Du lịch cố đô Huế

Du lịch cố đô Huế
Photo by myself

Đã đi chơi được một thời gian nhưng giờ mới có thời gian viết lại. Năm nay nhiều việc, vợ mình lại bầu bí nên có lẽ không thể ăn chơi xả láng như mọi năm được nữa.

Tháng Tư vừa rồi, vợ chồng mình quyết định đi Huế chơi, cho thay đổi không khí. Cũng mất công tìm vé mấy ngày, lại phải tranh thủ công việc đang lúc ổn định. Kết quả là một chuyến đi vô cùng thú vị, cũng bõ công vất vả mấy ngày.

Chuyến đi lần này không cần chuẩn bị nhiều. Vị trí địa lý của Huế khiến thời tiết của nó không khác Hà Nội là bao. Nên việc chuẩn bị trang phục, giày dép không quá phức tạp. Đợt mình đi đang lúc chuyển mùa, thời tiết ban ngày nắng nóng nhưng tối thì hơi lạnh.

Thời tiết hoàn toàn thuận lợi, chỉ có một lưu ý nhỏ, do địa hình khiến Huế là nơi mưa nhiều nhất cả nước. Mà mưa Huế thì nổi tiếng rồi, vì vậy rất cần chuẩn bị sẵn ô, áo mưa để đề phòng.

Ngày thứ nhất

Mình đến Huế vào buổi sáng. Sân bay Phú Bài không phải ở Huế mà ở Thị xã Hương Thủy, di chuyển đến Huế tầm hơn 20km.

Lúc đầu mình đến khách sạn Holiday Diamond, xem trên mạng thì khá đẹp. Nhưng đến nơi thì họ bảo hết phòng (chả biết có thật không) và giới thiệu mình ra một khách sạn khác ngoài mặt đường. Lúc ấy đường Nguyễn Công Trứ đang được tu sửa, cát bụi nên mình không thích lắm.

Cuối cùng mình vào khách sạn Bốn Mùa ngay trong ngõ, gần như ở vị trí đối diện với khách sạn Holiday Diamond. Khách sạn không lớn, chỉ cỡ một nhà nghỉ nhưng mình khá hài lòng. Nhân viên rất thân thiện và đặc biệt là rất nhẹ nhàng, cả trai lẫn gái.

Giá thuê phòng rẻ hơn trên các trang như Agoda, TripAdvisor rất nhiều, may mà không đặt trước trên đó. Mình thuê khách sạn và thêm 50k nữa để ăn sáng ở đây luôn cho tiện, vì vợ đang bầu bí đi lại nhiều cũng khó.

Phòng mình ở ngay ngoài cửa sổ là một cây mộc. Đúng là hợp ý trời hợp lòng người, nhà mình cũng đang có nhu cầu trồng một cây này.

Cây Mộc

Ngoài lề một chút là sau chuyến đi này, về nhà mình đã sắm một cây mộc rồi. Tuy cây vẫn còn bé, chưa được như cây trong ảnh nhưng đã có hoa rất nhiều.

Nghỉ ngơi một chút thì vợ chồng mình ăn trưa. May nhờ Internet nên mình đã tìm được một quán cơm chay ngay trên đường Nguyễn Công Trứ, đi bộ là ra đến nơi. Quán rất đông khách, có vẻ đồ ăn tốt. Đặc biệt giá cả không hề đắt, hai vợ chồng ăn hết cả cơm, cả bánh bột lọc, bánh bèo no cành bụng hết có hơn 30k mà còn được khuyến mại âu trà sâm lá dứa mát lạnh, tuyệt vời.

Cơm chay

Ở đây có món chao, ngoài mình gọi là đậu phụ nhũ (có thể gọi là đậu phụ thối mặc dù nó chả có mùi gì). Món này chấm xì dầu ăn cũng được, đâu đến nỗi kinh khủng gì đâu.

Chiều hôm đó mình thuê xe máy để đi lại cho tiện. Mình thuê mấy ngày luôn. Nhờ lễ tân khách sạn thuê cho. Chi phí là 150k/ngày, mình thấy bình thường nhưng bạn bè mình có người thuê xe hết có 70k/ngày thôi. Nên nếu có thể thì cũng nên tham khảo vài nơi để được giá tốt nhất, còn không đắt thêm chút nhưng mà tiện lợi thế này cũng chả sao.

Đường đi ở Huế khá phức tạp, nhưng mình biết, mình ở gần sông Hương nên còn nhìn thấy sông thì không lo. Ngoài ra, có sự trợ giúp rất lớn của GPS thì đi lại cũng không thành vấn đề gì. Nhờ GPS mình đã có thể đi lại tất cả những nơi mình muốn.

Nơi đầu tiên mình đi là chùa Thiên Mụ.

