Trải nghiệm dịch vụ Bệnh viện phụ sản Hà Nội

Trải nghiệm dịch vụ Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Photo by myself

Vừa sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nên viết bài này để cho các bố các mẹ nếu cần thì tham khảo, mặt khác cũng để con gái sau này lớn lên biết ngày xưa mình ra sinh như thế nào. Giờ viết luôn chứ sau này tuổi cao sức yếu con hỏi lại chỗ nhớ chỗ quên.

Về cơ bản là dịch vụ ở đó rất tốt, nhà mình mẹ tròn con vuông, mẹ khoẻ con trộm vía. Nói chung là ưng lắm.

Chuẩn bị

Ngay từ khi có bầu, hai vợ chồng mình đã nghiên cứu và tham khảo nhiều nơi. Đặc biệt là nhiều bạn bè cũng mới sinh ở Phụ sản Hà Nội nên cũng học hỏi được ít nhiều. Sau khi nghiên cứu kỹ càng thì mình quyết định sẽ sinh dịch vụ, cụ thể là khoa D3. Hai vợ chồng cũng muốn sinh thường, tiếc là cái này không được như ý.

Muốn sinh dịch vụ ở Phụ sản Hà Nội không nhất định phải khám thai định kỳ ở đó. Mọi người có thể khám ở bất cứ đâu. Nhà mình khám ở phòng khám sản phụ khoa số 2 Lê Đức Thọ, vừa tiện đường gần nhà, vừa không đông đúc quá, ít phải chờ đợi. Mà mình thấy khám ở đó rất tốt, siêu âm thấy chuẩn lắm, con mình đẻ ra, cân nặng đúng như siêu âm luôn.

Mọi người hay chỉ mình ra phòng khám ở Thái Thịnh, nhưng vì không tiện di chuyển nên mình cũng không ra đó lần nào, không rõ chất lượng nhưng nghe nhiều người khen lắm.

Khi thai được khoảng 36 tuần tuổi thì nhà mình đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm hồ sơ sinh.

Làm hồ sơ sinh

Khi thai được 36 tuần tuổi thì có thể đến Phụ sản Hà Nội làm hồ sơ sinh. Đến sớm quá mình không biết họ cho nhận không nhưng dù họ có nhận thì đến khi sinh mình sẽ phải làm lại một số xét nghiệm. Vì kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong khoảng thời gian nhất định (khoảng 1 tháng). Do đó, tuần 36, hoặc 37 đi làm hồ sơ sinh là vừa.

Làm hồ sơ sinh mục đích là khi mình đi đẻ, chúng ta có sẵn hồ sơ, khám và xét nghiệm các thứ rồi thì không cần làm lại nữa, đỡ mất thời gian. Đến lúc đẻ mà lại phải chờ đợi xét nghiệm nữa thì nguy hiểm quá. Không làm hồ sơ sinh cũng được, tuy nhiên, khi đến đẻ sẽ phải làm hết các xét nghiệm, cũng khá mất thời gian. Nên nếu nhà nào xác định đẻ ở Phụ sản thì nên đi làm luôn.

Có hai nơi có thể làm hồ sơ sinh là khoa khám tự nguyện 1 – Chuyên khám phụ khoa (Khoa D1), và khoa khám tự nguyện 2 – Chuyên khám thai (Khoa B7). Mặc dù chuyên như vậy nhưng cả hai khoa đề có thể khám thai và làm hồ sơ sinh được. Khoa D1 thì ngay cổng sau nên đến đó sẽ gần hơn đôi chút.

Mình đi làm hồ sơ sinh vào thứ 7, chỉ có khoa B7 làm việc nên mình đến đó. Khoa B7 lúc đó ở gần chỗ để xe cổng phụ nên cũng gần. Từ ngày 23/10/2017 khoa đã chuyển sang nhà B (9 tầng) nên sẽ xa hơn phần nào.

Vì không khám thai ở Phụ sản Hà Nội bao giờ nên nếu muốn làm hồ sơ sinh thì phải khám thai trước. Thứ 7 nên chỉ khám thôi, mình phải quay lại vào một ngày khác (giờ hành chính) để làm hồ sơ sinh. Khám thai thì cũng là khám định kỳ thôi, sau đó bác sĩ sẽ chỉ định mình đi xét nghiệm một gói cơ bản.

Khi siêu âm, kết quả con mình nặng 3.3kg mà mới có 36 tuần nên mình rất lo, chỉ sợ vợ bị tiểu đường thai kỳ. Nhưng khi xét nghiệm thì mọi thứ đều bình thường. Mình đi khám và xét nghiệm vào thứ 7 nên viện không đông lắm, mọi việc diễn ra rất nhanh, ít phải chờ. Hơn 8h sáng nhà mình mới xuất phát từ nhà mà hơn 11h đã xong hết thủ tục rồi. Thời gian chờ lâu nhất là xét nghiệm thôi. Lấy máu ở phòng 17A, họ hẹn khoảng 1 tiếng sau mới có kết quả nhưng mình cũng chỉ phải chờ hơn nửa tiếng là đã xong rồi.

Lúc mình ngồi chờ kết quả thấy bao nhiêu người vào viện cấp cứu vì đẻ rơi trên đường. Hôm đó trời con mưa to gió lớn nữa chứ. Một điểm đặc biệt nữa là hầu như tất cả các nhà đi để đều xách theo một cái làn, trông giống hết nhau, trong đó để lỉnh kỉnh các thức quần áo, tã, bỉm và một cái phích. Giống nhau tới mức nhiều khi mình nghĩ là bệnh viện cho mượn cái làn đó cơ.

Sau khi có kết quả xét nghiệm xong thì lại gặp bác sĩ khám thai lần nữa để họ xem kết quả. Mẹ không bị tiểu đường nên không lo. Hai vợ chồng trở về đến thứ 3 tiếp theo thì quay lại làm hồ sơ sinh.

Khi làm hồ sơ sinh thì khám ở khoa nào làm hồ sơ sinh ở khoa đó. Lúc đầu mình không biết, cứ mang giấy tờ đến khoa D1 cho gần, họ không nhận. May mà họ nhìn rồi bảo mình đến khoa B7 ngay chứ còn xếp hàng chán chê mới không nhận thì khổ.

Đến khoa B7 làm hồ sơ sinh thì lại gặp bác sĩ một lần nữa. Thực ra không gặp cũng được, mình đã khám đủ rồi, ghi hồ sơ nữa là xong. Thái độ y bác sĩ hôm đó làm mình thấy không thoải mái lắm. Mình không khám thai ở đó từ đầu, được lần khám để làm hồ sơ sinh thì đi khám ngoài giờ, họ như kiểu không muốn tiếp vậy. Nhưng mà không sao, cuối cùng thì cũng xong.

Khi làm hồ sơ sinh xong thì họ có dặn, lúc đẻ nếu là ban ngày thì cứ đến khoa, còn ban đêm thì đến cấp cứu. Khoa trực cấp cứu thì ngay cạnh khoa D1.

Sau khi làm hồ sơ xong thì mình trở về, sau đó mình vẫn khám định kỳ ở chỗ cũ chứ không nhất định phải khám ở Phụ sản Hà Nội. Lịch khám mấy tuần cuối thì dày hơn, từ tuần 38 trở đi, mỗi tuần nhà mình đi khám một lần. Khám về sau này mình thấy chính xác hơn. Cân nặng con mình trở về mức hợp lý, và sau này sinh con cũng ở mức đó luôn chứ không sai số bao nhiêu.

Chuẩn bị đồ đi đẻ

Vì có bạn mới sinh nên mình được truyền lại nhiều kinh nghiệm tốt lắm. Khi sinh dịch vụ thì sẽ nằm viện vài ngày, sinh thường thì chỉ 1 ngày, mổ thì 3÷5 ngày. Đồ dùng thì viện có nhiều thứ lắm nên không phải chuẩn bị nhiều đâu.

Viện cho mượn chăn ra gối đệm quần áo đủ dùng, ngoài ra còn 1 cái phích và mỗi giường có một tủ đồ và 1 ghế tựa. Vì vậy đồ đạc cần chuẩn bị không nhiều. Mình chuẩn bị như sau và thấy là vừa đủ:

Quần áo thì dùng đồ của viện nên chỉ cần chuẩn bị cho lúc ra về thôi. Chỉ cần những thứ sau là đủ:

  • Một bộ quần áo cho con
  • Một bộ quần áo cho mẹ
  • Khăn voan che bụi cho con
  • Mũ cho mẹ (bé khi sinh được tặng mũ của bệnh viện nên không cần)
  • Kính râm, giày tất
  • Quần áo cho bố ở viện mấy ngày, cái này thì tuỳ, lười thì 1 bộ mặc mấy ngày cũng được. Ở viện có nhà vệ sinh, nóng lạnh đầy đủ, tắm rửa thoải mái nhưng không có chỗ phơi nên nếu mang quần áo thì cần chuẩn bị thêm túi đựng để mang về giặt.

Mình đi đẻ khi trời khá lạnh nên mình mang thêm áo khoác nữa. Có thể nói là kín mít, nhưng mà cần thiết vì cơ thể mẹ và bé đều đang rất nhạy cảm.

Ngoài những đồ trên thì cần chuẩn bị vật dụng dùng hằng ngày trong viện như sau vì viện không có sẵn:

  • Chậu, một chiếc loại nhỏ thôi, dùng để vệ sinh cho con khi thay bỉm
  • Cốc uống nước và ống hút cho mẹ (và cả bố). Vừa sinh xong cơ thể mẹ còn yếu không thể ngồi uống nước như người khoẻ mạnh được nên dùng ống hút là tốt nhất.
  • Tã cho con. Mỗi ngày viện sẽ tắm bé một lần và thay bỉm lúc đó, nhưng bé output rất nhiều lần nên cần chuẩn bị tã bỉm của riêng mình. Nếu dùng miếng lót thì khi tắm phải dán nó vào tã của con, không họ sẽ vứt cả đi. Mỗi ngày bé thay tã 5, 6 lần nên cần chuẩn bị 20÷30 chiếc, chuẩn bị ít cho đỡ cồng kềnh cũng không sao, mua ở gần bệnh viện cũng dễ.
  • Bỉm cho mẹ. Mẹ vừa sinh sản dịch sẽ ra nhiều nên phải dùng bỉm. Cái này tuy cơ địa mỗi người mà sản dịch ra nhiều hay ít. Bỉm cho mẹ thì nhà mình mua loại bỉm Caryn dành cho người già, rất to, nhà mình mua 3 cái còn đâu dùng BVS loại dày là được. Loại này nhiều chỗ không bán lẻ mà chỉ bán cả túi. Tuy nhiên, bệnh viện thì có bán lẻ nên dùng đến đâu mua đến đó cũng được.
  • Một bình hoặc chai đựng nước lạnh. Viện cho mượn phích đựng nước nóng nhưng không có đồ đựng nước lạnh. Chỉ cần bình dung tích 0.5l là cũng tạm đủ, 1l thì thoải mái luôn.
  • Sữa cho mẹ. Vừa sinh xong nên có sữa cho mẹ uống, vừa để bổ sung dinh dưỡng vừa để kích thích ra sữa. Nhà mình mua optimum mama, nhiều người vào viện được chỉ mua sữa Mom của Meiji. Nhưng mình thấy sữa Ông Thọ đặc có đường pha nóng là hiệu quả nhất.
  • Sữa và bình sữa cho con. Nhà nào sinh mổ thì mẹ phải nằm theo dõi ít nhất 6 tiếng. Trong 6 tiếng đó thì không gặp được con, không cho bú được. Trong 6 tiếng đó thì bé sẽ được chăm sóc ở khoa, hình như họ cũng có sữa thì phải, nhưng nếu muốn bé bú đúng loại sữa mình muốn thì nên chuẩn bị trước. Dù sinh thường hay mổ thì sau này về phòng rồi thì vẫn nên chuẩn bị sữa cho con vì không thể biết được mẹ có đủ sữa hay không, thiếu sữa thì khổ lắm.
  • Khăn xô, khăn vải đa năng, giấy ăn dùng để vệ sinh cho bé. Trong số này, khăn vải đa năng là tốn nhất vì thường xuyên dùng để lau phân cho con mà không tái sử dụng được, nhà mình mang hẳn một túi Likado đi nhưng vẫn thừa một ít, khăn xô thì cần 2, 3 cái là đủ.
  • Khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng.
  • Mắc quần áo để phơi đồ, tuy nhiên là không hiệu quả lắm do buổi sáng y tá thường hay nhắc bỏ xuống nên có thể bỏ qua.
  • Túi ni lông để mang đồ bẩn về giặt, đựng đồ khác lúc cần, cứ mang 5, 6 cái túi to, nó cũng không nặng nhọc gì.

