dụng một số trình duyệt khác như Yandex, hoặc Firefox (thậm chí là Firefox Focus cho pro) để có thể sử dụng extension cũng như tính năng content block.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.