Chùa nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Nơi có những chiếc thuyền rồng đợi chờ những lượt khách tham quan; Nơi nước sông trong mát, nước chảy lững lờ, cứ nhẹ nhàng y như con người ở đây vậy. Dòng sông cứ uốn lượn, như một dải lụa mềm mại, để cho biết bao người đến với nơi này không bao giờ quên được…

sông Hương

Mình đến chùa Thiên Mụ lúc đó là gần chiều tối, nắng không còn quá gay gắt. Cảnh chùa quả thật là đẹp. Mình tự thấy đã chọn thời gian quá chuẩn.

Chùa rất rộng, nằm trên một khu đất cao (như một quả đồi), cảnh sắc nên thơ. Ngoài cổng chính, chùa còn rất nhiều cồng phụ ở các phía. Chỉ có vấn đề nhỏ là rất đông khách, mà toàn khách Tàu. Hội này đi đến đâu thì như chợ vỡ đến đấy, cười nói rôm rả mất hết không khí trang nghiêm, tĩnh mịch vốn có của nơi này.

chùa Thiên Mụ

Một kinh nghiệm nhỏ cho ai chưa đi đến đây là có thể gửi xe ở bên dưới, họ nhận giữ xe với giá 5k (ở đây gửi xe ở đâu cũng 5k thì phải). Giá không đắt nhưng vẫn có thể phi xe lên con đường cạnh chùa rồi mang xe vào chùa để. Như vậy thì miễn phí, mà vẫn an toàn.

Chùa trồng nhiều cây, không khí trong lành mà không bị nắng nóng. Có một cây rất lạ, mình cũng không biết là cây gì. Lá thì giống là bàng mà quả thì như quả dừa.

cây lạ

Phía cuối chùa có một rừng thông. Tuy rừng không lớn nhưng cảnh sắc rất hài hòa với toàn bộ kiến trúc.

rừng thông

Ngoài ra, trong chùa còn trồng mấy cây hồng cổ (cây leo) và nuôi một đàn Koi mấy chục con. Một vài nơi trong chùa còn trưng bày di vật lịch sử, như chiếc xe sư Thích Quảng Đức đã đi trong ngày tự thiêu chẳng hạn.

Koi

Tham quan xong chùa thì mình trở ra. Ở quanh chỗ gửi xe họ bán rất nhiều mặt hàng. Nhiều nhất thì là tràng hạt, dầu tràm. Có vài người bán đồ ăn, đồ uống. Vợ mình có mua 3 loại mè xửng khác nhau, mỗi gói 10k, ăn ngon phết.

food

Trên đường trở về, qua đường Kim Long mình có ghé vào quán bún thịt nướng Huyền Anh. Đây là một quán có tiếng, rất nhiều bài trên mạng recommend quán này. Tuy nhiên, quán ở sâu trong ngõ chứ không phải ở mặt đường. Quán chỉ để một tấm biển không to lắm ở ngoài đường, lúc mình đi qua trời chập choạng tối nên phải quan sát cẩn thận lắm mới nhìn thấy.

Món ăn ở đây rất ngon, vị vừa phải. Mình ăn hai món bún thịt nướng và bánh ướt thịt nướng đều ngon cả. Vợ mình đang nghén mà vẫn ăn vô tư. Mặc dù ở sâu trong ngõ nhưng quán không hề vắng khách. Đúng là quán có tiếng có khác. Một lưu ý nhỏ là nếu bạn không ăn được cay hãy cẩn thận dặn họ cho ít cay từ trước.

bánh cuốn thịt nướng

Trên đường về đi qua cầu Trường Tiền thấy đông vui, nhộn nhịp nên tối vợ chồng mình đã đi dạo ở đó. Buổi tối ở chân cầu Trường Tiền, sát bờ sông có một phố đi bộ. Rất nhiều nam thanh nữ tú, trong có có vợ chồng mình ra đó ăn chơi hehe.

Có nhiều nơi gửi xe khác nhau, tiện chỗ nào thì gửi cũng được. Tất cả đều đồng giá 5k. Mình gửi xe ở ngay chân cầu vì nhìn thấy có mấy anh to cao trông xe hoành tráng nhất khu ;)) Ở ngay đó có một cái chòi, kiểu chòi hóng mát. Lúc mình đến rất nhiều người đang xúm xít xung quanh, không biết có gì hot.

Đến gần thì ra là họ đang bán bánh mì. Có 3 người tất cả, bán đủ các loại bánh mì: thịt, pa tê, trứng cút, v.v… Nhà mình cũng mua hai cái không quên kèm theo dặn dò ít cay. Tuy nhiên, bánh vẫn còn cay tương đối. Mình dù không ăn được cay nhưng mà ngon nên vẫn ăn tốt.

Bánh mì

Gần quán đó có một quán nước. Quán này không như mấy quán trà đá vỉa hè mình biết. Họ bán các loại nước đậu: đậu xanh, đậu nành, đậu tương, đậu phộng, v.v… Giá rất rẻ 10k/cốc to tướng. Hai vợ chồng lại làm thêm 2 cốc nữa.

Nước đậu

Mà sao đi chơi thế này mình ăn khỏe thế không biết, mới ăn tối xong mà giờ vẫn chiến ầm ầm. Nghĩ lại thì thấy không ăn được cay kể cũng thiệt, bao nhiêu món ngon không thưởng thức hết được.