Tất cả mọi thứ bình cho vào một balo, đóng gói sẵn rồi để đó, khi nào đi để thì mang theo là xong. Rất gọn nhẹ mà không thiếu thứ gì.

Ngoài những thứ trên thì chỉ còn chuẩn bị tiền nữa thôi. Bệnh viện có chấp nhận thanh toán thẻ, nhưng vẫn nên chuẩn bị chút tiền mặt nhiều khi cần gấp. Nhà mình thì gần đẻ cũng đẻ sẵn một số tiền ở nhà, vừa đủ.

Đây là bảng giá dịch vụ của bệnh viện vào thời điểm vợ mình sinh. Bảng giá này rẻ hơn giá trên web của bệnh viện.

bảng giá

Vào thời điểm bài viết này hoàn thành, website của bệnh viện đã update, giá dịch vụ đã giống với bảng trên rồi, ngoài ra còn nhiều giá dịch vụ trọn gói cho người nước ngoài nữa, lúc trước chưa thấy.

Đi đẻ

Một buổi sáng thứ 2, hai vợ chồng vừa ngủ dậy, mình đang chuẩn bị đi làm thì nghe vợ bảo hình như vỡ ối. Cốm nhà mình ngoan thế không biết, tối hôm trước mẹ còn phải đi thi, dặn Cốm cố nốt một hôm, mai hãy ra thế mà hôm sau Cốm mới ra với mẹ.

Mình xem thì đúng là vỡ thật nên hai vợ chồng chuẩn bị đi viện luôn. Vợ mình mặc tạm cái bỉm, rồi vẫn tranh thủ hai vợ chồng đánh răng, rửa mặt xong mới đi. Hôm ý đầu tuần, trời mưa, đường tắc hơn bình thường. Mình đi tầm 6:30 cũng là sớm mà vẫn bị tắc. Lúc ý vừa mừng vừa lo, mừng vì sắp gặp con, lo vì sợ không đến viện kịp, khi đi, bố mẹ kịp gói cho hai nắm xôi bảo đến viện thì ăn.

Khi đến viện thì chưa đến 7h, mình đến khoa B7 luôn. Nghe mình bảo vỡ ối, chị tiếp đón có vẻ cũng mừng cho mình. Nhưng mặc dù mình thấy gấp lắm, nhưng họ vẫn bình tĩnh như không. Đến khoa B7 thì vợ mình được khám chuyển dạ, nhưng khi khám thì ối không ra thêm nữa, tử cung chưa mở nên lại đi siêu âm với khám thai bình thường.

Khi siêu âm thì kết luận ối vẫn bình thường, con vẫn khoẻ mạnh. Nhưng vì đã rỉ ối, nên bác sĩ chỉ định mình nhập viện luôn. Khi nhập viện thì có một tờ đơn, trên đó sẽ ghi nguyện vọng mình đẻ ở khoa nào, có chọn bác sĩ không, muốn sàng lọc sơ sinh những bệnh gì.

Nhà mình chọn khoa D3, không chọn bác sĩ mà để khoa tự sắp xếp, sàng lọc thì mình chọn một số bệnh cơ bản được recommend là tim, thính lực, 5 bệnh chuyển hoá cơ bản.

Sau khi điền xong thì mình mang tờ chỉ định nhập viện và tờ đăng ký đó trả tiền tại khoa B7 luôn. Ngay khi nhập viện họ thu 18 triệu, tất nhiên là biên lai đầy đủ, sau này ra viện thừa thiếu tính sau. Trả tiền xong thì có một y tá cầm theo hồ sơ sinh dẫn hai vợ chồng mình lên khoa D3.

Nhập viện và đẻ

Khoa D3 ở tầng 3 nhà D, nhưng lối đi thì không thông với khoa D1. Từ khoa B7 lên đó đi qua khá nhiều khoa khác, trong đó có khu đẻ ở nhà A, la liệt người nhà đang chờ sản phụ ngồi ở hành lang.

Lúc dẫn mình lên thì có qua một chỗ bảo vệ. Vì có y tá dẫn đường lên họ cho đi qua, chứ bình thường thì phải là người nhà bệnh nhân (mặc áo vàng) mới qua được. Sau này mình biết thì việc này chỉ kéo dài đến 10:30 sáng, sau đó thì ra vào thoải mái.

Lên khoa D3 thì mình thấy khá sạch sẽ nhưng không vắng lắm. Dân tình giờ đời sống cao, đẻ dịch vụ theo yêu cầu đông phết. Ngoài khoa D3 thì Phụ sản Hà Nội có khoa D4 là khoa đẻ mổ theo yêu cầu.

Đến khoa D3 thì có một phòng tiếp đón. Đưa giấy tờ ở đó xong thì y tá khoa B7 trở về, y tá khoa D3 dẫn vợ mình vào phòng theo dõi sinh còn mình thì ngồi phòng tiếp đón chờ. Tại phòng đó có hai màn hình, sẽ lần lượt hiển thị tình trạng của các sản phụ cho người nhà ngồi chờ ở đó biết. Vợ mình khi vào khu chờ sinh thì được đưa một chiếc chìa khoá, dùng để mở tủ giày. Trong tủ sẽ có sẵn một đôi dép của viện, vào phòng chờ sinh thì đổi đôi đó, khi nào ra thì đổi lại.

Khi nhập viện thì họ bảo rằng hiện nay chưa có phòng để nằm viện sau sinh, sau khi sinh phải theo dõi 6 tiếng họ sẽ sắp xếp trong thời gian đó và báo lại sau. Có phòng nào họ báo phòng đó chứ tình trạng hiện tại là hết phòng. Không ngờ nhiều người đi để dịch vụ như vậy. Có nhiều nhà muốn thuê phòng sớm, thậm chí bao luôn phòng VIP mà cũng không được. Tất nhiên là nếu có quen biết thì sẽ khác.

Vợ mình vào theo dõi chuyển dạ tầm nửa tiếng thì trở ra, cầm theo hai tờ giấy. Vì vợ mình theo dõi mà không có dấu hiệu chuyển dạ, nên được bác sĩ chỉ định mổ. Hai tờ giấy là giấy tờ đồng ý mổ, bệnh nhân và người nhà ký. Lúc bấy giờ thì đồng ý thôi chứ suy nghĩ gì nữa, chỉ lo con gái ở trong làm sao thôi. Lúc trước hai vợ chồng muốn để thường lắm mà lúc bấy giờ chả còn nghĩ gì đến nó nữa. Bao nhiêu bài báo nói về chuyện cạn ối không lấy con ra kịp bị sặc phân su rồi. Nguy hiểm lắm.

Nên mình ký nhanh rồi hai vợ chồng vào một phòng chờ sinh nghe bác sĩ nói chuyện trước khi mổ. Nhưng cuối cùng không gặp được bác sĩ mà có y tá dẫn hai vợ chồng xuống tầng 2 để mổ luôn. Vừa đi vợ mình bảo ra máu, lại càng lo. Nhưng y tá thì vẫn bình tĩnh như thường, bảo là không sao đâu. Tử cung còn chưa mở, bé sẽ khoẻ, cứ yên tâm.

Giờ nghĩ lại thì có khi vợ mình chưa đến ngày đẻ, chỉ là rỉ ối thôi, nó lại liền lại. Cứ cố chờ thêm mấy ngày có khi lại đẻ thường được không biết chừng.

Xuống dưới tầng 2 là khu mổ, ở đó thì chỉ vợ mình được vào, mình muốn vào cùng mà không được. Chỉ có người nào đẻ thường thì mới được người nhà vào cùng để động viên thôi. Vợ mình vào trong thì mình trở lên phòng chờ ở tầng 3. Tầm 11h, tức là sau khoảng một tiếng thì có một y tá hoặc hộ sinh bế bé ra gặp gia đình.

May sao hôm đi đẻ lại có một anh bạn quen với vợ mình. Thực ra cả mình và vợ mình đều không gặp anh này bao giờ, chỉ biết qua Facebook thôi, nhưng hôm đó nhà anh cũng đi đẻ ở D3. Nhờ anh ấy mà khoảnh khắc đó đã được ghi lại làm kỷ niệm.

gặp
con

Lúc bấy giờ nhìn con xúc động dã man ý, bé xinh lắm, nằm ngủ ngoan, mặt mũi trắng trẻo, da hồng hào phủ một lớp bột. Nghe y tá nói con mình sinh lúc 10:20, nặng 3.5kg, nói số cháu. Nhìn thẻ ở chân con mình tranh thủ nhìn xem chân bé thế nào, bình thường không. Vợ mình cứ hay lo nghĩ sợ thừa hay thiếu ngón. Mình cũng chỉ tranh thủ nhìn chân thôi, tay không thấy gì do bé được mặc quần áo, quấn chăn rất kỹ. Mà mình nghĩ, nếu có bất thường bác sĩ họ nhìn ra ngay chứ cần gì đến mình phải kiểm tra.

Mình bế con được một lúc, muốn bế thêm lắm mà không được. y tá hỏi mình có sữa cho bé chưa. Thôi toi, mới chuẩn bị sữa cho mẹ. Họ bảo con anh to lắm, 3.5kg cơ mà, mẹ đang theo dõi sau mổ (mẹ thì không lo vì được truyền nước với vừa mổ xong không ăn được), không cho bú được, anh không có sữa thì bé tụt đường huyết mất.

Ôi thôi, lúc bấy giờ lòng rối như tơ vò, chả biết làm thế nào. Đang bế con thích thế không muốn rời, mà không rời thì ai mua sữa cho. Họ cười cười, bảo bé bọn em sẽ chăm sóc, anh cứ đi mua sữa đi, ở ngay bên dưới thôi, mua NaN cũng được hay loại gì tuỳ anh. Mua sữa mang lên đây em hướng dẫn cách pha.

Thôi thì lại đưa con cho họ, mà ai cũng phải đưa thôi, vì bé chỉ được gặp người nhà một lúc chứ không nhiều. Bé phải được giao và nhận với mẹ chứ không phải với người nhà, mẹ bé chưa về phòng thì họ sẽ không giao bé cho ai hết.

Mình để ba lô lại phòng chờ rồi chạy xuống dưới. Ở lối đi mình thấy có biển chỉ lối siêu thị mà trong lúc căng thẳng chả tìm thấy siêu thị đâu. Ra cổng nhìn thấy biển quảng cáo kids plaza rõ to tưởng có cửa hàng ở đó, hoá ra chỉ có quảng cáo không.

Lúc bấy giờ chả biết làm thế nào, đành có hàng nào thì mua hàng đó vậy. Mình mua luôn một cửa hàng tạp hoá ở cổng bệnh viện, bình sữa hết 150k, hộp sữa hết 320k. Mình mua loại nhập khẩu chứ không phải hàng Nga xách tay. Cũng chả biết loại nào với loại nào, nghe y tá nhắc đến NaN thì mua NaN vậy.

Nếu có chuẩn bị trước thì mua sẽ rẻ hơn khoảng 100÷200k, nhưng lúc đó con đang chờ làm gì có thời gian mà tiếc tiền, chỉ mong sao mua cho nhanh thôi, lúc bấy giờ mà đắt 1, 2tr có khi mình cũng mua. Mà kể cũng lạ, trời mưa to gió rét mà mình chỉ thấy nóng thôi. Đúng là lúc bấy giờ chả còn nghĩ ngợi gì, chỉ lo cho con sao cho nó khoẻ mạnh thôi.

Mình mua sữa xong quay lại thì không biết y tá lúc nãy đi đâu rồi, mình nói chuyện với lễ tân thì họ bảo sẽ mang sữa vào cho bé. Ghi tên các thứ vào nắp hộp sữa rồi họ mang đi, một lúc thì mang trả lại. Sữa thì họ lấy cho bé rồi, bình sữa thì không cần vì dùng đồ của viện.