Cầu Trường Tiền về đêm được trang trí rất bắt mắt. Đèn xanh đỏ được chiếu, nhìn từ xa cầu và sông nước trông rất đẹp. Tuy nhiên, cầu chỉ đẹp khi nhìn từ xa thôi. Những đèn đó không giúp gì cho người lưu thông trên cầu cả. Thậm chí, việc chiếu đèn từ dưới lên còn có lúc gây chói mắt.

Truong Tien bridge

Dưới chân cầu, sát bờ sông là phố đi bộ. Về cơ bản khá giống kiểu phố đi bộ ngoài Hà Nội. Vỉa hè phía sát bờ sông có vài hàng quán bán đồ ăn, xúc xích, chè Huế. Vài chỗ thì có các thanh niên nghệ thuật, người đàn người hát, có người sáng tác thư họa, v.v…

Phía vỉa hè bên trong thì người ta xây sẵn các gian nhà. Nhà được xây theo kiểu cổ điển, cho thuê để người ta kinh doanh. Mỗi gian bán một loại mặt hàng khác nhau, chủ yếu là các loại quà lưu niệm ở Huế, nhiều nhất vẫn là nón Huế.

Phố đi bộ

Thỉnh thoảng có vài người ra mời chào đi thuyền trên sông Hương. Nhưng cả hai vợ chồng mình không thích đi sông nước lắm nên không đi.

Lại nói về thuyền, thuyền trên sông Hương rất nhiều nhé, nếu không muốn đi xe máy vẫn có thể dùng thuyền làm phương tiện di chuyển được. Có thể đi thuyền đến rất nhiều địa điểm nổi tiếng ở Huế. Ví dụ lên thuyền ở bến Phu Văn Lâu đến chùa Thiên Mụ chẳng hạn. Ngoài ra thì buổi tối có nhiều chuyến đi nghe ca Huế trên sông.

Ngày thứ hai

Ngày thứ hai, sau khi ăn sáng thì mình ra Đại Nội luôn cho sớm. Vì có thông tin rằng tầm 8 rưỡi, 9 giờ sẽ có biểu diễn cảnh đổi gác cung đình xưa nên mình ra xem. Nhưng ra đến nơi thì chẳng thấy gì, chỉ có các học sinh đang chụp ảnh kỷ yếu.

Vừa ra đến nơi thì chỉ nhìn thấy cột cờ và Ngọ Môn. Nhìn cột cờ thật là hoành tráng, quả là cột cờ ở kinh thành, đại diện cho quốc gia có khác.

Mình mua vé gộp tham quan cả Đại Nội và lăng Minh Mạng, lăng Khải Định. Một vé hết 280k, nếu mua vé riêng cho từng địa điểm thì tốn hơn mấy chục. Nhưng mua riêng thì có thể đi tùy ý mình, có thể đi lăng Tự Đức, lăng Gia Long, v.v…

Đại Nội

Phía ngoài người ta có một sơ đồ chỉ dẫn kiến trúc Đại Nội xưa. Về cơ bản thì kiến trúc tổng thể được bố trị dọc theo một trục thẳng đứng. Các cung điện được xây xung quanh và đối xứng theo trục đó.

Bản đồ

Muốn vào Đại Nội phải đi qua Ngọ Môn, sau đó đến điện Thái Hòa. Ngọ Môn và điện Thái Hòa còn rất nguyên vẹn, chắc được sửa sang cẩn thận. Tuy nhiên, nhận xét cá nhân của mình thì Ngọ Môn không được xây đựng để phòng thủ thì phải, từ ngoài muốn vào Ngọ Môn thật quá dễ dàng.

Qua Ngọ Môn thì đến ngay sân Đại Triều Nghi rồi điện Thái Hòa. Thời Nguyễn thì chỗ này dùng dễ tổ chức các nghi lễ lớn. Quả thật là như vậy, sân và điện rất rộng, bao nhiêu người cũng chứa được hết. Chỉ có điều hơi nắng, ngày xưa cụ nào phải đứng chầu ở sân tầm buổi sáng thôi chắc ngất xỉu.

Điện Thái Hòa

Phía sau điện Thái Hòa, đi qua một cánh cổng là Tử Cấm Thành. Nơi này theo bản vẽ thì có hình vuông, là nơi ở của vua ngày xưa. Hai bên tử cấm thành có các cung điện khác của vợ, con vua.

Nhưng lịch sử huy hoàng trái ngược hoàn toàn với cảnh sắc hiện tại. Trái ngược luôn với cả cột cờ, Ngọ Môn và điện Thái Hòa còn khá nguyên vẹn, Tử Cấm Thành đã đổ nát gần hết. Ngay cả bức tường bao xung quanh Tử Cẩm Thành cũng chỉ còn vài mảnh.

Đổ nát

Đi sau nữa thì sẽ ra phía ngoài Tử Cấm Thành nhưng vẫn ở trong Hoàng Thành, có vài tòa nhà như ngự tiền văn phòng, nhưng cũng sập sệ gần hết. May ngoài cùng là các cổng thành thì vẫn còn. Ví dụ của Hòa Bình ở hướng bắc, ngược lại với Ngọ Môn.

Gần cửa Hòa Bình có lầu “Tứ phương vô sự”, tên lầu nghe giống lầu ở dinh Độc Lập. chắc là để vua chúa ăn chơi.

Khu vực cửa Hòa Bình không có nhiều khách, có hồ nước nên không khí rất trong lành. Đi một lượt đến đây có thể ngồi thư giãn lấy sức trước khi tham quan tiếp.

Cửa Hòa Bình

Qua cửa này là ra ngoài đường phố, dù vẫn trong Kinh Thành. Nhưng mình quay lại cho hết một vòng. Lúc vào mình đi hướng phải, giờ mình quay lại theo hướng bên trái (vẫn là bên phải theo chiều đi).

Phía bên trái này có một sân tennis, chắc của ông Bảo Đại học Tây xây nên. Sân cũ thì đã mất theo lịch sử, giờ người ta làm lại sân mới, trải cỏ nhân tạo trông không hợp lắm.

Phía bên này còn có một số vi trí đang được tu sửa. Người ta đã xây một dãy hành lang mới, chẳng biết có theo đúng kiến trúc cũ không, nhưng mà đi dọc theo hành lang, vừa mát vừa tham quan cũng tốt. Đặc biệt, chụp ảnh ở dãy hành lang này thì tuyệt vời.

Hành lang

Dọc hành lang trưng bày nhiều tranh ảnh mô tả cuộc sống các vua Nguyễn xưa. Có vua Khải Định và Bảo Đại thì đã có công nghệ chụp ảnh nên chân thực hơn, các vua trước thì chủ yếu là tranh vẽ.

Mà công nhận các vua diễn sâu, chụp ảnh so deep, so dark dân tình xách dép chạy theo cũng không kịp. Khi mình quay ra đến Ngọ Môn thì không thể đi ngược ra được mà phải ra ở cửa Hiển Nhơn ở phía đông.

Trước khi ra ngoài, gần cửa Hiển Nhơn là các tòa miếu để thờ cúng vua chúa nhà Nguyễn. Về cơ bản, các miếu cũng chung số phận với các tòa cung điện khác. Chỉ có Triệu Miếu mới được sửa lại nên vẫn còn được thờ cúng. Nơi đó đúng ra là thờ Nguyễn Kim, nhưng vì các miếu khác đã hỏng nên 9 chúa nhà Nguyễn cũng được thờ ở đây. Quanh Triệu Miếu là các miếu khác, nhưng người ta đã rào chắn cẩn thận, chuẩn bị tu sửa nên không cho vào.

Cửa Hiển Nhơn cũng là một cửa chính của Hoàng Thành. Ngoài Ngọ Môn hoành tráng hơn hẳn, các cửa khác đều có kiến trúc tương tự nhau. Cũng rất bề thế, nhưng của Hiển Nhơn hay bất cứ cửa nào thì cũng không phải cửa để phòng thủ đúng nghĩa lắm.

Cửa Hiển Nhơn

Sau khi tham quan thì mình về nghỉ ngơi, vì Đại Nội rộng mà hơi nắng, vợ mình bầu bí đi lại nhiều mệt. Đường trong Kinh Thành khá phức tạp do nhiều đường một chiều. Nhưng được cái quy hoạch tốt, đường thẳng và vuông góc, chủ yếu là xây theo các cạnh hình vuông của Hoàng Thành nên đi lại cũng không khó lắm.

Mình vừa đi vừa ngắm Hoàng Thành, bức tường bao Hoàng Thành vẫn còn, có lẽ ngày xưa người ta xây chắc chắn đề phòng có bạo loạn nên mới còn. Những tường khác bên trong chỉ dùng ngăn cách nên đã sập gần hết. Mình đi lòng vòng hết khu Kinh Thành, vừa ngắm cảnh, vừa xem xét hàng quán luôn.

Trưa hôm đó mình cất công qua Cồn Hến ăn cơm hến cho đúng vị. Chỗ mình ở cách Cồn Hến có một đoạn, nên đi ra cũng nhanh thôi. Nhưng trái với suy nghĩ của mình về các nhà hàng lớn và đông đúc, ở cồn hến chỉ có vài hàng quán đơn giản. Cồn không lớn lắm, nhưng đường đi ngoằn ngoèo, mình đi lòng vòng mấy lượt tìm nhà hàng xịn xịn một tí mà không được.

Không tìm được nhà hàng nào, mình vào một quán “có vẻ lớn” ở gần lối vào. Hàng quán tương đối đơn giản, mình gọi “2 bát” cứ tưởng mặc định là cơm hến, thì họ mang ra hai bát mì. Thực ra là mì tôm thêm hến vào. Thế là lại gọi tiếp một bát cơm hến nữa.

Cảm nhận cá nhân là cơm hến hay mì hến cũng bình thường, cách chế biến không có gì đặc biệt. Mùi vị cũng như mình vẫn ăn canh hến bình thường, không hiểu tại sao mà nó nổi tiếng đến thế.