Xong việc sữa cho con thì mình tiếp tục ngồi chờ. Họ bảo cứ về đi, tầm từ 2 đến 4 giờ chiều mới có thể xếp được phòng cơ vì mẹ phải nằm theo dõi 6 tiếng, lúc ấy quay lại cũng được. Lúc ấy thì còn về làm sao được, về cũng có làm gì được, mình ở lại chờ còn có gì thì còn kịp làm. Đặc biệt nhà mình đẻ xong thì từ đó không thấy thông tin gì trên màn hình nữa. Có những người sinh sau, tận 11h, 12h giờ vẫn được hiển thị mà vợ mình thì không thấy, nhưng mình cũng không hỏi vì lễ tân họ cũng không thay đổi được danh sách đó.

Mình để ý là có một phòng theo dõi 6h sau sinh ngay cạnh phòng chờ nên nghĩ là vợ mình sẽ được chuyển về đó. Vì thế mình ngồi chờ ở trong phòng nhưng ngồi sát bên ngoài, nhờ cửa kính đến nếu có người chuyển vào phòng đó là mình thấy ngay. Lúc ấy cũng muốn thấy vợ xem thế nào nên cứ ai đi qua là mình hóng luôn. Hóng suốt cả buổi mà chả thấy vợ đâu, mình còn gà gật mất một lúc nên nghĩ là người ta chuyển vợ qua vào lúc đó, tiếc ơi là tiếc.

Ngồi chờ thì mình hiểu hơn về việc bảo vệ giữ thang máy ở dưới. Họ sẽ giữ đến 10:30, người nhà muốn ra vào phải mặc áo vàng. Nếu mình có nhu cầu thì mượn áo vàng ở phòng chờ cũng được. Đến 10:30 thì hết giờ giới nghiêm nên họ thu hết áo vàng lại.

Trong lúc chờ cũng chứng kiến nhiều cảnh bi hài. Có nhà vợ đẻ, chồng chạy vào cùng để động viên bị vợ đuổi ra vì nhìn mặt không đẻ nổi. Có nhà thì ngồi hóng kinh nghiệm của các nhà khác, cứ thấy nhà nào mua sữa gì lại thấy ông chồng chạy xuống mua loại đó. Phải mua ba bốn loại khác nhau. Có ông thì rảnh rỗi nghiên cứu phong thuỷ, tướng số. Nào là hôm nay sinh con gái phải giờ Thân mới tốt. Nào là sắp hết giờ tốt rồi mà vẫn chưa đẻ, để sang giờ Dậu thì toi.

Trưa hôm đó, nhờ có hai nắm xôi mang theo mình mang ra ăn. Cũng chả có tâm trạng ăn uống lắm mình ăn hết một gói, còn một gói để lại đói thì ăn mà không đói thì thôi. Ăn uống lúc đó có quan trọng gì, hai mẹ con thì không gặp được ai nữa mới đáng lo.

Chờ đến 2h chiều vẫn chưa thấy được xếp phòng, mình lại tiếp tục chờ chứ chẳng làm gì được. Đến 4h vẫn chưa có phòng đâu, sốt ruột quá đi mất. Bao nhiêu nhà đẻ thường không phải theo dõi nhiều nên được xếp phòng ngay làm mình càng sốt ruột.

4:20 thì là đúng 6h kể từ lúc bé sinh mà phòng thì chưa được xếp, vợ ở đâu không biết. Mãi không thấy thông tin gì đang định vào hỏi lễ tân thì có một điều dưỡng cầm phiếu nhận phòng đến giao cho. Đang sốt ruột mà họ cầm hai phiếu gọi từ ngoài cửa, mình nghe không rõ lắm. Mà gọi xong thì họ còn chém gió với người ngoài đó nữa, mình phải chạy ra hỏi lại xem có đúng nhà mình không.

Đúng là phiếu nhận phòng cho vợ mình, họ bảo lên tầng trên đến phòng hành chính để được hướng dẫn. Tầng trên là của khoa D4, chắc tầng dưới không còn phòng nữa nên nhà mình được sắp xếp lên trên. Không sao cả, có phòng là tốt rồi, hơn nữa khoa D4 cũng là khoa đẻ mổ dịch vụ nên vợ mình ở đó cũng tốt. Nhìn phiếu thì thấy ghi 650k/đêm, mình cũng chưa biết phòng ốc thế nào, cứ lên trên đã.

Khoa D4 có nhiều phòng nằm nội trú hơn D3. Khu phòng chờ và tiếp đón ở D3 thì tầng trên được bố trí thành các phòng vệ sinh chung (450k/đêm), khu phòng chờ theo dõi chuyển dạ để biến thành phòng nội trú hết vì D4 chuyên đẻ mổ không cần theo dõi. Phòng hành chính khoa D4 bé hơn D3 kha khá, bên cạnh là phòng mượn đồ vải và phòng tắm bé, ngoài hành lang người ta sắp xếp ghế cho sản phụ và người nhà ngồi chờ. Gần đó là cây nước nóng là cây nước lạnh, phòng các nhân viên y tế và bác sĩ nữa.

Lúc mình lên thì cũng có 2, 3 sản phụ đang ngồi ở hành lang, chở đến giờ lành là đi đẻ luôn. Mình vào phòng đó thì có điều dưỡng ghi sổ rồi đưa chìa khoá cho mình và một người nữa bảo đến phòng 424, khi đi mang theo một mẩu giấy ghi đồ đạc được mượn, khi trả phải trả đủ.

Đồ đạc được mượn bao gồm: chăn, ga, gối, bộ quần áo sản phụ, 2 áo sơ sinh, áo vàng cho người nhà, 2 chăn sơ sinh, 20 cái tã, ghế tựa, phích nước và một cái giỏ đựng đồ vải.

Đến phòng thì nó là phòng ở góc, 3 giường, có một nhà đang ở đó sẵn rồi. Mình đến giường 28 còn nhà đi cùng mình thì giường 53. Có lẽ giường đó là mới thêm chứ ban đầu phòng chỉ 2 giường là 27 và 28 thôi. Đồ đạc thì để trong tủ gỗ, mở bằng chìa khoá họ đưa cho, ngoài ra phòng có nhà vệ sinh, tủ lạnh, ti vi, điều hoà, mỗi giường có một cái tủ nhựa để đựng đồ nữa. Có một ngăn tủ gỗ, lại có thêm tủ nhựa nên đồ đạc cất thoải mái, mình cho cả ba lô vào tủ gỗ, lấy giỏ đồ vài ra để ở tủ nhựa cho dễ lấy sau này.

Phòng rất kín, ngoài trời mưa gió bão bùng mà phòng kín bưng, chả biết gì mà có phần hơi nóng. Lúc mình đến định bật điều hoà nhưng không được, thôi thì có trẻ sơ sinh thì chịu nóng một tí cho các cháu và mẹ các cháu, đang lúc nhạy cảm mà. Ti vi không bật bao giờ do chả ai có thời gian và tâm trạng mà xem. Phòng ở thế là được, mình thấy khá rộng rãi và thoải mái.

Sau khi đi qua hàng loạt phòng 2 giường thì mình thấy phòng 3 giường rộng rãi và thoáng hơn hẳn. Phòng 2 giường rất chật, kê hai giường chỉ có đúng 1 lối đi bé tí ở giữa. Đối diện phòng 424 ở phía đầu kia hành lang là phòng 448, chỉ có 2 giường mà giá đắt hơn các phòng khác. Mình đoán phòng 448 đó cũng là phòng có kích thước giống 424 nhưng chỉ kê 2 giường.

Mình đến phòng một lúc thì có điều dưỡng đến kiểm tra lại phòng hỏi có đủ đồ không. Mình cũng kiểm tra qua mấy đồ số lượng ít chứ tã mình cũng chẳng đếm có đủ 20 cái không. Mà thực ra thì họ khi nhận đồ cũng có đếm lại đâu.

Nửa tiếng kể từ khi nhận phòng vẫn chưa thấy mẹ và bé đâu, sốt ruột quá mình lại xuống D3 hỏi lễ tân lần nữa. Họ bảo anh cứ chờ ở phòng, nhận phòng xong rồi thì sản phụ sẽ được chuyển đến ngay. Mình vừa về đến hành lang thì người ta đưa xe đẩy vợ mình về đó. Nhìn thấy vợ mừng quá, vợ mình không kêu đau, chỉ bảo mệt với tê chân, do tác dụng của thuốc gây tê.

Y tá đưa vợ mình đến có lấy một bộ quần áo sản phụ đi, để duy trì số lượng đồ trong phòng không thay đổi. Họ dăn bây giờ chỉ ăn được cháo thôi, chưa được ăn cơm, đặc biệt không uống sữa. Bao giờ xì hơi mới được ăn cơm và uống sữa.

Vợ mình về một lúc thì có y tá khác bế con đến, họ đặt bé nằm cạnh mẹ. Con gái mình lúc đó đang ngủ ngon lắm, nằm cạnh mẹ tiếp tục ngủ ngoan. Khi giao bé, họ lại lấy đi đồ vải đúng bằng đồ trên người bé, trừ cái mũ (là quà tặng của bệnh viện). Một lúc sau thì có người đến đưa mình phiếu sàng lóc thính lực, dặn trước khi ra viện thì ra phòng đo thính lực để đo. Phòng đo thính lực ngay gần, đi không đến 10m, nhà mình dùng kỹ thuật AOE nên đến đó, nhà nào dùng kỹ thuật ABR thì xuống tầng 3 mà phải trên 48h mới được mang con đi.

Hai vợ chồng ngắm con thích quá, chả thấy mệt mỏi gì. Vợ mình cứ lo tay chân con nên đòi kiểm tra, mình xem thì tay chân con mình không chỉ bình thường mà con cực kỳ đẹp ý. Tay chân mũm mĩm, da căng mịn chứ không bị nhăn nheo một tí nào. Mấy đứa cùng phòng mình nhẹ cân hơn chút mà trông khác hẳn, không hiểu có đứa sinh hôm đó có 1.8kg thì thế nào.

Con mình nhiều yêu quá, cứ muốn ngắm con mãi thôi ý. Lúc bấy giờ mọi mệt mỏi, lo lắng chả còn tí gì cả. Thấy hai mẹ con khoẻ mạnh, an toàn là hạnh phúc lắm rồi

bé

Lúc ấy chỉ khổ nhà đi cùng mình nhận phòng thôi, bác ấy đợi con gái mãi. Nhận phòng cùng mà nhà mình đoàn tụ rồi bên ấy chưa thấy gì. Chạy đi tìm con mà chả biết tìm ở đâu gần tiếng sau mới quay lại mà không được gì. May sao khi bác ấy quay lại thì sản phụ cũng vừa được đưa về.

Gặp vợ rồi nói chuyện mới biết, đi đẻ cũng nhiều phức tạp lắm. Vợ mình vào phòng theo dõi chuyển dạ, họ chạy máy kích đẻ. Nhưng chạy mãi mà vợ mình chẳng có chuyển biến gì, bao nhiều người, từ y tá, hộ sinh trưởng đến bác sĩ đến khám mà kết quả cũng giống nhau. May sao hôm đó là thứ hai, bác sĩ trưởng khoa D3 hôm đó đến họp giao ban nên tiện qua khám cho vợ mình luôn. Bác sĩ khám xong thì chỉ định mổ, vợ mình cũng đồng ý luôn vì lo cho con. Ca của mình khó nên được trưởng khoa mổ cho.

Hôm đó là thứ hai, hình như có đám cưới thì phải, vợ mình nằm mổ nghe họ nói chuyện với nhau bảo mổ đi còn đi ăn cưới. Khi mổ thì họ hỏi mình muốn gây mê hay gây tê loại gì. Không có loại nào giảm hoàn toàn đâu, chỉ có thể giảm tối đa 80% thôi, vợ mình chọn loại tốt nhất, là loại gây tê giảm đau bằng bơm truyền tự động trong 48h.

Sau khi mổ xong thì vợ được chuyển sang phòng hồi sức ở ngay tầng 2 để theo dõi chứ không lên tầng 3. Lúc ấy vợ mình bị tê chân do thuốc, đồng thời tác dụng phụ khiến cơ thể ngứa ngáy và phù rất to, đặc biệt là phía bên trái. Điều dưỡng phải giảm bớt liều lượng thuốc để giảm tác dụng phụ. Nhưng tác dụng phụ với vợ mình vẫn còn nhẹ, có nhiều người bị nôn mửa, lạnh, ngứa nữa cơ. Tác dụng phụ này cũng tuỳ người, không phải ai cũng giống ai.