Lúc mới tới Huế, anh taxi có nói cơm hến rất ngon, phải cho nhiều ớt, càng nhiều càng ngon, hay do mình không ăn được ớt nên ko có cảm nhận ngon cho lắm. Vợ mình cũng không ăn được món này, nên mình một lúc phải chén hết 2 bát mỳ tôm hến và cơm hến :))) Thật sự là khủng khíp :D Nghĩ lại thôi cũng tạm :D Có một điểm cộng là món này rất rẻ, mỗi bát chỉ 10k loại thường và 15k loại đặc biệt (nhiều hến hơn).

cơm hến

Theo mình biết thì cơm hến lấy hến đánh được từ chính khu vực cồn hến. Thế nhưng sau khi lòng vòng mấy lượt thì mình để ý thấy rằng, dân cư ở đây chẳng ai là có vẻ giống dân chài lưới cả. Không biết giờ họ còn giữ nghề của cha ông nữa không.

Sau khi ăn cơm hến xong, mình định đi ăn thêm món khác là bánh canh bà Đợi trên đường Đào Duy Anh. Món này là mình đi theo kinh nghiệm trên mạng truyền lại. Nhưng đi qua đi lại đường Đào Duy Anh mấy lần mà mình vẫn không tìm thấy quán. Thậm chí đến ngõ 40 mình cũng chẳng thấy đâu. Thế nên đành chờ ăn bánh canh dịp khác vậy.

Trưa hôm ấy ăn cơm hến không được như mong đợi lắm. Nên tối hôm đó hai vợ chồng nghỉ ngơi một lát rồi tìm chỗ ăn sớm. May mà trong lúc ở kinh thành hai vợ chồng đã tranh thủ tăm tia quán xá. Nên không cần tìm lâu, chỉ cần chọn đường đi cho đúng là được. Vì đường một chiều nên chọn sai một cái là phải đi vòng lâu lắm.

Hai vợ chồng vào một quán nem lụi trên đường Đinh Tiên Hoàng. Quán này cạnh một quán nhậu. Cả hai quán đều đông khách cả. Quán nhậu thì vừa đông khách vừa rôm rả.

Mình vào quán nem lụi, không nhớ rõ tên là gì, nhưng quán chỉ có cồng ở ngoài, quán ở sâu bên trong. Quán không lớn, nhưng đồ ăn rất ngon. Chủ nhà còn rất niềm nở giới thiệu với khách về các món ăn. Vợ mình còn háo hức tìm hiểu cả cách nấu nướng nữa cơ, họ nhiệt tình chỉ cho hết.

Ở đây, hai vợ chồng ăn cả nem lụi, bánh bèo, bánh xèo. Ăn bù cho bữa trưa không được như ý. Đồ ăn rất ngon, bao nhiêu đồ mà vẫn hết.

nem lụi

Sau khi ăn ở đây xong, hai vợ chồng nhanh chóng di chuyển qua quán bánh ép ở đầu đường Nhật Lệ. Quán này vợ mình tia được khi đi ăn nem lụi, thấy rất đông các em tuổi teen tụ tập ở đây. Các em tập trung chắc chắn có gì hot, mà hot vợ chồng mình phải tham gia ngay.

Món bánh ép rất đặc biệt, từ nguyên liệu kích cỡ chỉ bằng quả trứng cút, họ cho vào chảo ép thành miếng bánh mỏng nhưng to cỡ cái đĩa. Sau đó cho thêm nguyên liệu khác, tôm khô, trứng gà, nhiều thứ lắm, mình cũng không nhớ hết. Kết quả là ra được một loại bánh rất thích hợp để tụ tập bạn bè ăn cho vui.

bánh ép

Nhà họ còn làm sẵn một loại bánh ép khô. Nhưng loại này mình mua về ăn sau chứ không ăn ngay.

Trên đường Nhật Lệ còn có bánh chưng rất nổi tiếng. Nhưng sau khi ăn hai quán rồi, cả hai vợ chồng không còn ăn nổi cái gì nữa. Nên đi loanh quanh một lúc rồi về ngủ. Phố đi bộ cũng không ra nữa, đi bộ ở Hoàng Thành cả buổi sáng rồi, mà ra kia lại bị bánh mì mê hoặc nữa thì sức người không sao chịu nổi.

Trên đường về mình còn tia được mấy quán chè rất đông khách ở khu trung tâm văn hoá. Nhưng mà lúc bấy giờ thì lực bất tòng tâm, không biết chứa vào đâu nữa nên đành ngậm ngùi để dành cho ngày hôm sau vậy.

Ngày thứ ba

Tối hôm trước hai vợ chồng đi ngủ sớm, hôm sau dậy sớm để ra Hoàng Thành. Vì hôm trước ra xem đổi gác mà không được nên lần này ra sớm hơn nửa tiếng để hóng. Ra đến nơi thì vẫn như hôm trước, chẳng thấy gì. Đợi mãi chẳng thấy đổi gác, trời thì nắng, nên hai vợ chồng chuyển hướng đi tham quan các lăng luôn.

Vé đã mua từ hôm trước, không đi ngay hôm sau đi vẫn không sao. Các lăng cách kinh thành tầm 20-30km. Phần lớn các lăng nằm ở thị xã Hương Thuỷ, chỉ một số nhỏ vẫn nằm trong địa phận thành phố Huế.

Lộ trình đi để ít phải di chuyển nhất là đi lăng Minh Mạng, rồi quay về lăng Khải Định sau đó quay về Huế. Nhờ có GPS nên việc di chuyển không thành vấn đề. Chỉ có một sự cố phát sinh là đường ngắn nhất mà nó chỉ lại là một con đường nhỏ hẹp toàn sỏi đá. Giá như mình cố đi thêm chút nữa, dù hơi xa nhưng mà đường nhựa đến tận cửa lăng thì sướng hơn bao nhiêu.

Đây cũng là kinh nghiệm xương máu cho bạn nào chưa đi. Khi đi lăng Minh Mạng thì cứ đường lớn mà đi, xa nhưng mà đẹp. Đi đường gần, đường nhỏ, xóc, mà rất khó nhìn, không để ý thì đi quá ngay. Lúc mình rẽ từ đường 1A xuống cũng không nhìn thấy lỗi rẽ nên đi quá, xong lại quay lại. Nhưng mà cứ đi tiếp thì hơn, đằng nào cũng mất công đi quá rồi, quay lại cũng chẳng gần hơn mà đường lại xấu.

Lăng Minh Mạng còn tên gọi là Hiếu Lăng, được xây trên một khu đất rộng. Cảnh vật rất tĩnh lặng, chưa bị ảnh hưởng bởi ồn ào của cuộc sống hiện đại và đặc biệt là không khí rất mát mẻ.

Về kiến trúc, lăng Minh Mạng cũng như Hoàng Thành, kiến trúc đối xứng theo một trục thẳng đứng. Đi theo trục đó là hàng loạt các công trình kiến trúc: sân chầu, nhà bia, minh lâu, v.v… Mình cũng không có ý định viết một bài giới thiệu ở đây, ai đến tham quan nơi này sẽ thấy, người ta chú thích cho từng công trình một rồi.

lăng Minh Mạng

Nhà bia là nơi dựng một tấm bia đá, lăng nào nhà Nguyễn cũng có. Trên bia khắc quá trình xây dựng lăng mà công đức của nhà vua. Thực ra mình chả đọc được câu nào nên cũng chẳng biết trên bia viết gì.

Nhà bia

Sau nhà bia là sân Triều lễ, xây theo kiểu bậc tam cấp. Sau nữa là Hiển Đức Môn. Đây là cổng vào khu tẩm thờ. Lăng Minh Mạng phân biệt rất rõ khu tẩm thờ và khu lăng mộ. Khu tẩm thờ có một điện lớn, dùng để hương khói cho vua và hoàng hậu.

Hiển Đức Môn

Vào trong điện thờ, mình gặp một anh bảo vệ, rất nhiệt tình. Thấy hai vợ chồng mình đến tham quan, anh làm hướng dẫn viên du lịch luôn. Anh giới thiệu rất cẩn thận về toàn bộ khu lăng. Cũng nhờ anh ấy mà giờ mình mới biết, vua Minh Mạng chính là ông tổ ngành than của Việt Nam.

Phần tẩm để thờ là phần dương, phần lăng mộ là phần âm. Vua được chôn ở một quả đồi, rộng 1ha, nhưng chính xác chỗ nào thì không ai biết. Mà vua có được chôn ở đó không, thực ra cũng chẳng ai biết.

lăng mộ Minh Mạng

Toàn bộ công trình kiến trúc lăng được kết hợp hài hoà với các hồ nước, nên không khí được điều hoà, rất mát mẻ, mà có gì đó rất tĩnh lặng.

hồ nước

Ngoài các công trình nằm trên trục chính vẫn còn nguyên, và đã được tu sửa, các công trình khác đã không còn gì. Ngay cả nền nhà cũ mình cũng không nhìn thấy.

Sau khi tham quan hết một vòng lăng Minh Mạng thì mình chuyển ra lăng Khải Định, vì trời càng ngày càng nắng, mình muốn đi về cho sớm.

Từ Lăng Minh Mạng ra lăng Khải Định nếu đúng đi theo GPS thì rất gần, nhưng mình không tự tin khi đi đường 1A lắm nên gặp lối rẽ là đi vào luôn. Kết quả là đi ngược lại đường đến lăng Minh Mạng rồi mới tìm lối rẽ sang lăng Khải Định. Đi kiểu này xa hơn phải 15-20km, nhưng mình tự thấy là an toàn. Vì đường 1A cát sỏi nhiều mà gặp toàn xe tải.