Tối hôm ấy mình chạy xuống cổng mua cháo cho vợ với cơm cho mình. Hết 50k cho hai vợ chồng, con gái ngủ ngoan nên hai vợ chồng ăn uống không bị trở ngại gì nhiều ngoại trừ việc vợ mình ngồi dậy hơi khó. Vợ mình cũng ăn hết bát cháo, lúc đầu mình còn sợ nhiều quá ăn không hết cơ. Nhưng may mà vợ mình ăn được mới lại sức. Ăn xong cơm vẫn còn nắm xôi từ sáng, mình để dành đến đêm thì ăn nốt.

Đêm hôm ấy con mình có khóc mấy lần, mà cũng chả phải khóc, nó é é mấy tiếng thôi. Bé nhà mình khóc vì đòi ăn hoặc đòi thay bỉm thôi, thỉnh thoảng có giật mình khóc nhưng vì có bố mẹ ở bên nên không nhiều. Vợ mình thì có sữa sớm, khi mang bầu tháng thứ 7 đã bắt đầu có sữa rồi nên cho con ti luôn. Nhưng con gái chỉ liếm liếm chứ không ngậm hẳn vào được, hai vợ chồng phải bóp cho sữa chảy ra cho con ti. Cách làm này hơi thủ công mà hiệu quả không cao lắm nhưng lúc đó mình cũng chẳng nghĩ ra cách nào tốt hơn.

Sau hai lần ti như thế, đến lần thứ ba thì mình xoay xoay tí con mình hút rồi ngậm chặt luôn. Giỏi quá đi mất, ngậm chặt rồi nó mút ầm ầm, vợ mình kêu đau, chảy cả máu. Vì sữa mới ra ít nên nó càng hút mạnh. Chưa ăn uống được gì nên vợ mình uống tạm một cốc nước nóng cho sữa ra thêm nhưng không ăn thua lắm. Dù đau nhưng vợ mình cố cho bú, để con được bú sữa mẹ hoàn toàn chứ không muốn dùng sữa ngoài. Nhưng cuối cùng vẫn không thể chịu được, sữa chỉ ra ít mà nhu cầu của con thì chưa thấy có dấu hiệu giảm đi. Thậm chí bú không được gì bé còn giật mạnh hơn nữa ý. Thế là mình tranh thủ pha bình sữa ngoài, may mà đã mua luôn từ sáng.

Sữa ngoài mình pha 30ml vì nghĩ con mình vừa sinh chả cần nhiều. Người ta bảo lúc đầu bé chỉ cần 5-7ml thôi. Lúc đầu con mình cũng chỉ cần ít thôi thật, nhưng phải hơn 10ml vì pha 30ml bé hút hết một nửa. Sữa pha rồi bé không ăn mình lại đành uống tạm. Nhiều người không uống được sữa do thiếu enzym phân giải lactose có trong sữa, nhưng mình uống sữa tươi từ ngày xưa không vấn đề gì rồi thì chắc chắn sữa này cũng không vấn đề. Uống sữa của con thì thấy nó béo béo chứ không ngọt, mùi vị cũng dị dị chứ không phải kiểu sữa bình thường.

Sau 1 hoặc 2 lần chỉ uống hết có một nửa như thế, tầm 11h gì đó con mình hút phát hết 30ml luôn. Thế mới biết mấy thông tin trên mạng chả cái nào đúng cả, nào là 72h đầu bé không cần ăn vẫn đủ dinh dưỡng, nào là sữa đầu là đủ vì bé chỉ cần 5-7ml. Toàn vớ vẩn, 30ml hút phát hết luôn mà không cho ăn tụt đường huyết thật chứ chả chơi.

Tối hôm đó có nhân viên khoa mổ đến kiểm tra giảm đau và hướng dẫn sử dụng thêm cho vợ mình, dặn dò là sau 48h sẽ rút ra dù còn thuốc hay không. Tầm hơn 9h tối hôm đó có người đến các phòng gọi đi mượn giường gấp. Mình đi ra mượn, nó ở gần cây nước, có thể nói là đi từ góc này đến góc kia ủa khoa. Quy trình mượn rất đơn giản, đọc tên và phòng là xong.

Giường gấp cũng đủ người nhà nằm thoải mái, tuy nhiên là khi nằm xuống hoặc đứng lên thì hơi cọt kẹt, bé nào mà thính thủ thì rất khổ. May mà bé nhà mình ngủ ngoan nên không sao. Phòng mình tương đối rộng nên sắp xếp được cả ba giường trong phòng. Nhiều phòng đôi xung quanh không đủ chỗ phải ra ngoài hành lang. Ngoài ra nhiều người cũng ngủ ở ghế chờ bên ngoài, kiểu nhà có nhiều người đến viện chăm sản phụ nhưng chỉ có một người có giường gấp thôi nên những người khác phải nằm tạm bên ngoài.

Dù đã mượn giường gấp nhưng cả hai vợ chồng mình đều không ngủ được, cứ thích chơi với con ý. Vợ mình cố ngồi dậy ăn uống rồi ngắm con nhưng vẫn đau. Dù có giảm đau nhưng khi ngồi vết mổ bị kéo căng ra, nên vẫn đau. Con gái mình ngoan lắm, bé ngủ ngon, mình sợ gió vì phòng bật quạt trần liên tục nên lấy chăn quấn kín mặt cho bé. Nhờ thế mà bé càng yên tâm ngủ ngon hơn. May mà con mình ngoan bố mẹ đỡ mệt chứ mấy nhà xung quanh lâu lâu lại nghe trẻ con khóc dé lên, mà họ cũng chả dỗ, cứ để khóc như thế trong lúc pha sữa.

Đêm đó con mình phải thay tã mấy lần, con ị phân su lại é é mấy cái cho bố mẹ biết. Tưởng phân su thế nào, hoá ra nó nâu sẫm, đặc và dính, cảm giác như kiểu sô cô la hoặc nhựa đường bị nóng chảy ra.

Thay tã cho con cũng không khó lắm, dùng khăn vải đa năng nhúng nước nóng (nước nóng là do nhà bên cạnh bơm đểu nhưng thực ra nước không nóng cũng được) rồi lau sạch cho con, chờ một tí khô rồi đóng tã mới. Khó nhất là giai đoạn lau đó thôi, mình lau cho con mà chỉ sợ da bé nhạy cảm, lau mạnh thì đau mà lau nhẹ thì không sạch. Được cái phân su không bám chặt lắm, lau rất dễ dàng, nhưng nếu lúc con ị không biết để nó khô lại thì cũng phức tạp phết.

Ngày thứ nhất

Lịch một ngày làm việc của bệnh viện thường tập trung vào buổi sáng, buổi chiều thì ít việc hơn còn buổi tối thì các gia đình tự lo.

Sáng ra tầm 6h sẽ có người đi các phòng nhắc trả giường, sau đó sẽ có bảo vệ đi nhắc nhở người nhà mặc áo vàng, người nào không có áo thì mời ra ngoài. Họ chỉ đi nhắc một lần thế chứ cũng chả quay lại kiểm tra.

Sau đó một lúc sẽ có người đi đổi đồ vải. Họ sẽ mang một bộ quần áo sản phụ đến, mình thay và trả cho họ, nếu muốn đổi ga thì họ sẽ thay cho luôn. Còn những thứ khác như chăn, áo, tã sơ sinh thì mang ra xe họ kéo ở hành lang để đổi. Đồ vải một ngày họ đi đổi một lần như thế thôi, nhưng nếu muốn thì mình có thể ra phòng mượn đồ vải để đổi bất cứ lúc nào.

Sau đó sẽ có bác sĩ sản đi khám cho mẹ, rồi bác sĩ nhi đi khám cho bé. Và có y tá đi phát thuốc, điều dưỡng vệ sinh cho mẹ, y tá mang con đi tắm, đi tiềm. Việc khám và phát thuốc cũng như vệ sinh không phải lần lượt ngày nào cũng như ngày nào mà tuỳ vào nhân sự của khoa, có lúc khám mẹ khám bé trước rồi mới phát thuốc, có hôm thì ngược lại.

Phần lớn việc tập trung như vậy là hết buổi sáng, buổi chiều có y tá đi phát thuốc một lần nữa, điều dưỡng đi vệ sinh cho mẹ một lần lúc đầu giờ chiều và một lần lúc chập tối.

Ngoài ra thì có nhân viên khoa mổ đi kiểm tra gây tê một lần buổi sáng một lần buổi chiều, một y tá đi đo nhiệt độ cho các mẹ hai lần một ngày và các nhân viên dọn vệ sinh thường xuyên nữa. Những việc này diễn ra rất nhanh và không ảnh hưởng lắm đến sinh hoạt. Buổi tối thì có người đến phát danh thiếp quảng cáo dịch vụ chăm sóc bé và mẹ sau sinh, cùng dịch vụ thông tắc tia sữa. Dịch vụ thì nhiều nơi nhưng giá cả giống nhau cả.

Về cơ bản phần của bệnh viện là như thế, ngoài ra nếu có chuyện gì có thể gọi điện thoại đến phòng hành chính khoa, số điện thoại họ dán sẵn trên tường, họ trực 24/7 có chuyện gì họ sẽ giúp. Ngoài những việc trên thì các gia đình tự lo ăn uống, sinh hoạt, cho con ăn, v.v… Nắm được lịch như thế rất quan trọng, nếu không sẽ bị cuốn theo hết việc này đến việc khác mà thành bị động trong mọi việc, cuối cùng không việc nào ra việc nào.

Ngày đầu tiên của mình đã diễn ra như vậy, sau khi trả xong giường gấp, thì có y tá đến phát thuốc cho mẹ. Vợ mình vừa mổ được họ thay băng và bảo khi nào ra viện sẽ được thay lần nữa. Vừa làm họ vừa hướng dẫn cách cho con bú. Họ còn hướng dẫn sử dụng chai nước rửa tay khô diệt khuẩn nữa.

Y tá nói rất hay, ví dụ phải bú hết một bên mới chuyển sang bên còn lại. Vì sữa ban đầu sẽ trong sau đó đục dần, nếu chuyển sớm quá con chỉ bú được phần trong sẽ không đủ dinh dưỡng. Nên cố gắng cho con bú các sớm càng tốt, đặc biệt không nên bỏ phí sữa đầu.

Tuy nhiên có một điều mình không thấy hợp lý lắm, gì mà phải cho con ngậm hết quầng thâm mới hiệu quả. Quầng to như thế đừng nói là con mình đến bố nó ngậm còn chả vừa. Có lẽ kiến thức đó áp dụng với nhà khác.

Y tá thay băng cho vợ mình rất nhanh, rồi họ cho một viên bổ máu và tiêm kháng sinh. Riêng thuốc kháng sinh thì mình thấy nhà mình dùng Ama-power còn những nhà khác có bảo hiểm y tế thì dùng loại khác. Khi tiêm họ có cho vợ mình xem nhãn mác cũng như hạn sử dụng. Kỹ thuật tiêm thì hơi dị, tiêm tĩnh mạch, trước khi tiêm họ hút ra một ít máu rồi mới bơm thuốc vào. Tuy nhiên, y tá hôm đó kỹ thuật tốt nên vợ mình không thấy đau gì.

Lại nói về bảo hiểm y tế, nếu có thì vẫn có thể dùng được nhé. Phần lớn dịch vụ ở khoa D3 và D4 là tự nguyện nên bảo hiểm sẽ không chi trả nhưng vẫn có những phần bảo hiểm y tế chi trả được, ví dụ như thuốc men, thiết bị máy móc. Nếu có bảo hiểm y tế sẽ giảm được khoảng 1-2tr tiền viện phí.

Sau khi phát thuốc xong nghỉ một lúc thì vợ mình đi vệ sinh. Cũng nên đi lại vì họ dặn sau 24 cũng cố gắng đi lại cho vết thương không bị dính. Vợ mình còn đau với căng vết mổ nên không đứng thẳng mà cong lưng (gần như song song với mặt đất) để đi. Mình đi theo cầm bình thuốc và có gì thì giúp thêm. Ngày đầu đi vệ sinh đúng là khổ, bụng mới mổ cơ chả có lực, vợ mình dặn mãi không được, sản dịch ra nhiều, đi vệ sinh phải thay cái quần bỉm mới. Cái bình gây tê cầm theo vướng víu, tuy nhiên cái bình này lúc đó mình không biết, nó có quai có thể đeo trên người được chứ không nhất thiết phải cầm tay.

Đi vệ sinh xong thì đến lúc tắm bé, y tá đến và bế bé đi. Họ có một cái xe, quây kín xung quanh, các bé được xếp ngay ngắn ở bên trong. Chỉ không đến 15 phút đã thấy bé nhà mình được tắm xong. Mà thật là vi diệu, sau khi tắm xong, không ăn uống gì mà bé cứ ngủ tít.

Xong mọi việc như thế thì cũng gần 10h. Mình tranh thủ chạy về nhà lấy thêm ít đồ do chuẩn bị chưa đầy đủ, quan trọng nhất là thay bộ quần áo ở nhà cho thoải mái. Hôm trước đang chuẩn bị đi làm thế là mang nguyên bộ đó đi, mặc không thoải mái lắm mà cũng không tiện chăm vợ, đặc biệt là bế con rất khó do mình mặc quần bò đeo thắt lưng để tì vào người bé. Trước khi về hai vợ chồng nhanh tay đổi bỉm cho con. Mình dùng loại miếng lót nên dán thẳng có vào tã của bệnh viện, khi tắm họ làm gì thì làm, giữ lại tã quần của mình sau này dùng tiếp.

Hôm đó trời vừa mưa to xong, đang gió lạnh căm căm. Mình về nhà nhanh chóng lấy đồ rồi quay lại, tiện thể mang đi một nải chuối với 4 quả táo, hai chai lavie bé. Phòng có tủ lạnh nên đồ mình cho hết vào trong đó, mà tủ lạnh chả ai dùng trừ nhà mình. Hai chai nước thì hơi thừa vì ở trong viện dùng nước nóng, không thì cũng phải ấm chứ không dùng nước lạnh, mình mang đi lại mang về. Hoa quả thì hai vợ chồng ăn dần, ăn chuối có vẻ tốt do mang lại nhiều năng lượng, nhưng phải là chuối chín.

Lúc mình quay lại viện thì vợ mình bảo xì hơi được rồi, có hai bác sĩ vừa đến khám cho mẹ và bé. Còn ngay trước khi mình quay lại con mình được đưa đi tiêm phòng viêm gan B mũi sơ sinh và uống vitamin K. Mình đến một lúc thì con được bế về, bé đi tiêm mà về vẫn ngoan, không quấy khóc, chỉ hơi đói đòi ăn tí thôi. Mà bé nhà đòi ăn trông yêu lắm, miệng chọp chẹp, thèm quá còn cho tay vào mút mút. Mút cả mu bàn tay, vừa tiết nước bọt vừa mút ướt hết cả thay. Nhìn thương lắm, ai nỡ để con đói bao giờ.

Mặc dù vợ mình còn đau do hôm trước bé mút mạnh quá chảy cả máu nhưng vẫn cố gắng cho con ti. Mình tranh thủ pha cho mẹ bé một cốc sữa nóng. Tuy nhiên là cũng chỉ có một ít sữa cho con bú thôi, mình vẫn phải pha bình cho con. Mình vẫn pha như hôm trước là 30ml thì thấy vẫn đủ, con chưa có nhu cầu uống nhiều hơn.

Trưa hôm đó mình mang bánh mỳ với cháo nấu ở nhà đi. Vợ mình ăn cháo, mình ăn bánh mỳ, cháo hơi đặc do nấu từ sớm nhưng vợ mình cố ăn để có sữa cho con.

Ăn uống xong hai vợ chồng nghỉ ngơi, thay bỉm cho con. Con vẫn ra phân su, không khác gì đêm hôm trước cả. Đầu giờ chiều biết sẽ có người đi vệ sinh mẹ nên vợ mình tranh thủ đi vệ sinh trước. Vợ mình vẫn chưa đi lại bình thường được mà cong lưng như hôm trước.

Chiều hôm đó, gia đình ở giường 27 ra viện, họ thu dọn đồ đạc từ rất sớm. Ông chồng đi thanh toán viện phí còn hai mẹ con thì thu dọn. Đồ đạc họ nhiều cực kỳ, kiểu không định đẻ dịch vụ mà cứ chuẩn bị hết mọi phương án, đến viện thì phương án nào cũng không lo thiếu đồ. Mà họ về mình càng thấy mừng, nhà này có tính di truyền hai mẹ đều bị là thích dạy đời người khác. May mà chưa lây sang cho ông chồng. Lúc mình đến, chắc nghĩ mình không biết gì hay sao mà chỉ nào là mở tủ đi, nào là lấy giỏ ra, trải ga, lấy chăn. Thực ra mình đâu có ngu tới mức phải nhờ họ bảo, mà mình không làm thì lúc sau cũng có điều dưỡng tới kiểm tra phòng rồi làm giúp thôi mà.

Mấy ngày ở đó nhà này, nhất là bà mẹ cứ luôn mồm luôn miệng. Hơi một tí là mang kiến thức với kinh nghiệm của bản thân ra để dạy các nhà khác. Mà kiến thức thì hay lắm ấy, mà không có ai muốn nghe mà vẫn cứ nói, tài thật. Mới chập tối bảo người ta pha sữa đi không đêm con đòi pha không kịp, bác pha chuyên nghiệp thế mà vẫn không kịp. Rồi đứa con gái bảo chồng ra chỉ mình cách pha sữa. Pha sữa thì có cái gì, pha nước nóng vào nước lạnh cho nó âm ấm. Mình lấy tay thử thấy ấm thì chắc chắn là vừa vì bình thường mình có chịu được nóng bao giờ đâu. Pha sữa thì nhanh không, chắc chỉ hai phút là xong làm sao mà không kịp, bác chuyên nghiệp quá cơ. Nhưng mà thôi, mình cũng chả nói ra không lại mất hoà khí.

Chiều hôm đó có người đến vệ sinh mẹ rồi y tá đến tiêm thuốc buổi chiều. Buổi chiều chỉ có một liều kháng sinh như buổi sáng chứ không có thuốc uống. Tuy nhiên, y tá buổi chiều có vẻ mới vào nghề nên tiêm không nhẹ nhàng lắm, tiêm xong một lúc thì vợ mình kêu hơi buốt. Xong việc buổi chiều phải tận 7h tối mới có người đi vệ sinh cho mẹ một lần nữa. Thực ra lịch đúng là 8h tối cơ.

Những lúc còn lại hai vợ chồng rảnh rỗi ăn táo với chăm con. Chuối mình mang đến không được chín lắm nên mỗi người ăn có một quả. Sợ ăn xanh rồi tắc đầu ra thì nguy hiểm. Con gái rất ngoan nên hai vợ chồng không mệt mỏi gì, đến giờ con đói thì cho ăn, ị thì thay bỉm, tuy nhiên là vợ mình hơi khổ do đang đau mà vẫn cố cho con ti. Không cho ti thì cũng nguy hiểm vì có nguy cơ bị tắc sữa rồi viêm nhiễm ở trong. Thông tắc tia sữa hết 350k mà nghe thiên hạ đồn là thông một lần vẫn có thể tắc lại phải thông lại.

Một điểm hơi bất cập là ở khoa D3 và D4 đều có wifi nhưng không có mạng, mặc dù ở khoa B7 thì mình vẫn bắt và dùng bình thường. Nên nếu muốn vào mạng thì phải dùng 4G, mình đăng ký mấy gói data dùng cho rẻ. Tuy nhiên không có cũng không ảnh hưởng lắm, vì thời gian chủ yếu là để chăm sóc mẹ và bé cũng không cần vào mạng làm gì.

Tầm hơn 4h thì có một nhà mới nhập viện được nhận giường 27, giờ giấc cũng gần giống mình hôm trước. Vừa nhận phòng, sản phụ chưa về bà mẹ tranh thủ đi hỏi han xung quanh. Ra chỗ con mình hỏi “cu hay đĩ”, sao nghe ghét thế, mình chả thèm trả lời. Lúc sau thì con bà với bé được đưa về, vừa về bà ấy cho con với cháu ăn mỗi người một lát chanh. Cháu chưa ăn được bà ấy vắt nước chanh vào miệng, nó nhăn hết cả mặt, bảo là làm như thế cho hết dãi. Chả hiểu ở đâu ra cái bài phản khoa học như thế, chắc kinh nghiệm “từ các cụ”.

Một điểm hơi dị, từ thời điểm này đó là, phòng chỉ còn một mình mình là đàn ông, còn lại toàn là các mẹ đi chăm con gái đẻ thôi. Các phòng khác thì đàn ông rất nhiều, buổi tối nhiều ông phải ra hành lang ngủ cơ mà. Thế nên rất nhiều việc trong phòng, nhất là đỡ các bà đẻ mổ nằm xuống, ngồi dậy toàn đến thay mình cả.

Tầm khoảng 5:30 thì mình xuống mua cơm luôn cho sớm, vừa đỡ lạnh vừa có nhiều lựa chọn hơn. Giờ ăn uống thoải mái hơn rồi nên mình mua hai suất 40k và một bát cháo, cũng là để ăn bù cho buổi trưa luôn, cháo thì là đề phòng vợ chưa ăn cơm được thì ăn. Vợ không ăn thì mình ăn, không thì bỏ đi cũng được, phí 20k nhưng mà cần thiết. Có vẻ hơi nhiều quá vì vợ mình chả ăn mấy, toàn mình ăn là chính, do vết thương bị căng, ăn nhiều dạ dày phình ra rất khó chịu. Mà mới mổ như thế cũng không cười được cơ, muốn vui tính lắm mà đành phải nhịn vì mỗi lần làm vợ cười là đau lắm.

Ăn cơm xong thì cả nhà ngồi chơi, có một nhân viên khoa mổ đến kiểm tra giảm đau một lúc rồi về. Họ dán thêm một miếng băng dính cho chặt, lúc dán họ còn tí nữa thì rút ra vì mất tập trung. Lúc sau thì thấy có người đến phát danh thiếp quảng cáo dịch vụ, họ phát rồi đi luôn chứ cũng chả nói gì mà có nói mình cũng chả quan tâm.

Tối hôm đó con mình có dấu hiệu bị vàng da. Vàng da thì cũng là bình thường, vì bé vừa sinh ra hồng cầu chết không có enzym phân giải nên bị vàng ra. Nếu bị ít thì sẽ tự khỏi nhưng có những bé bị vàng da bệnh lý phải đi chiếu đèn. Con mình lúc đầu thì chỉ nhẹ nhẹ, mình còn nghĩ là do bé cào mặt làm nó đỏ lên trong lúc đòi ăn, nhưng vệt vàng, nhất là ở trên má thì cứ rõ dần.

Tầm hơn 9h thì vợ mình ăn nốt chỗ cháo. Vì không ăn được cơm nhiều nên vợ mình cố ăn cháo mà cũng chỉ được có ít, mình lại phải ăn nốt. Phải nói là đi viện mà mình ăn nhiều thật, hết ăn cơm thừa của vợ lại uống sữa thừa của con.

Rút kinh nghiệm từ đêm hôm trước, hôm nay hai vợ chồng đi ngủ sớm. Nói là sớm mà cũng phải hơn 11h mới ngủ. Đang ngủ thì mình được vợ gọi dậy, khổ thân vợ mình, gọi mãi không được, chắc mình mệt quá nên ngủ say, vợ mình nghĩ ra cách lấy đồ đạc trên giường ném vào chỗ mình nằm. May mà mới ném mấy cái khăn xô thì mình tỉnh. Tỉnh dậy thì con đang khóc, đòi thay bỉm, vợ mình không thể làm được.

Phải nói là lúc đó, chắc tầm 2h sáng, mình buồn ngủ vô cùng, thậm chí mình không dám ngồi vì ngồi một cái đảm bảo ngủ gật luôn. Trong lúc buồn ngủ như vậy, mình cũng cố gắng thay bỉm cho con. Con vẫn ra phân su, nhưng màu bắt đầu nhạt hơn rồi. Thay xong thì bé không ngủ nên mình pha thêm một bình sữa, mẹ cháu mệt quá rồi không cho ti nổi nữa. Bé uống sữa xong thì gà gật mình đặt bé nằm xuống cạnh mẹ rồi đi ngủ tiếp. Quá mệt nên nằm xuống cái là ngủ ngay.