Lăng Khải Định nằm ở mặt đường lớn, đi từ dưới lên phải leo mấy chục bậc. Lăng thiết kế mấy tầng, mỗi tầng lại leo thêm tầm chục bậc nữa. Thời vua Khải Định ảnh hưởng của Pháp đã rất lớn, lại được ông con Tây học. Nên lăng xây theo kiểu Pháp, kết hợp vài yếu tố truyền thống, nói chung là kim cổ giao duyên. Kiến trúc không giống bất cứ công trình thời Nguyễn nào khác. Công trình bên ngoài lại lấy màu đen là chủ đạo nên có phần âm u, kể cả khi trời đang nắng.

lăng Khải Định

Hơn nữa, tiềm lực của đất nước đã giảm, lăng cũng không còn được xây hoành tráng nữa. So với lăng Minh Mạng, lăng Khải Định quá nhỏ bé, khuôn viên không lớn, không có hồ điều hoà khí hậu, lại chẳng có bóng cây nào, nên rất nóng bức.

Lúc mình đến đó, trời đã gần trưa, nắng rất to. Mà đúng lúc mình đến lại có rất nhiều du khách, người người chen chúc trong điện thờ. Nên thời tiết đã nóng lại càng thêm ngột ngạt.

Lăng không phân biệt rõ phần âm, phần dương, khu điện thờ thì gian trước để hương khói, mộ vua ở gian sau. Các bức tường được trang trí bằng gốm sứ. Các hình vẽ đều là các mảnh gốm ghép lại, kiểu con đường gốm sứ. Làm ra chắc tốn công sức lắm đây.

Điện thờ

Cái thứ gắn trên trần nhà nặng tới hai tấn, không biết có phải thật không nhưng cũng khủng. Có thể chế tác và gắn lên trần được đúng là kỳ công. Nhìn bức tượng thì thấy vua Khải Định người khá nhỏ bé, không biết ăn uống thế nào mà thành ra như vậy. Mà ông này chết rồi vẫn khổ, phần mộ nóng như thế này cơ mà.

Mộ vua

Ở chỗ này mình gặp một hội Hàn Quốc, già trẻ đủ cả, vô ý thức như nhau. Biển NO FLASH khắp nơi mà họ cố tình không đọc, cứ bật lên chụp ầm ầm. Chẳng lẽ mình lại cầm cả cái biển tát cho phát vào mặt. Đúng là không phải tài sản nước họ nên phá cũng chẳng sao.

Trời thì đang nóng, khách thì đông, mà khu điện thờ chỉ có một hai cái quạt. Thế mà mấy con mụ Hàn cứ đứng chắn hết cả quạt. Có con mụ, đã hôi nách, đứng chắn lại có lấy quạt giấy quạt thêm vào nữa. Mình cũng đến chịu, thôi thì đâu cũng trời đất này cả, người vô ý thức thì ở đâu cũng có.

Trên đường đi, mình có nhìn thấy di tích đàn Nam Giao và lăng Thiệu Trị. Mình chỉ nhìn từ xa chứ không vào trong, hai nơi này cũng không cần vé. Cả hai nơi đều đã xuống cấp nghiêm trọng, đàn Nam Giao thì sắp được phục chế, còn lăng Thiệu Trị thì chẳng biết đến bao giờ. Lăng đổ nát, xung quanh đồng ruộng lại lấn dần vào lăng, trông hết sức tiêu điều. Kể ra cũng khổ họ Nguyễn, phần mộ tổ tiên như vậy là không làm gì được.

Trưa hôm đó, trên đường trở về thành phố, mình định đi ăn bánh canh bà Đợi ở Ngô Gia Tự. Khi đến gần đó thì thấy có bệnh viện, nên mình chả thích, chuyển sang chi nhánh khác của nó ở Kinh Thành.

Món bánh canh này ăn bình thường, không hợp khẩu vị cả hai vợ chồng mình. Bát bánh canh lại lèo tèo có tí. So với các loại bánh canh mình đã từng ăn ở Sài Gòn và Phú Quốc thì có thể nói là vực so với trời. Nói chung là nghe người ta nói nên đi ăn cho biết vậy thôi.

Bánh canh bà Đợi

Thế nhưng ăn món này cũng no phết, ăn lèo tèo vậy thôi mà trưa hôm đó mình cũng không ăn thêm gì nữa. Để dành bụng cho bữa tối.

Chiều hôm đó rảnh rỗi, hai vợ chồng mình ra chợ Đông Ba mua quà. Chợ to, bán rất nhiều thứ, thích mua gì cũng có. Ở đó có cả hôm khu bán tôm chua. Nhưng nhìn họ bày biện, chả bao bì nhãn mác gì, mình cũng không biết mua rồi mang về kiểu gì.

Ở chợ này mình chỉ mua các loại mè xửng. Giá không đắt, mà người ta cũng không nói thách nhiều. Hai vợ chồng mình mua đồ gần như chẳng mặc cả được gì.

Chỉ nghỉ ngơi một lát cho trời mát hơn, hai vợ chồng lập tức ra khu trung tâm văn hoá. Hôm trước đã tia được mấy quán chè mà chưa được ăn nên lần này phải ra bằng được.