Nằm ngủ chắc chỉ năm phút vợ mình lại gọi mình dậy. Lần này vẫn theo cách cũ, may mà gọi được không thì con khóc cũng không biết phải làm sao. Mình lại dậy, gà gật pha cho con một bình sữa nữa. Mặc dù rất buồn ngủ nhưng mình phải cố gắng để pha đúng tỉ lệ cho con. Pha loãng thì con tiêu chảy mà pha đặc thì không tiêu hoá được, nên mình phải căng mắt ra nhìn. Cũng may mà vẫn chính xác, thế là mình cho con ti.

Bú xong bé lại gà gật nên mình cho bé nằm xuống giường. Nhưng lần này mẹ bé nằm xoay ngang, người trên giường nhưng thò chân xuống ghế gấp của mình, để nếu cần thì đạp cho mình dậy chứ gọi thế kia không hiệu quả lắm. Nằm kiểu đó thì hơi hụt hẫng nhưng thôi cũng được, còn hơn là gọi mà mình chả biết gì.

Lại ngủ được một lúc nữa thì vợ gọi, con lại khóc. Lần này vẫn là đòi ăn, quái, sao ăn khoẻ thế không biết, 2 lần 30ml mà vẫn chưa đủ. Mình lại pha thêm một bình nữa và cho con bú, cũng như lần trước, bé bú xong lại ngủ thêm.

Mình lại nằm xuống ghế ngủ, được một lúc lại thấy vợ đạp đạp gọi dậy. Vẫn là bé đòi ăn, mình lại pha thêm 30ml nữa. Vậy đã là bình thứ 4 rồi, cũng vẫn một phát hết ngay. Sau khi ăn xong thì bé nhà mình biểu hiện cực lạ, cả hai vợ chồng chả hiểu là bé muốn gì. Bé không khóc mà phồng mồm, trợn mặt, chu mỏ rồi tìm cách ưỡn lưng với đạp chân. Mình bế mà lưng bé cứ cong lên, sợ quá đi mất, miệng chu chu chứ không kêu khóc gì. Đang định gọi y tá thì nghe pịp một phát to tướng, to hơn hẳn mọi lần luôn.

Lần này pịp khác hẳn những lần trước, phân su đã nhạt hơn và có lẫn màu vàng vàng. Chắc là sắp hết phân su và bé đã tiêu hoá được, thảo nào mà ăn khoẻ thế. Biểu cảm vừa nãy đúng là kiểu dặn mãi mới ra được, ra một cái là nhẹ cả người. Thế là hai vợ chồng lại thay bỉm cho con. Được cái bỉm này bao bọc tốt nên thay miếng lót là xong, bỉm dán ở ngoài không bị bẩn bao giờ nên không cần giặt chứ giặt mà không khô được thì hết cái để dùng.

Thay bỉm xong thì con ngủ ngoan ngay, đúng là nhìn con cũng biết nó ngủ say rồi, khác hẳn mấy lần trước. Nhìn đồng hồ thì mới 4h sáng, vậy là trong 2 tiếng con mình đã ăn hết 120ml sữa và thay bỉm 2 lần. Không biết có trẻ sơ sinh nào như thế không nữa.

Đêm nay đúng là một đêm kinh hoàng, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đánh giá sai lầm khả năng ăn uống của con. Lần này ăn hết 120ml nên từ đó mình sẽ pha 60ml một lần luôn. Sau khi ti 4 bình thì bé ngủ ngon nên từ đó hai vợ chồng cũng ngủ được, tuy nhiên là cũng đến 6h thì dậy thì đã bắt đầu ngày mới. Mà phải công nhận là từ lúc có con mình mới biết khả năng chịu đựng của mình thật là phi thường. Bình thường chả bao giờ chịu được nóng thế mà mấy hôm liền chịu tốt lắm. Rửa bình sữa, thay bỉm cho con, toàn dùng nước nóng chảy thẳng ra từ bình nóng lạnh mà vẫn chịu được. Tuy nhiên, nước ở trong phích thì vẫn chịu, phải pha ra mình mới động vào được.

Ngày thứ hai

Ngày thứ hai diễn ra cũng tương tự ngày hôm trước, thời gian và thứ tự các việc có thay đổi đôi chút nhưng công việc thì vẫn vậy.

6h sáng mọi người được gọi dậy đi trả ghế gấp rồi bảo vệ đi nhắc người nhà mặc áo vàng. Hai vợ chồng dậy đánh răng rửa mặt, xong mình giặt khăn mặt với khăn xô của con rồi dùng mắc phơi lên cửa sổ.

Sau đó một lúc thì có nhân viên, mặc đồ màu xanh, không rõ là hộ lý hay gì đến kiểm tra chai nước sát trùng. Họ bảo mang đi đổ thêm nước nhưng chả thấy thêm gì mà mang lại cái chai cũ, lấy mất giá treo. Lúc trước có giá treo thì chai được treo ở đầu giường 53, không còn giá họ để trên nóc tủ gỗ. Về cơ bản thì không ảnh hưởng nhiều lắm, có điều từ đó về sau, mỗi lần y tá đến lại hỏi cái giá treo đâu. Mà chai nước sát trùng đó chỉ có mỗi phòng mình được để trong phòng, 3 giường dùng chung, các phòng khác có giá treo ngoài cửa, hai phòng chung một chai.

Tranh thủ lúc y tá, bác sĩ chưa làm việc mình xuống dưới mua đồ ăn luôn, kẻo muộn hơn lại có nhiều việc khác rồi lại không kịp ăn như hôm trước thì khổ. Sáng ra mình mua một bát cháo với hai cái bánh bao, vợ mình thích ăn loại nào thì ăn loại đó. Cháo thì vẫn như mọi hôm, bánh bao 10k/cái, ăn cũng được, giá đó mình thấy cũng không đắt. Ngoài ra thì có cả người bán khoai lang, ngô luộc, nhiều thứ lắm nhưng mà giá đội lên rất nhiều.

Mua cháo về vợ mình vừa ăn xong, được có một nửa thì căng bụng, mình mời bánh bao cũng không ăn. Vừa ăn cháo xong thì bác sĩ sản khoa đi cùng một y tá đến. Bà y tá này béo mà nói nhanh kinh khủng, vừa đến thì đòi mình cất mấy cái mắc đi, rồi dọn lại tủ nhựa. Thôi thì họ nhắc thì mình làm, mình cho khăn vào tạm một cái túi ni lông cho khỏi ướt, đồ trên tủ thì cho vào trong, còn lại sữa, bình sữa rồi cốc nước mình cứ để nguyên đó.

Sáng ra thấy vệt vàng trên mà con mình càng rõ hơn, vàng như nghệ luôn ý. Bác sĩ sản khám cho vợ mình xong thì bảo là ổn định, mình có hỏi về tình trạng của con thì bác sĩ bảo để bác sĩ nhi khám, anh không chuyên nên cũng chỉ biết qua thôi.

Sau khi bác sĩ sản khám xong một lúc thì mình tranh thủ ăn cháo với bánh bao. Mới ăn cháo xong thì bác sĩ nhi đến khám. Vợ mình có hỏi nhưng bác sĩ bảo không, từ hôm qua anh đã thấy nó vàng rồi, mười mấy năm kinh nghiệm làm gì mà anh không biết. Nhưng chỉ có một ít ở mặt thì không lo, bao giờ nó lan xuống tay, người, xuống tận chân thì mới phải khám và chữa. Mà bây giờ vẫn đang nằm viện nên không lo, có gì thì cũng có thể chữa ngay được, khoa sơ sinh ở rất gần.

Hai bác sĩ khám xong thì mình tranh thủ treo lại mấy cái khăn cho khô. Vừa treo lên thì bà y tá béo quay lại phát thuốc. Lúc phát thuốc cho vợ mình bà ấy nói gì nhanh quá mình nghe cũng chả rõ. Chỉ biết câu cuối cùng là cất bớt đi, mình lại cất tạm đợi bà ấy đi thì treo lên tiếp.

Hôm nay vợ mình vẫn được phát thuốc như hôm trước, bà y tá này tiêm cũng được, không bị buốt như thực tập hôm trước, nhưng cũng không nhẹ nhàng lắm. Phát thuốc một lúc thì bà ấy đi thôi, không thấy ý kiến gì nữa. Y tá đi xong thì có người đến vệ sinh mẹ, sau đó thì có một khoảng rảnh rỗi khá dài.

Trong khoảng thời gian đó, vợ mình cho con bú, vẫn đau lắm. Mấy bà trong phòng bảo là nứt cổ gà, phải bôi thuốc mới hết đau. Thuốc xịn thì bôi xong con vẫn bú được, còn không thì bôi xong mấy ngày sau mới bú. Vợ mình không bôi gì cả, sợ ảnh hưởng con. Cũng khổ mẹ Cốm, đau như thế mà vẫn cho con bú. Mà bé lại mút mạnh nữa chứ, vì sữa đầu ra vẫn chưa nhiều nên bé càng hút mạnh. Cho con bú xong thì lại pịp, hai vợ chồng thay bỉm cho con. Lần này phân đã vàng, chỉ còn rất ít màu đen bám vào. Vậy là bé đã hết phân su rồi đó, từ giờ trở đi tiêu hoá bình thường được rồi, chắc ăn khoẻ lắm đây.

Khoảng 9h sáng thì có y tá đến bế bé đi tắm. Lúc bế bé nhà mình họ bảo lưng bé nóng lắm, ra mồ hôi mà sao mình vẫn quấn chăn kín thế. Bố mẹ đoản quá đi mất, mấy hôm cứ sợ con lạnh lên quấn cẩn thận, vì nhà bên cạnh bị khò khè mình lại càng đề phòng. Khổ thân con gái bị nóng hết lưng mà không kêu được.

Tắm chỉ tầm 10 phút thì bé được mang về, ngay sau đó thì lại có y tá đến đưa bé đi lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh. Nhà mình và nhà giường 53 được đi đi cũng một lúc, tuy nhiên, giường 53 được trả về sau khoảng 30 phút. Nhà họ còn sàng lọc thêm nữa nên sau khi trả về, y tá có bảo người nhà bế bé xuống tầng 1 siêu ấm thóp. Còn con mình mãi vẫn chưa được trả về, mặc dù được đưa đi cùng lúc. Chờ con về hai vợ chồng cũng lo, trước khi đi tắm con chỉ bú mẹ được ít thôi, lâu về thế sợ con bị đói. Rồi lấy máu gót chân con bị đau khóc thì ai dỗ.

Trong lúc chờ con về thì có nhân viên khoa mổ đến rút kim cho vợ mình. Thực ra lúc ấy mới hơn 9h chưa được 48 tiếng kể từ lúc bắt đầu nhưng chắc đến giờ họ làm việc nên cứ đi rút thôi. Rút ra thì đơn giản, họ thao tác rất nhanh, sau đó mình lấy khăn ướt lau những chỗ băng dính bám vào lưng vợ. Dán băng dính hai ngày liền nó dính cũng khá chặt, mình lau một lúc mà vẫn còn chỗ chưa sạch hết, nhưng vì cơ thể còn nhạy cảm nên không lau mạnh được.

Một lúc sau, tầm 10h sáng thì có người đến dọn vệ sinh phòng. Lần này họ lâu cả tủ nhựa luôn, nên mình dọn đồ trên mặt tủ một chút. Thực ra họ chỉ lâu mặt trên cùng thôi nên mình cho hết xuống ngăn dưới là được. Sau đó thì không còn việc gì nữa. Tận 11h vẫn chưa thấy con về, hai vợ chồng lo quá, định gọi cho khoa xem con đang ở đâu thì bé được mang về. Lúc mang về bé đang ngủ rất ngoan, chân có băng một miếng vải to tưởng. Không biết con có bị đau không mà ngủ ngon thế. Khi mang trả bé, họ có đưa một phiếu hẹn gần 2 tuần sau trả kết quả.

Sau khi con về hai vợ chồng mới yên tâm, mình tranh thủ xuống dưới mua đồ ăn. Lần này rút kinh nghiệm từ những lần trước, mình mua hai suất 30k thôi, mua nhiều quá ăn không hết, vì vợ mình có ăn mấy đâu. Trưa hôm ấy hai vợ chồng ăn cơm, rồi chăm con thôi. Con gái pịp thêm một lần nữa, nhưng lần này thì chính thức hết hẳn phân su, toàn hoa cà hoa cải chứ không còn chút màu đen nào.

Một điểm đặc biệt nữa là đến lúc thay bỉm mình mới phát hiện con mình đã mất kẹp rốn, chắc lúc tắm bé họ đã gỡ ra. Rốn bé khô hết rồi nhưng chưa rụng, kể ra giữ lại kẹp rốn làm kỷ niệm thì cũng hay nhưng mà mất rồi. Giường 53 bé bên ấy đẻ cùng ngày với con mình vẫn còn kẹp mà con mình đã không còn. Nhưng không có kẹp thay bỉm càng dễ hơn, vì đỡ bị vướng hơn hẳn.

Đầu giờ chiều có điều dưỡng đi vệ sinh cho mẹ nhưng vợ mình không làm, vì sản dịch cũng ít rồi, tự làm sẽ tốt hơn. Chiều hôm đó tương đối rảnh rỗi, hai vợ chồng đưa con đi sàng lọc thính lực luôn. Mình đo ở phòng đo thính lực ngay trên tầng 4, lúc đầu mình định đưa con đi thôi nhưng mà vợ mình cứ thích đi cùng. Từ phòng mình ra phòng đo chắc chỉ 10m, nên vợ mình đi cùng cũng không sao, mình chỉ lo ra ngoài bị sốc nhiệt thôi. Vì trong phòng kín không khí ấm áp lắm mà ra ngoài thì lạnh hơn hẳn. Lúc đi ra ngoài, mình sợ lạnh mặc thêm cái áo vàng. Ra ngoài gặp một y tá đang ngồi chờ thang máy, thấy mình mặc áo vàng chắc họ thấy khác người lắm, nên tranh thủ bảo với mình là áo vàng chỉ cần mặc buổi sáng thôi, buổi chiều không cần đâu.

Phòng đo thính lực rất nhỏ, bên ngoài có một bàn đo thính lực, bên trong có giường nằm để thông tắc tia sữa. Mình đến đo thính lực cho con không phải chờ gì cả, phòng chỉ có một bác sĩ ngồi trực thôi. Tưởng đo thính lực thế nào, họ có một cái máy, cắm tai nghe cho bé, đo tai nào thì thiết lập trái/phải rồi start, máy chạy một lúc sẽ có kết quả pass/fail. Nguyên lý đo đơn giản, máy sẽ phát ra sóng âm rồi đo phải hồi từ trong tai.

Sau khi đo xong thì họ viết cho mình một giấy chứng nhận. Mình mang con đi về, nhưng không về phòng ngay mà ngồi lại ở hành lang cho thoáng. Thoáng chủ yếu là cho hai vợ chồng mình thôi, mình lo con bị lạnh nên đã quấn khăn cẩn thận, còn đội cả mũ cho con nữa. Ghế ngồi ở hành lang hơi ngửa ra sau, bế con ngồi ở đó rất thoải mái, không bị mỏi lưng như ghế tựa ở trong phòng.

Hai vợ chồng ngồi ở ghế một lúc thì mang chứng nhận vừa xong ra xem. Hoá ra lúc họ hỏi tên bé là gì, cả mình lẫn vợ mình đều nghe thành “tên mẹ là gì” thế là ghi tên mẹ vào chứng nhận, mặc dù chứng nhận viết cho bé. Mình quay lại phòng đo thính lực để nhờ bác sĩ viết cho tờ khác. Cũng may là không gặp trở ngại gì, họ giúp mình luôn.

Sau đó thì hai vợ mình đưa con về phòng, ở ngoài lâu cũng hơi lạnh. Về một lúc thì có y tá đến phát thuốc buổi chiều, may không phải bà béo lúc sáng, y tá này không ý kiến gì về đống khăn mình đang phơi cả.

Ở phòng với hai nhà còn lại gặp lắm chuyện hài. Hai sản phụ đều tên là Thương, hai con được gắn số lại gần giống nhau, khác nhau đúng 1 chữ số, hai bà lại không nhớ số chau. Cứ y tá đến hỏi sản phụ Thương thì bà này chỉ sang nhà kia, hoặc y tá đọc số trẻ thì bà này nhớ nhầm số của nhà kia. May là về sau y tá cũng cẩn thận, kiểm tra lại nên mặc dù hai bà nhầm như thế nhưng họ không bị nhầm.

Tối hôm đó mình xuống mua cơm, nhưng chỉ mua 1 suất 40k hai vợ chồng ăn chung vì vợ kêu đầy bụng, không ăn được nhiều. Về cơ bản thì mình ăn vẫn đủ nhưng chắc vợ mình thiếu, nhưng không sao, giờ ăn ít cho đỡ căng bụng, đêm mình sẽ pha sữa cho vợ uống thêm. Mà pha sữa cho vợ và con mấy hôm trước có vãi một ít, nên có kiến. Mình nghĩ ra một cách, cho một ít nước vào chậu rồi hứng ở dưới, nếu có vãi sữa cũng rơi vào chậu, rửa đi là xong. Buổi tối có điều dưỡng đến vệ sinh mẹ, lúc chiều vợ mình đã không làm, định tối thì làm nhưng cuối cùng lại quyết định tối cũng thôi.

Rút kinh nghiệm sâu sắc những ngày trước, nhất là sau đêm kinh hoàng hôm qua, hôm nay hai vợ chồng đi ngủ sớm hơn. Mượn giường gấp về cái là mình nằm đó nghỉ, hai mẹ con nằm giường, không ngủ cũng cứ nằm cho đỡ mệt. Đêm nay hai bà mẹ của hai nhà kia chỉ mượn 1 giường gấp, bà này nằm giường gấp thì bà kia nằm giường với cháu. Lúc đầu mình định xoay dọc giường gấp với giường hai mẹ con vì không gian rộng rãi nhưng cuối cùng vẫn xoay ngang. Vì như thế từ giường gấp mình bật dậy ra chỗ hai mẹ con không bị vướng, nằm dọc thế kia, trừ khi là ngồi luôn tại chỗ chứ cần đi lại thì tù túng quá.

Mặc dù muốn đi ngủ sớm nhưng cũng không ngủ được, hai vợ chồng mình nằm chơi với con thôi. Được một lúc thì con ngủ, hai vợ chồng mệt quá cũng lăn ra ngủ luôn. Sau một thời gian dài, tới hơn nửa đêm thì hai vợ chồng tỉnh dậy vì tiếng kêu của con. Mình cũng không rõ là làm thế nào mà mình dậy được nữa, chắc nhờ tâm lý luôn sẵn sàng dậy bật cứ lúc nào nên con kêu cái là dậy luôn. Lúc dậy thì thấy con đang đòi ăn, vợ mình cố gắng cho bé ti một lúc nhưng sữa cũng không nhiều. Mình pha cho vợ một cốc sữa nóng để kích sữa, nóng rát luôn. Uống sữa nóng thì vợ mình ra thêm sữa ngay, nhưng mà vẫn không ăn thua.

Tranh thủ lúc bé còn đang ti mẹ, mình pha một bình sữa. Kinh nghiệm từ đêm hôm trước cho thấy, cứ đến đêm là bé lại tăng level, nên lần này mình pha hẳn 90ml. Nhưng lần này bé chỉ ăn 60ml là dừng, xong là pịp một phát, vậy là lại phải thay bỉm.

Thay bỉm buổi tối thì phức tạp hơn ban ngày một chút do mọi người đã bày giường gấp ra, đi lại hơi chật chội. Một phần nữa là do mọi người đang ngủ, làm việc phải cẩn thận hơn kẻo làm họ tỉnh, mà khổ nỗi lại đang là lúc mình ngái ngủ mới khó chứ. Thế nhưng mình vẫn thay được, nhà vệ sinh có bình nước nóng bật liên tục nên không lo, lúc nào cần nước nóng cũng có. Ngoài ra còn có phích đựng nước sôi nữa. Nhiều lúc lười mình lấy nước phích pha với nước nguội để lau cho con luôn.

Thay bỉm cho con xong thì nó lại có nhu cầu ăn tiếp, chắc vừa pịp xong nên rỗng ruột, cần phải ăn bổ sung. Mình cho ăn chỗ sữa còn lại trong bình mà vẫn chưa đủ. Lúc nãy đã tưởng không tăng level nữa rồi mà cuối cùng vẫn tăng. Mình lại pha thêm một bình 60ml nữa, lần này bé bú 2, 3 hơi mà cũng chỉ hết một nửa.

Ăn xong thi bé nhà mình bị nấc, bé nấc liên tục, hết lần này đến lần khác. Hai vợ chồng lo quá mà chả biết làm thế nào, gọi điện cho y tá trực ở khoa họ bảo là không làm gì được, để bé tự hết thôi. Tự hết thế nào được, mãi mà bé chỉ nấc thưa dần thôi chứ không hết. Thế là hết mẹ bế đến bố bế cho bé thẳng ruột, không bị nén dạ dày để khỏi. Đến lúc mình bế thì có lẽ do lạnh, nên bé hắt xì một cái, tự nhiên khỏi nấc luôn.

Xong xuôi tất cả thì bé mới yên tâm đi ngủ, mình lại đặt bé xuống nằm cạnh mẹ, lấy khăn quấn quanh đầu, vừa che bớt sáng vừa chắn gió cho bé. Vừa nằm được một lúc, mình cảm giác còn chưa kịp ngủ thì nghe tiếng thình thình ở tầng trên, kiểu đuổi nhau. Một lúc sau thì nghe tiếng gọi nhau, đấm đá rồi bảo trộm gì đó. Chắc vừa ở tầng trên có trộm, mọi người đuổi bắt được rồi đánh nó. Mình định ra hóng xem có chuyện gì thì vợ cứ sợ sợ, nên mình chỉ ra chốt cửa cẩn thận rồi vào với hai mẹ con. Mọi ngày đi ngủ cửa chả được chốt bao giờ, nay có biến phải chốt cẩn thận. Cửa bằng gỗ, tuy hơi bị vênh nhưng chốt thì vẫn tốt, chốt bên trong thì đảm bảo bên ngoài không mở được.

Một lúc sau thấy khá yên ắng, mình ra cửa hóng xem thế nào thì chỉ thấy các nhà khác cũng đang đứng đầy hành lang hóng. Được cái ngay đầu hành lang khu mình có hai ông to như hộ pháp nằm ngủ ở đấy nên cũng không lo lắm. Chẳng hóng được gì mình quay lại ngủ tiếp đến sáng.

Ngày thứ ba

Mọi việc lại diễn ra như lịch những hôm trước, chỉ thay đổi đôi chút về thời gian. 6h sáng có người gọi đi trả giường gấp, sau đó bảo vệ đi nhắc người nhà mặc áo vàng. Bảo vệ lần này là một thanh niên, và khác những lần trước, thanh niên này bảo ai không có áo vàng mời ra ngoài chứ không mời xuống tầng 1.

Sau đó có người đến thay đồ vải, họ thay ga, quần áo cho mẹ. Mình mang quầo áo với chăn của bé ra hành lang đổi. Chăn của bé hai cái đều ẩm cả, do bị trớ sữa ra, nên mình phải đổi hai lần. Lần đầu đi đổi lấy một bộ quầo áo, chăn và tã mới. Sau đó lấy đồ đó thay cho bộ đang mặc trên người con rồi mang ra đổi một lần nữ. Sau khi đổi đồ vài xong mình tranh thủ xuống dưới mua cháo luôn, chỉ mua một bát cháo cho hai vợ chồng ăn chung thôi vì nhu cầu không cao.

Sau đó có bác sĩ đi khám cho mẹ, lúc khám thì có hỏi muốn ra viện chưa. Ôi mừng quá, vợ mình bảo muốn luôn, giường 53 cũng thế. Thế là bác sĩ ghi vào bệnh án gì đó, rồi bảo là hôm nay sẽ cho ra viện, con việc gì thì khoa sẽ làm nốt trong hôm nay. Mình đoán là sức khoẻ ổn định rồi thì họ giải quyết cho ra viện luôn, vì còn đông người đang chờ xếp phòng.