Lúc mình ra thì họ mới mở hàng được một lúc, nhưng khách đã bắt đầu đông dần. Mình để ý thấy các quán chè Huế ở đây có một đặc điểm chung là toàn có 20 món. Mình cũng chẳng đếm xem có đủ không nữa.

Chè Huế

Chè ở đây có thể gọi theo menu sẵn, hoặc tự chọn, thích ăn loại nào trộn với loại nào cứ bảo chủ quán, họ sẽ làm theo ý thích, giá vẫn không đổi. Đã để dành bụng từ trưa nên hai vợ chồng mình ăn hẳn 3 cốc.

Chè Huế

Sau khi ăn chè xong thì mình đến nhà hàng Hạnh trên đường Phó Đức Chính. Đúng là một nhà hàng lớn, khách đông nườm nượp. Thế mà anh quản lý còn bảo như hôm nay là bán ế rồi, mọi hôm khách còn chờ đầy ngoài đường cơ.

Nhà hàng có một đặc điểm hơi dị, là không có chỗ để xe, cũng không trông xe. Khách đến tự để xe trên vỉa hè, tự bảo quản. Mà vỉa hè ở đây bé, phải để xe nằm dọc, nên chỉ để được 3, 4 xe ở trên là cùng. Còn các xe khác phải để ở dưới lòng đường.

Quán này ngon nhất là nem lụi nên hai vợ chồng ăn hẳn 10 cái. Đồ ăn, quán đông mà phục vụ vẫn tốt. Mình gọi cho vợ một ly nước chanh tươi, vợ bầu bí nên chiều với thương vợ quá, đi lại nhiều mệt nên uống nhiều nước, nước chanh tươi ở quán này rất ngon, vợ mình khen lắm, có vị của mật ong, ô mai, thơm ngon hơn nhiều với nước chanh thường. Vợ cảm động vô cùng ;)) Quán này viết mật khẩu wifi, dán lên tường, nhưng chữ bé tí. May mà mình tinh mắt nên vẫn đọc được.

quán Hạnh

Tôi hôm đó mình vào Kinh Thành một lần nữa để tìm mua tôm chua. Nhưng lúc đến nơi mới hơn 9h mà người ta đã nghỉ. Nên vẫn không mua được.

Ngày thứ tư: trở về

Theo kế hoạch thì hôm đó mình định qua thôn Vỹ Dạ ngồi cafe ngắm cảnh. Rồi về tìm mua tôm chua nữa là xong.

Đi qua cầu Đập Đá thấy trời nắng quá, nhìn thấy mấy quán cafe kiểu Vỹ Dạ xưa thấy cũng bình thường, nên mình không đi nữa. Vì hôm nay không còn thuê xe, nên việc đi lại không còn dễ dàng như những hôm trước.

Vỹ Dạ

Khi về, mình ra một cửa hàng bán đồ đặc sản trên đường Nguyễn Công Trứ, họ đang sửa lại nhà cửa, nhưng ông chủ rất nhiệt tình. Mặc dù không có tôm chua tại quán, nhưng mình đặt hàng ở đó, lúc nào có thì họ gọi. Thế mà mình về khách sạn có 5 phút đã có rồi.

Trưa hôm đó mình định quay lại quán cơm chay, nhưng mà tiêu hoá lại có vấn đề. May mà có mang thuốc theo, mình làm luôn hai gói men tiêu hoá. Uống xong thì cũng đỡ, nhưng mà chả có tâm trạng ăn uống gì nữa nên trưa hôm đó hai vợ chồng không ăn gì.

Mình trở về vào tầm trưa, về đến Hà Nội khoảng 2h. Mình đặt xe taxi đưa đón khứ hồi hết 500k, mà lại được cho đi Uber chứ không phải đi taxi như mọi lần. Có lẽ do giá rẻ hơn nên được đi Uber, mọi lần chỉ chiều đi đã hết 240k rồi. Nhưng nếu đi Uber mới nghe tài xế bảo nếu gọi thẳng Uber thì chiều về họ lấy có 250k thôi.

trở về

Chuyến bay về có điều đặc biệt là có chủ tịch nước đi cùng. Mặt ông ấy thì không được thấy, chưa lên họ đã kéo rèm, lúc ông ấy xuống xong mới gỡ đi. Lên thì mình phải lên trước rồi chờ. Xuống thì phải chờ ông ấy xuống mới được xuống.

Nói chung cũng là một kỷ niệm thú vị vì đó là chuyến bay vắng khách nhất mà mình từng đi ;)

Tôi xin lỗi nếu bài viết có bất kỳ typo nào. Nếu bạn nhận thấy điều gì bất thường, xin hãy cho tôi biết.

Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.

Welcome

manhhomienbienthuy

Đây là thế giới của manhhomienbienthuy (naa). Chào mừng đến với thế giới của tôi!

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Chuyên mục

Lưu trữ theo năm

Thông tin liên hệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm blog của tôi. Nếu có bất điều gì muốn nói, bạn có thể liên hệ với tôi qua các mạng xã hội, tạo discussion hoặc report issue trên Github.