Một lúc sau thì bác sĩ nhi đến, bảo hôm nay ra viện à, để ghi đơn thuốc. Bác sĩ hỏi tên bé rồi ghi vào đơn. Vợ mình xem đơn thì bảo chữ bác sĩ này đẹp nhỉ, nhưng để ý thì thấy chỉ có tên bé là do bác sĩ ghi thôi, còn thuốc là nhờ người khác ghi sẵn rồi, bảo sao chữ đẹp thế. Vợ mình có hỏi về vết vàng trên mặt, bác sĩ vẫn bảo không sao đâu, bao giờ lại dần xuống tay và chân thì đi khám, bình thường thì về nhà vài hôm là tự hết.

Hai bác sĩ khám xong thì vợ mình tranh thủ ăn ít cháo. Không biết do đâu mà vợ mình ăn có tí. Vừa ăn xong thì có y tá đến phát thuốc. Y tá này vừa đến đã chém gió mát hết cả phòng.

Nào là không cần phải kiêng nhiều đâu, có bà kiêng một tháng rưỡi rồi bị nhiễm trùng vết mổ lại pháỉ nhập viện. Mà lúc bà ấy đến, y tá trực phải mở hết các cửa vì vùi quá, một tháng rưỡi không tắm cơ mà.

Rồi thì giờ có Facebook nên sinh ra lắm hội các bà mẹ. Có cả hội cuồng sữa mẹ, có sản phụ đến đây còn bảo các chị là y tá mà không biết à, trẻ sơ sinh trong 72h đầu không ăn gì vẫn được, cuối cùng con phải sang khoa sơ sinh cấp cứu vì tụt đường huyết.

Có người cuồng tới mức nhất định phải cho con uống sữa mẹ, mà mình thì không đủ sửa nên đi xin. Vấn đề ở là người cho sữa chỉ được xét nghiệm các bệnh HIV, Viêm gan B mà thôi, các bệnh khác thì không biết được. Có người bị nứt cổ gà nên có vi khuẩn, virus trong máu lẫn vào trong sửa, nhà khác xin về hậu quả là con bị bệnh lậu.

Buồn cười nhất là lúc bà ấy đang chém gió tưng bừng thì chuông điện thoại kêu “We don’t talk anymore, we don’t talk anymore”, đúng kiểu “Ngưng chém gió”.

Lúc bà ấy đang tiêm cho vợ mình thì có một nhân viên hành chính khoa đến hỏi về thời gian ra viện. Họ có thông tin thêm là khoa chỉ có thanh toán trong khoảng 14h-15h. Vợ mình còn một liều kháng sinh buổi chiều nữa nên hẹn 15h. Mình cũng không hiểu việc này có tác dụng gì.

Sau khi phát thuốc xong thì có có y tá đến gọi vợ mình đi siêu âm để chuẩn bị ra viện. Vợ mình và bà cùng phòng đi cùng nhau, phòng siêu âm ở gần cây nước nóng. Còn mình thì ở phòng trông con. Vợ còn chưa về thì đến giờ tắm bé, y tá đến bế bé đi tắm. Lúc sau thì vợ mình về, đi lại không được nhanh nhẹn lắm, mình nghe thấy tiếng nói chuyện nên chạy ra mở cửa. Lúc mở cửa thì vợ mình với bà đi cùng đang vừa đi vừa nói chuyện, đứng thẳng được rồi nhưng mà đi lại thì chưa phục hồi hẳn. Bà kia thì nhanh nhẹn hơn, có lẽ do gây mê và giảm đau kiểu khác. Dị nhất là lúc mình ra mở cửa, hai người còn trêu nhau, mà cả hai vừa cười vừa đau do vết mổ ở bụng.

Vợ mình vừa về thì con cũng được tắm xong. Có điều dưỡng đi vệ sinh cho mẹ nhưng vợ mình không làm. Buổi trưa mình chạy xuống mua cơm cho hai vợ chồng, mình xuống mua tương đối sớm do phải chuẩn bị đồ đạc để về. Mua cơm về thì mẹ đang cho bé ti, mình tranh thủ đóng gói đồ đạc. Đồ đạc mang đi cũng không có gì nhiều, bỉm đã dùng bớt đi nên ba lô càng rộng thêm, vừa đủ cho hộp sữa mua ngoài dự kiến.

Đang gói ghém đồ đạc thì có nhân viên, chắc là nhân viên hành chính, đến tặng quà cho sản phụ sắp ra viện. Quà là một túi vải khá đẹp, năm Dậu nên in hình gà con bên ngoài. Bên trong có một quyển sổ, dùng để ghi nhật ký của con và một cái khăn tắm. Quyển sổ in màu, giấy dày mà cứng, dùng để ghi lại cân nặng cũng như dán ảnh của bé vào, vừa làm nhật ký vừa theo dõi sức khoẻ của con luôn. Khăn tắm bông nhiều nhưng dệt không chặt nên có nhiều bụi bông bay ra, dùng cho bố mẹ thôi chứ cho con thì mình thấy không hợp lý lắm. Thế là ngoài cái mũ được tặng ngay khi sinh thì thêm một túi quà nữa.

Gói ghém đồ đạc xong thì dư ra một chút, may mà mình chuẩn bị sẵn nhiều túi ni lông để mang đồ về. Khi về ngoài ba lô còn dư một túi nữa thôi, cũng không nặng nề gì, mà mình định đi taxi về nên cũng không ảnh hưởng lắm, xe chở rồi mà.

Đồ đạc sắp xếp xong thì hai vợ chồng ăn cơm sớm. Ăn xong thì vợ mình thay quần áo luôn, nhà mình thay sớm để khoảng 1h họ đến lấy đồ thì mình xong sẵn rồi sẽ nhanh hơn. Trời lạnh nên mình đưa vợ áo khoác của mình đang mặc, mình thì chịu lạnh một chút cũng chả sao. Sau đó thì thay quần áo cho con, nhờ kinh nghiệm của mọi người nên quần áo mình mang đúng đủ, không phải lỉnh kỉnh xách đi, xách về.

Thay đồ xong thì hai vợ chồng ngồi chơi. Đến hơn 1h có người đến thu lại đồ vải. Họ mang hết đồ của mình cho lên giường rồi lấy ga gói lại, cho một giỏ khác vào trong tủ rồi lấy chìa khoá. Mình thấy họ nhìn qua qua chứ không đếm kỹ, rồi ghi vào phiếu tạm ứng viện phí là đã nhận đủ đồ.

Sau đó thì 2h, mình cùng bác ở giường 53 ra phòng hành chính khoa để thanh toán viện phí. Ra đó thấy nhiều người đang chờ quá, nên mình quay lại với hai mẹ con. Mình vừa quay lại thì có y tá đến phát thuốc buổi chiều, vẫn là bà y tá chém gió buổi sáng. Vợ mình nằm tạm nên giường không có ga để họ tiêm, mình thì bế con ngồi ghế.

Sau khi tiêm xong cho mẹ thì mình mới quay lại phòng hành chính để thanh toán. Khi đến đó thì đưa họ tờ biên lại tạm thu viện phí thôi, các giấy tờ khác không cần. Đưa họ tờ đó xong họ đưa lại cho mình một tập giấy tờ bảo ký tên vào các chỗ của bệnh nhân, người nhà thì ghi rõ quan hệ với bệnh nhân. Tổng cộng phải 6, 7 tờ, mình vừa đọc vừa ký mà họ cứ giục ký nhanh lên. Ký nhanh làm sao được, phải đọc kỹ mới ký được chứ. Mình đọc nhanh thì thấy, ngoài tiền chuyển mổ 1tr thì còn khá nhiều các loại tiền thuốc men, máy móc nữa. Họ tính riêng cả tiền găng tay, bơm kim tiêm, các loại máy dùng khi mổ, máy và giường khi theo dõi chuyển dạ, nhiều khoản lắm.

Mình xem cho biết chứ cũng chả ý kiến gì. Ký xong những giấy tờ đó thì đưa lại cho họ, một lúc sau có nhân viên khác thông báo số tiền phải nộp thêm. Nhà mình phải thêm tiền chứ có nhiều nhà cũng được nhận lại. Mình trả tiền xong thì họ đưa hoá đơn bảo ký. Xong xuôi thì vào bên trong, họ trả một liên hoá đơn và tiền thừa, mình đi tiếp vào trong để lấy giấy tờ. Mình tưởng lấy cả bệnh án về, hoá cho chỉ được lấy giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, chứng sinh và phiếu tiêm chủng của con thôi.

Thanh toán xong mình quay lại phòng thì cũng gần 3h, nhà ở giường 53 đã về trước rồi. Kể họ cũng nhanh phết, thanh toán xong trước mình có tí mà quay lại đã về rồi. Mình cũng xong rồi nên hai vợ chồng về thôi, vợ bế con còn mình đeo ba lô với xách túi. Khi vợ bế con, mình còn đeo vào cổ vợ khăn voan để cho bụi cho con nữa.

Vừa ra đến cửa thì con đòi ti, mà mẹ thì thay trang phục kín đáo lắm rồi không cho ti được. Thế là mình pha cho con một bình sữa. Mình xin nước của giường 27, sữa với bình thì của mình. Pha cho con 60ml, ăn xong bé mới ngủ tiếp, hai vợ chồng tiếp tục đi về, tiện thể cho nhà kia luôn cái chai Fanta của mình để họ đựng nước lạnh, càng đỡ vướng.

Khi đi xuống thay máy, mình gặp hai đứa điều dưỡng dở người. Chắc hai đứa đang đưa giường đi chuyển bệnh nhân, nhìn thấy hai vợ chồng mình thì chúng nó cười nói với nhau. Hai đứa cứ tự hỏi tự trả lời, bảo mình là chú, rồi đứa kia bảo phải là cậu, chỉ có cậu mới đeo ba lô thế thôi. Xuống đến tầng 2 thì gặp một đứa nữa, cũng đẩy giường vào thang máy, nó bảo người nhà ra hết ngoài đi bộ, để bệnh nhân đi thang máy thôi. Mình định ra ngoài, hai vợ chồng ra chờ thang tiếp nhưng vợ không chịu nên lại đi tiếp.

Xuống tầng 1 thì mình đi từ nhà D sang nhà A ra phía cổng chính, toàn đi trong hành lang thôi. Nhưng ở tầng 1 nhà A thì rất đông người nhà và sản phụ, mà người nhà là chủ yếu, ngồi la liệt ở đó. Thực ra thì chỗ đó ngày nào cũng vậy, mình cũng không thấy có gì bất ngờ. Mà khu tầng 1 nhà D sao mà đông người đợi thanh toán ra viện thế không biết.

Ra đến cửa nhà A thì có taxi ABC xếp hàng ở đó. Nhà mình lên luôn cái xe đầu tiên, được cái ông lái xe này rất cẩn thận, mình chỉ được có bảo qua khu công nghiệp đường mấp mô, ông ấy đi qua rất nhẹ nhàng không ảnh hưởng gì đến mẹ và bé cả. Đường vào nhà mình ngoằn ngoèo khó đi mà ông ấy vẫn phi xe gần đến cổng, thế là quá tốt rồi. Đi đường thì mình thấy cũng không lạnh lắm, chắc ở ngoài gió thì lạnh thôi. Quan trọng nhất là vợ mình đã chuẩn bị kính râm, chứ không thì chói mắt lắm. Bé nhà mình thì ngoan, về đến tận nhà mà không quấy khóc gì.

Sau khi về nhà xong thì mình cùng với bố vợ quay lại để lấy xe máy. Xe gửi mất hai ngày rưỡi, lấy ra hết 45k, chắc họ tính là 3 ngày. Vậy là xong xuôi hết mọi việc, cả nhà đã về nhà an toàn. Về nhà thì trời lạnh hơn viện nên hai vợ chồng phải đóng kín cửa với mặc quần áo cho con kín hơn một chút là ổn, bé đến bây giờ chưa ốm gì, ăn ngủ khoẻ, phá khoẻ, chỉ có bố mẹ bé mệt thôi.

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.

Welcome

manhhomienbienthuy

Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!

Bài viết mới

Chuyên mục

Lưu trữ theo năm

Thông tin liên hệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.